PV: Thưa ông, cụ thể diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong khoảng thời gian này ra sao?
Ông Vũ Đức Long:
Hiện nay, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang có xu thế tăng cao, theo số liệu của chúng tôi, tới ngày 9/3, một số điểm đo ở Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau độ mặn đã ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2016. Độ mặn sẽ tiếp tục gia tăng và có khả năng đạt mức cao nhất từ ngày 11 - 13/3, sau giảm chậm; độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn ngày 10 - 13/2, cũng như cùng kỳ năm 2016.
Ranh mặn 4g/l trong thời kỳ 11 - 13/3 trên một số sông như sau: ở sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 90 - 112km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại phạm vi xâm nhập mặn 55 - 60km; sông Hàm Luông: Phạm vi xâm nhập mặn 68 - 80km; sông Cổ Chiên phạm vi xâm nhập mặn 55 - 68km; sông Hậu phạm vi xâm nhập mặn 60 - 67km; sông Cái Lớn phạm vi xâm nhập mặn 55 - 58km.
PV: Trước tình hình xâm nhập mặn liên tục gia tăng, các tỉnh Nam Bộ đang đứng trước những nguy cơ như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Đức Long:
Các tỉnh ở ĐBSCL tiếp tục chịu ảnh hưởng gay gắt bởi xâm nhập mặn; đặc biệt là đợt xâm nhập mặn từ nay cho đến ngày 15/3. Sau thời điểm này, chúng tôi nhận định, độ mặn có suy giảm nhưng còn duy trì ở mức cao trên sông Cửu Long.
Riêng khu vực sông Vàm Cỏ (Long An), sông Cái Lớn (Kiên Giang), vùng Cà Mau độ mặn cao nhất năm có khả năng xuất hiện vào thời kỳ đầu tháng 4 và kéo dài đến hết tháng 4, sau đó giảm dần.
Hạn hán, xâm nhập mặn vẫn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân ĐBSCL. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) |
PV: Cả nước đã có 5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về hạn hán, xâm nhập mặn. Dù các địa phương đã rút kinh nghiệm từ những đợt hạn hán, xâm nhập mặn trước đây nhưng vẫn không tránh được thiệt hại. Phải chăng chúng ta đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”?
Ông Vũ Đức Long:
Mỗi loại thiên tai khi xuất hiện đều mang lại những ảnh hưởng nhất định đến đời sống kinh tế - xã hội, trách nhiệm của chúng ta là phải chủ động trong công tác phòng tránh để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Trong đợt thiếu nước và xâm nhập mặn năm nay ở Nam Bộ, các cơ quan , ban ngành từ Trung ương đến địa phương cũng như người dân đã chủ động ứng phó, giảm thiểu tối đa những thiệt hại do xâm nhập mặn trong thời gian vừa qua. Đơn cử như công tác dự báo, cảnh báo đã được ban hành sớm (từ tháng 8/2019), các cấp chính quyền địa phương chủ động phương án phòng chống, người dân chủ động trong việc tích trữ nước cũng như lấy nước phục vụ tưới tiêu.
Qua số liệu thống kê và báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, thiệt hại do xâm nhập mặn đến thời điểm này giảm nhiều so với năm 2016. Điều này cho thấy, chúng ta đang hoàn toàn chủ động trong phòng chống xâm nhập mặn chứ không phải trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
PV: Vậy, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia dự báo diễn biến hạn hán, xâm nhập các tháng còn lại của mùa khô ra sao? Ông có lời khuyên gì với bà con ở vùng ĐBSCL?
Ông Vũ Đức Long:
Mùa mưa trên sông Mê Công và ĐBSCL nhiều khả năng sẽ đến muộn; khu vực này ít có khả xuất hiện mưa trái mùa trên diện rộng cùng với diễn biến dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công như hiện nay cho thấy trong thời gian tiếp theo của tháng 3 và tháng 4, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về ĐBSCL không được cải thiện. Do đó, nền mặn ở cửa sông Cửu Long tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 3; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn và vùng Cà Mau duy trì ở mức cao đến hết tháng 4; sau đó mới giảm dần.
Trước tình hình này, cơ quan dự báo khí tượng thủy văn khuyến cáo chính quyền các tỉnh và bà con khu vực ĐBSCL cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin về dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn để nắm bắt rõ diễn biến chủ động tận dụng tối đa thời điểm triều kém để lấy nước. Trước khi lấy nước tưới cần kiểm tra nồng độ mặn. Vụ Đông - Xuân đã và đang trong giai đoạn thu hoạch, tiếp theo là đến vụ Hè - Thu, đối với các địa phương vùng ven biển cần lưu ý không nên xuống giống quá sớm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Trước nguy cơ thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, mới đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 04 của Thủ tướng về giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, giảm thiệt hại hơn nữa cho sản xuất, ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Theo Báo TN&MT