Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam 5 năm hình thành và phát triển

Đăng ngày: 20-08-2024 | Lượt xem: 1014
Trong nhiệm kỳ Đại hội đầu tiên (2019-2024) có thể nói là có nhiều công tác mang tính nền tảng cho hoạt động của Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam về lâu dài. Trao đổi với GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn (KTTV) Việt Nam trong hành trình phát triển của Hội để có góc nhìn rõ hơn về những hoạt động, thành tựu mà Hội đã đạt được trong thời gian qua cũng như những khó khăn, thách thức của Hội trong thời gian tới.

GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội KTTV Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Hội KTTV, những gì đầu tiên cũng sẽ hơi vất vả và khó khăn, đặc biệt trong thời gian đó dịch Covid cũng đã làm ảnh hưởng khá nhiều vào hoạt động của Hội. Tuy nhiên, với tất cả nỗ lực của các Hội viên và của các cơ quan, đơn vị tham gia cùng Hội rất tích cực nên Hội đã có những đóng góp đáng kể đến như trong nhiệm kỳ vừa qua. Thứ nhất là về công tác, Hội đã hoàn thiện công tác tổ chức và đặc biệt là đã thành lập được 02 Viện nghiên cứu trực thuộc hội, một viện ở thành phố Hồ Chí Minh và một viện tại Hà Nội. Trong thời gian tới các hoạt động của Viện sẽ được đẩy mạnh và sẽ đóng góp cho các công việc của Hội.

Về công tác tổ chức của Hội đã kiện toàn các chức danh trong Hội và với sự tham gia của rất nhiều đơn vị từ những đơn vị ở Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh cũng như các Đài KTTV các khu vực. Hội đã được Đảng Ủy Quận Đống Đa cho thành lập Chi bộ và trong thời gian tới, Chi bộ của Hội sẽ phát triển thêm các Đảng viên mới. Về công tác chuyên môn, Hội chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu đã có nhiều đóng góp như: tham gia xây dựng Luật bảo vệ môi trường. Với đóng góp của Hội đã được Bộ Tài nguyên Môi trường tặng bằng khen cho Hội. Hội đã tham gia trong xây dựng dự thảo của Chỉ thị 10 của Ban bí thư về công tác KTTV, tham gia rất nhiều công việc như Quy hoạch mạng lưới KTTV quốc gia, các văn bản, chỉ thị, các thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về công tác KTTV. Về Biến đổi khí hậu (BĐKH), các thành viên của Hội đã tham gia trong các văn bản quan trọng của nhà nước, chẳng hạn như Chiến lược quốc gia về BĐKH, trong đóng góp do quốc gia tự quyết định cho Ban thư ký Liên Hợp Quốc về BĐKH. Hội cũng đã tham gia trong xây dựng dự thảo về kế hoạch thích ứng quốc gia,…

Về các lĩnh vực khác như quy hoạch của các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đã tham gia trong các Hội đồng thẩm định, báo cáo, đánh giá môi trường chiến lược của rất nhiều tỉnh và hầu hết các đánh giá môi trường chiến lược này đã được phê duyệt và Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt các Quy hoạch của các tỉnh.

Như vậy có thể nói tuy hoạt động mới nhiệm kỳ đầu nhưng Hội đã đóng góp rất tích cực trong công tác quản lý nhà nước, chuyên môn trong lĩnh vực KTTV, môi trường và BĐKH. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những thành quả như đã đạt được trong nhiệm kỳ I và tích cực hơn nữa trong các đề tài, các dự án với 2 đơn vị chuyên môn là Viện Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long và Viện nghiên cứu và phát triền công nghệ KTTV và môi trường tại Hà Nội. Những hoạt động chuyên môn, những đề tài nghiên cứu khoa học, những dự án sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong lĩnh vực mà Hội đang thực hiện.

Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam là nơi tập hợp các nhà tri thức đầu ngành của nước nhà. Trong 5 năm qua, với sự chỉ đạo, sự giúp đỡ của Bộ Nội vụ, Bộ TNMT, Tổng cục KTTV và sự đóng góp của các đơn vị trong ngành KTTV, môi trường và BĐKH, Hội đã có nhiều hoạt động đáng kể trong lĩnh vực phục vụ, quản lý nhà nước, phục vụ công tác chuyên môn. Đặc biệt là trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường. Qua đây, GS.TS Trần Thục cũng cảm ơn Bộ TNMT, Tổng cục KTTV, Viện Khoa học KTTV và BĐKH, Trường Đại học TN&MT Hà Nội, Viện Khoa học Tài nguyên nước và các đơn vị liên quan đã hỗ trợ và cùng cộng tác với Hội KTTV. Hy vọng trong thời gian tới sự hợp tác này sẽ được tiếp tục và phát huy hơn nữa.

Công tác KTTV rõ ràng là lúc nào cũng gặp thách thức đòi hỏi các cán bộ cũng như lãnh đạo, các cán bộ trong ngành KTTV cần nỗ lực hơn nữa. Trong thời gian vừa qua công tác KTTV cũng đã đạt được nhiều bước tiến rất đáng ghi nhận, từ công tác đo đạc tại các Trạm, truyền các dữ liệu về Trung ương, phân tích và dự báo, đồng thời truyền tải thông tin về dự báo thông tin trong phục vụ sản xuất đến người dân. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận của ngành KTTV.

Những thành quả đạt được là có sự chỉ đạo trực tiếp của các lãnh đạo cấp trên của Bộ TNMT, của Tổng cục KTTV. Nhờ sự đầu tư của nhà nước, đồng thời có sự phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới và ở Việt Nam. Tuy nhiên, công tác dự báo KTTV vẫn còn nhiều những thách thức mà chúng ta cần phải vượt qua. Với điều kiện nóng lên toàn cầu của BĐKH, các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ xảy ra ngày càng nhiều hơn, dự báo những điều kiện cực đoan này trong bối cảnh BĐKH là một thách thức. Những thông tin dự báo tđược truyền tải cho người dân cần được dễ hiểu hơn và làm sao có được sự gắn kết giữa các nhà làm dự báo, các nhà cung cấp thông tin với người sử dụng thông tin để những thông tin được hiệu quả.

Thế giới đã đi đến những bước tiến khá quan trọng thế nhưng ngành KTTV còn cần phải ngày càng nỗ lực hơn nữa để áp dụng trí tuệ nhân tạo vào trong công tác dự báo. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, sử dụng trí tuệ nhân tạo thường là sử dụng những thông tin trong quá khứ, những cơ sở dữ liệu lớn thế nhưng chúng ta vẫn còn đang thiếu, chúng ta mới chỉ có những số liệu KTTV với những hình thế thời tiết, những điều kiện gây ra hiện tượng cực đoan này làm cơ sở dữ liệu của chúng ta là chưa đủ. Một vấn đề nữa là BĐKH trong quá khứ những cực đoan xảy ra như thế, chúng ta biết như thế nhưng trong tương lai, BĐKH làm cho những quy luật này có thể thay đổi. Như vậy, áp dụng trí tuệ nhân tạo lấy kiến thức, nền tảng trong quá khứ, trong tương lai có thể cần phải điều chỉnh hơn nữa để có thể đáp ứng được nhu cầu.

Định hướng hoạt động của Hội trong thời gian tới: Tiếp tục củng cố, ổn định về mặt tổ chức, hoạt động theo điều lệ Hội đã được phê duyệt; tuyên truyền mục đích của Hội; đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội, hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội. Tiếp tục tham gia vào các hoạt động khoa học công nghệ: các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và  tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế của Ngành KTTV cũng như của Bộ Tài nguyên và Môi trường; tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản của Bộ, Ngành có liên quan đến nội dung hoạt động của hội theo quy định của pháp luật; tích cực tham gia các hoạt động khác khi được yêu cầu. Tiếp tục tham gia các hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Tích cực tham gia các nhiệm vụ khác khi được giao. 

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: