Thúc đẩy khung minh bạch trong báo cáo khí hậu của Việt Nam

Đăng ngày: 15-02-2019 | Lượt xem: 1395
(TN&MT) - Ngày 15/2, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TNMT) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã tổ chức hội thảo tổng kết Dự án “Tầm quan trọng của thông tin: Thúc...
anh 1

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

Việt Nam đã đệ trình Thông báo quốc gia lần thứ 3

Một trong những yêu cầu đối với mỗi quốc gia khi tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH là phải có Báo cáo khí hậu, cụ thể là xây dựng các báo cáo Cập nhật 2 năm 1 lần (BUR) và Thông báo quốc gia (NC). Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đệ trình NC1 vào năm 2003, NC2 vào năm 2010; BUR1 vào năm 2014 và BUR2 vào tháng 11/2017. Mới đây nhất, ngay trước Tết Nguyên đán, Việt Nam đã đệ trình Thông báo quốc gia NC3 cho UNFCCC vào ngày 2/2 (28 Tết).

Ông Tấn cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đã nộp sớm nhất các báo cáo này, bởi đến nay, trong số 195 Bên quốc gia tham gia UNFCCC, mới chỉ có 25 quốc gia nộp BUR2 và 64 quốc gia nộp NC3. Dự kiến, Việt Nam sẽ hoàn thiện BUR3 trong thời gian từ nay đến năm 2020. Với vai trò cơ quan đầu mối, Cục BĐKH đã cùng cùng nhóm các các Bộ, ngành, cơ quan để xây dựng thông báo quốc gia có thể phản ánh chân thực nhất hiện trạng ứng phó BĐKH tại Việt Nam. Quá trình xây dựng này ngoài nỗ lực của Chính phủ Việt Nam còn có sự hỗ trợ tích cực của các đối tác như GIZ, UNEP, SilvaCarbon…  

anh 2

Ông Jörg Rüger, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Riêng dự án Information Matters đã có nhiều hỗ trợ tăng cường năng lực và thu thập thông tin để hoàn thành các báo cáo. Hội thảo Tổng kết dự án nhằm nhìn lại kết quả đạt được sau 3 năm, những khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm và những khuyến nghị cho thời gian tới. Ông Tấn nhấn mạnh, Hội nghị các Bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 24 (COP24) cuối năm ngoái đã phân định rõ hơn trách nhiệm của những nước đang phát triển như Việt Nam trong thực hiện Thỏa thuận, đồng thời đưa ra các yêu cầu cao hơn. Bởi vậy, hội thảo cũng nhằm phổ biến những quy định mới nhất về BĐKH và từ đó chuẩn bị cho những hỗ trợ khác và của GIZ cho BĐKH ở Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Jörg Rüger, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã sớm đệ trình NC3 trong khi nhiều quốc gia khác còn chưa hoàn thiện. Đặc biệt, chất lượng các báo cáo đã được nâng lên qua từng năm. Sau COP 24, khung minh bạch tăng cường đã được thông qua và phục vụ trực tiếp cho quá trình triển khai kiểm kê khí nhà kính quốc gia. Đây là vấn đề cần được xem xét và đưa vào quá trình xây dựng các báo cáo tiếp theo.

Tăng cường năng lực cho đội ngũ chuyên gia

Theo ông Jörg Rüger, Việt Nam là một trong 7 quốc gia tham gia giai đoạn 2 của dự án Information Matters. Dự án đã hỗ trợ xác định nhu cầu và các ưu tiên cụ thể về hệ thống Đo đạc, Báo cáo và Thẩm định (MRV) để giám sát phát thải khí nhà kính, tổ chức nhiều hội thảo tăng cường năng lực kết hợp với hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ và từ xa để thúc đẩy hoàn thiện các báo cáo khí hậu.

anh 3

Quang cảnh hội thảo

Về các kết quả sau 3 năm, bà Anna Schreyoegg, đại diện GIZ cho biết, dự án đã giúp tăng cường nhận thức cho các chuyên gia của Việt Nam về xây dựng các báo cáo BUR và quá trình tham vấn, phân tích quốc tế về các thông tin trong BUR, cũng như các thông báo quốc gia. Các chuyên gia Việt Nam đã xây dựng tiền đề để hoàn thiện việc tính toán các hạng mục chính trong kiểm kê khí nhà kính quốc gia, đặc biệt là dự tính phát thải cho lĩnh vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất. Dự án cũng hỗ trợ cải thiện chất lượng các báo cáo khí hậu và xác định một số khuyến nghị để hoàn thiện BUR 3 sắp tới.

Chia sẻ về quá trình xây dựng các báo cáo quốc gia của Việt Nam cho Công ước khí hậu, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giám sát phát thải khí nhà kính và Kinh tế carbon thấp (Cục BĐKH) cho biết, các khó khăn hiện nay là làm sao hiểu tường tận được yêu cầu quốc tế về nội dung NC/BUR; nguồn thông tin, số liệu phục vụ xây dựng các báo cáo còn chưa thống nhất; công tác chuẩn bị cho quá trình tham vấn, phân tích quốc tế đối với BUR thường xuyên trong thời gian tới và phải cập nhật những quy định mới theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris.

Theo các chuyên gia, để tuân thủ các yêu cầu về minh bạch của Thỏa thuận Paris, Việt Nam trong trung hạn cần phải nâng cao năng lực kỹ thuật và thể chế để kiểm kê khí nhà kính bền vững, thiết lập vai trò cụ thể của các bên liên quan, đảm bảo tính đầy đủ của việc kiểm kê và thực hiện dự tính phát thải. Bên cạnh đó, báo cáo minh bạch về các chỉ tiêu giảm phát thải trong cam kết quốc gia cho Thỏa thuận Paris và có theo dõi tiến độ…

Việc hỗ trợ cho các hoạt động này có thể huy động từ nhiều dự án khác nhau. Thời gian tới, GIZ sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ TN&MT trong việc xây dựng và thực hiện chính sách khí hậu để đạt được nhiều tham vọng hơn trong ứng phó BĐKH thông qua dự án mới “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris” (gọi tắt là dự án SIPA), trong đó sẽ có nội dung tăng cường năng lực cho đội ngũ chuyên gia xây dựng các báo cáo khí hậu.

Thông báo quốc gia (NC) là báo cáo của mỗi Bên quốc gia nhằm cung cấp cho UNFCCC tình hình phát thải khí nhà kính, việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải và thích ứng BĐKH để cân nhắc cách thức đối phó với BĐKH toàn cầu.

Báo cáo cập nhật 2 năm 1 lần (BUR) có nội dung tập trung vào các hành động giảm nhẹ và tác động của chúng; hệ thống MRV trong nước và nhu cầu tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực, cũng như các thông tin khác liên quan đến giảm phát thải. các nước đang phát triển sẽ cải thiện hoạt động báo cáo NC thông qua đệ trình các BUR và đẩy mạnh hoạt động giảm nhẹ phát thải trong nước.

 

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: