GS.TS Trần Hồng Thái: Mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia cần những thay đổi mang tính đột phá

Đăng ngày: 08-02-2021 | Lượt xem: 5126
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tổ chức thực hiện xây dựng Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn (KTTV) quốc gia thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch hướng đến mục tiêu phát triển mạng lưới trạm KTTV quốc gia hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, khả thi theo hướng tự động hoá cao, bảo đảm “tính mở, có khả năng lồng ghép, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia và mạng lưới KTTV toàn cầu”.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn xung quanh chủ đề này.

GS. TS. Trần Hồng Thái

Phóng viên: Thưa ông, Quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc KTTV thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi là thời kỳ mới) sẽ phục vụ như thế nào cho công tác dự báo, cảnh báo, góp phần phục vụ phòng, chống thiên tai và phát triển đất nước?

GS. TS. Trần Hồng Thái: Trong những năm gần đây, cùng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết và các hiện tượng KTTV ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp. Các loại hình thiên tai như bão, lũ, lũ quét, hạn hán, mưa lớn, tố, lốc, triều cường có xu hướng xảy ra thường xuyên, quy mô lớn với mức độ tàn phá nặng nề hơn.

Theo thống kê, chỉ trong 10 năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có 649 đợt thiên tai xảy ra như: Bão, lũ, hạn hán, mưa đá, lốc xoáy, sạt lở; gây thiệt hại khoảng 5,2 tỷ USD, làm khoảng 500 người chết và phá hủy khoảng 470.000 ngôi nhà, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,3% GDP.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 mưa đá, dông lốc đã trút xuống dữ dội ở các tỉnh thành miền Bắc, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và gay gắt ở ĐBSCL; các tháng mùa khô, thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở Trung Bộ và ĐBSCL; mùa lũ Trung Bộ, Tây Nguyên đã phải hứng chịu chuỗi đã thiên tai liên tiếp, trong vòng 42 ngày chịu ảnh hưởng trực tiếp của 6 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, trong đó bão số 9 là một trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, mưa lớn kéo dài với tổng lượng mưa gấp 3,0-3,5 lần so với trung bình nhiều năm với nhiều điểm vượt lịch sử...

Trước thực trạng đó, nhằm góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của thời tiết, ngành KTTV được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư và đã có nhiều đóng góp tích cực phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển KT-XH bền vững, bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia. Trình độ, năng lực của Ngành KTTV Việt Nam đã dần tiệm cận vị trí đứng đầu ASEAN. Tổ chức Khí tượng Thế giới đã chọn Tổng cục KTTV trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là Trung tâm dự báo hỗ trợ khu vực Đông Nam Á về bão, mưa lớn, gió mạnh, dự kiến sẽ mở rộng về loại hình thiên tai khác như lũ, lũ quét. Hoạt động KTTV chuyên dùng của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân ngày càng phát triển mạnh, nhất là từ khi Luật Khí tượng thủy văn có hiệu lực đến nay đã có hàng nghìn trạm KTTV chuyên dùng do các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp quản lý.

Với tốc độ phát triển nhanh của KT-XH nước ta hiện nay, nhu cầu thông tin về KTTV đòi hỏi ngày càng tăng, không chỉ xuất phát từ cộng đồng, mà còn xuất phát từ nhiều lĩnh vực ngành nghề của xã hội như: nông nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch, dịch vụ... Điều này đòi hỏi mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia cần phải có những thay đổi mang tính chất đột phá cả về số lượng, chất lượng. Do đó, Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn (KTTV) quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải hướng tới mạng lưới trạm KTTV hiện đại có khả năng chia sẻ, kết nối linh hoạt và có tính tự động hóa cao với mật độ phân bố trạm hợp lý trên đất liền, biển, đảo, vùng trời, đặc biệt là vùng chịu tác động của các loại hình thiên tai nguy hiểm bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống cho công tác dự báo, cảnh báo KTTV và điều tra cơ bản nhằm phục vụ phát triển KTXH, phòng chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó BĐKH và các yêu cầu phát triển trong các thời kỳ quy hoạch.

Đồng thời, tăng dày mật độ trạm KTTV tự động bảo đảm phục vụ dự báo số, dự báo điểm chi tiết. Ưu tiên phát triển mới các trạm quan trắc KTTV tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm còn trống số liệu, vùng chịu tác động mạnh do BĐKH và nước biển dâng là hết sức cần thiết trong lúc này.

Phóng viên: Quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc KTTV thời kỳ mới sẽ kế thừa Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ trước ra sao và có những điểm mới gì nổi bật, thưa ông?

GS. TS. Trần Hồng Thái: Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV thời kỳ mới cơ bản sẽ kế thừa Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia kỳ trước, tuy nhiên có rà soát, điều chỉnh, phân lại loại hình trạm cho phù hợp Luật KTTV, Khuyến nghị của Tổ chức Khí tượng Thế giới và các nước phát triển trên thế giới nhằm xây dựng mạng lưới trạm KTTV quốc gia hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, khả thi theo hướng tự động hóa cao, bảo đảm: tính mở, có khả năng lồng ghép, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia và mạng lưới KTTV toàn cầu. 

Quan điểm mới và nổi bật của Quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc KTTV thời kỳ mới là:

Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài; khắc phục được những tồn tại, bất cập đã, đang và sẽ đặt ra trên mạng lưới trạm quan trắc KTTV trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo tính khoa học, tiên tiến, hiệu quả, khả thi.

Quy hoạch phải hướng tới mạng lưới trạm KTTV hiện đại có khả năng chia sẻ, kết nối linh hoạt và có tính tự động hóa cao với mật độ phân bố trạm hợp lý trên đất liền, biển, đảo, vùng trời, đặc biệt là vùng chịu tác động của các loại hình thiên tai nguy hiểm bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống cho công tác dự báo, cảnh báo KTTV và điều tra cơ bản nhằm phục vụ phát triển KT-XH, phòng chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó BĐKH và các yêu cầu phát triển trong các thời kỳ quy hoạch.

Quy hoạch hướng tới việc phân định mạng lưới trạm KTTV quốc gia theo hệ thống các trạm nền, cơ bản và hệ thống các trạm phục vụ dự báo, cảnh báo KTTV làm nền tảng cho việc xây dựng, phát triển các mô hình quản lý hiện đại, phù hợp.

Phóng viên: Trong Nhiệm vụ lập Quy hoạch thời kỳ mới, việc quy hoạch cả các trạm KTTV theo hình thức thuê dịch vụ có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh nước ta hiện nay, thưa ông?

GS. TS. Trần Hồng Thái: Để phát triển mạng lưới trạm KTTV quốc gia đảm bảo phù hợp với điều kiện nguồn lực đầu tư của đất nước trong thời gian qua và xu thế quản lý các trạm theo mô hình hiện đại của một số nước trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thử nghiệm phát triển mạng lưới trạm đo mưa tự động độc lập theo hình thức thuê dịch vụ. Phát triển các trạm KTTV theo hướng thuê dịch vụ (nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng công trình chuyên môn, lắp đặt thiết bị và chỉ cung cấp số liệu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chi trả phí dịch vụ) thông qua việc lắp đặt tại các trạm BTS, tầu biển hoặc tăng dầy các trạm đo ở các vùng trống số liệu như vùng biển đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

Vì vậy, khi quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia kỳ này sẽ nghiên cứu lồng ghép tối đa mạng lưới trạm KTTV quốc gia với hạ tầng mạng lưới viễn thông, tầu biển, tầu bay và các mạng lưới khác đảm bảo nhu cầu cung cấp thông tin dữ liệu phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đồng thời, Tổng cục KTTV sẽ nghiên cứu, đề xuất các văn bản quy định cho phù hợp, bảo đảm huy động đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện quy hoạch bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy hoạch thời kỳ mới.

Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV theo xu thế hiện đại

Phóng viên: Một trong những điểm quan trọng trong Nhiệm vụ lập Quy hoạch lần này là trên cơ sở rà soát, đánh giá, xác định số lượng trạm KTTV cần thiết; từ đó đề xuất điều chỉnh, giảm các trạm KTTV có quan trắc viên hiện có không cần thiết và xây dựng mạng lưới các trạm tự động, hiện đại phù hợp. Ông có thể làm rõ thêm về nội dung này?

GS. TS. Trần Hồng Thái: Như đã nêu ở trên, Quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc KTTV thời kỳ mới cũng hướng tới việc phân định mạng lưới trạm KTTV quốc gia theo hệ thống các trạm nền cơ bản, các trạm này sẽ được lựa chọn với số lượng phù hợp, quan trắc toàn diện các yếu tố theo quy định và là trạm có người, quan trắc tự động một số yếu tố chính; hệ thống các trạm phục vụ dự báo, cảnh báo KTTV làm nền tảng cho việc xây dựng, phát triển các mô hình quản lý hiện đại, phù hợp và các trạm này sẽ quan trắc tự động hoàn toàn.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm các trạm KTTV có quan trắc viên hiện có sẽ được Tổng cục nghiên cứu, đưa ra giải pháp, xây dựng kế hoạch và thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2030, trong đó có đề xuất bổ sung các nhiệm vụ mới không thể thực hiện bằng tự động cho các trạm KTTV nhằm tăng cường, hỗ trợ cho công tác dự báo, cảnh báo KTTV, phòng chống, thiên tai và ứng phó với BĐKH.

Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, đánh giá, xác định số lượng cần thiết các trạm KTTV cơ bản, các trạm giám sát để phản ánh được các đặc trưng của 7 vùng khí hậu; các lưu vực sông, vùng biển. Trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh, giảm các trạm KTTV có quan trắc viên hiện có không cần thiết và đề xuất xây dựng mạng lưới các trạm tự động, hiện đại phù hợp. Phát triển công nghệ quan trắc hiện đại, đặc biệt là công nghệ đo không tiếp xúc, công nghệ vệ tinh, viễn thám; hạn chế tối đa các phương tiện đo thủ công và bán tự động.

Phóng viên: Nhiệm vụ này được coi là Nhiệm vụ cấp bách không chỉ đối với Bộ TN&MT mà cả với ngành KTTV nói riêng. Toàn ngành đã và sẽ nỗ lực ra sao với nhiệm vụ tối quan trọng này, thưa ông?

GS. TS. Trần Hồng Thái: Ngay sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện Nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng cục KTTV đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách không những của Bộ Tài nguyên và Môi trường mà của cả toàn ngành KTTV. Tổng cục nhìn nhận, đánh giá là nhiệm vụ có tính chất phức tạp và được thực hiện trên quy mô toàn quốc; liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương.

Để đảm bảo chất lượng, tiến độ và sớm hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch, Tổng cục KTTV đã thành lập Ban Chỉ đạo nhiệm vụ lập “Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” gồm thành phần là Thủ trưởng các đơn vị quản lý, chuyên môn nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục và Tổng cục trưởng trực tiếp làm Trưởng ban để chỉ đạo, thống nhất và tập trung thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia; ban hành chi tiết kế hoạch thực hiện lập quy hoạch từ giai đoạn lập nhiệm vụ quy hoạch, thực hiện lập quy hoạch cho đến khi công bố quy hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho đơn vị chủ trì, các đơn vị phối hợp trực thuộc Tổng cục nhằm đảm bảo tiến độ lập, trình, thẩm định, phê duyệt quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia; tổ chức các buổi họp, hội thảo với sự tham gia các đơn vị chuyên môn, nhà khoa học, chuyên gia nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực KTTV để đưa ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu phù hợp, khả thi cho việc lập quy hoạch thời kỳ mới trên cơ sở kế thừa Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia kỳ trước.

Ngoài ra, Tổng cục cũng đưa nhiệm vụ lập quy hoạch vào chương trình công tác trọng tâm, ưu tiên của Tổng cục các năm 2020-2021 nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng mạng lưới trạm KTTV hiện đại có khả năng chia sẻ, kết nối linh hoạt đảm cung cấp thông tin, dữ liệu một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống cho công tác dự báo, cảnh báo KTTV và điều tra cơ bản nhằm phục vụ phát triển KTXH, phòng chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó BĐKH và các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội cho Đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo TN&MT
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: