Chuyên gia Lê Thanh Hải
PV: Khả năng có những cơn bão mạnh có khả năng hình thành khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, hoặc Biển Đông có thể ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam năm 2020?
Chuyên gia Lê Thanh Hải: Trước hết, phải nhấn mạnh ở khía cạnh chuyên môn khoa học dự báo: dự báo hình thành, phát triển, di chuyển, thay đổi cường độ và đổ bộ vào đất liền hay là ảnh hưởng trực tiếp của từng cơn cụ thể là một việc khó khăn, nên việc dự báo cho cả một mùa bão thường kéo dài suốt từ tháng 4 đến tháng 12 lại là việc khó khăn gấp bội. Về mặt cơ sở khoa học, phương pháp dự báo hay các mô hình dự báo cho cả mùa bão kéo dài như vậy là một việc gần như không thể hay nói một cách triết lý là “bất khả tri”. Thế nhưng, do đòi hỏi của thực tế, của các cấp chỉ đạo, chỉ huy, của phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, chúng ta vẫn cần phải có cách gì đấy, dù chưa thể thật gần đúng hay thật sát với quá trình hoạt động của cả mùa bão, hàng năm tháng 4, tháng 5, vẫn phải có một nhận định sơ bộ, dự báo xa hay dự báo sơ bộ có tính tham khảo để lập kế hoạch cho công tác phòng chống thiên tai trong cả một mùa mưa bão kéo dài.
Năm 2020 này, Tổng cục KTTV Việt Nam mà cụ thể là Trung tâm dự báo KTTV quốc gia đã đưa ra các nhận định sơ bộ hay dự báo xa số lượng các cơn bão trong mùa bão năm nay trên biển Đông nói riêng và khu vực bão Tây bắc Thái Bình Dương nói chung.
Theo một số cơ quan dự báo trong khu vực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippin… mùa bão năm nay ở toàn bộ các khu vực ở bắc Bán cầu đều nhiều hơn so với trung bình hàng năm. Cụ thể, ở khu vực bão Tây bắc Thái Bình Dương, mùa bão năm 2020 sẽ có tổng 24 cơn (không kể áp thấp nhiệt đới), trong đó có 15 cơn bão mạnh từ cấp 11 trở lên và trong số các cơn bão mạnh này có khoảng 10 cơn đạt cấp 13-14 trở lên. Năm nay, tháng 3 và tháng 4 chưa có cơn bão nào, như vậy là mùa bão sẽ xuất hiện muộn. Dự kiến đến giữa tháng 5 mới có cơn bão đầu tiên ở ngoài khơi đông nam Philippin và không đi vào biển Đông. Trong tháng 5, trung bình chỉ có 1 cơn, nhưng bão thường mạnh, di chuyển phức tạp và gây thiệt hại lớn trong biển Đông như năm 1989 và 2006. Ngoài mùa bão xuất hiện muộn, mùa bão năm nay đang trùng với thời kỳ ENSO trung tính nghiêng về pha lạnh và trước cuối năm có thể chuyển sang La Nina, nên mùa bão có thể nhiều về số lượng, mạnh về cường độ và dồn dập vào cuối mùa từ tháng 10 đến tháng 12.
PV: Số lượng cơn bão, ATNĐ có khả năng đổ bộ vào Việt Nam sẽ theo chiều hướng thế nào?
Chuyên gia Lê Thanh Hải: Thông thường, bão trong biển Đông chiếm khoảng 40% số lượng bão ở khu vực Tây bắc Thái Bình Dương. Do vậy, cũng như các dự báo sơ bộ trước đây, mùa bão năm nay sẽ có thể có thêm khoảng 11 – 13 cơn bão nữa, trong đó có khoảng 5 – 6 cơn bão mạnh trên cấp 11 - 12 và 4 cơn mạnh trên cấp 13 – 14 và có thể có 1 – 2 siêu bão cấp 15 trở lên. Ở đây nói thêm là bởi vì không tính đến các cơn bão tháng 1 và tháng 2, đây là những cơn rớt lại của mùa bão năm ngoái vẫn đưa vào thống kê tổng cơn bão năm 2020. Ở đây muốn nói đến mùa bão năm 2020 thường từ tháng 4, tháng 5 đến tháng 12. Ngoài ra, còn phải thêm vào từ 2 đến 4 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông nữa.
Đối với bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam chúng ta, tức là vùng mắt bão hay vùng trung tâm áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền nước ta thường chiếm một nửa số lượng trên biển Đông. Tức là mùa bão năm nay, theo dự báo xa/nhận định sơ bộ sẽ có khoảng 5 – 6 cơn, trong đó bão mạnh là 2 – 3 cơn, rất mạnh 1 – 2 cơn, 2 – 3 áp thấp nhiệt đới nữa và cần phải đề phòng có thể có cả 1 cơn siêu bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển, quần đảo, đảo và đất liền Việt Nam. Tất nhiên, tổng số các cơn bão trên biển Đông đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các quần đảo, vùng biển thuộc quyền và có quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông hoặc ảnh hưởng gián tiếp gây ra mưa lớn, lũ lớn, gió mạnh cho các vùng miền tùy từ cơn, từ hình thái khí quyển cụ thể. Đây mới chỉ là những nhận định sơ bộ ban đầu, những dự báo xa đầu tiên, chúng ta cần phải cập nhật lại thường xuyên qua từng tháng, cần theo dõi liên tục từ ngày, từng giờ sự hình thành, phát triển, hoạt động của từng cơn bão hay áp thấp nhiệt đới và tác động hay ảnh hưởng của nó thì mới giảm thiểu các thiệt hại.
PV: Tác động của các yếu tố khí tượng (thay đổi: gió mùa, nhận định theo đầu mùa, giữa mùa, cuối mùa bão) đến các cơn bão có ảnh hưởng tới Việt Nam?
Chuyên gia Lê Thanh Hải: Cụ thể hơn với Việt Nam: mùa bão năm nay sẽ đến muộn và kéo dài đến tận cuối tháng 12. Bão có thể đến tháng 6 mới xuất hiện cơn bão đầu mùa trên biển Đông và từ tháng 7 trở đi bão mới ảnh hưởng trực tiếp. Mùa bão sẽ dồn dập vào cuối mùa, tháng 10, tháng 11 và kéo dài sang cả tháng 12. Nguy cơ có bão mạnh và rất mạnh là tương đối nhiều từ tháng 8 đến tháng 11. Hai năm liên tiếp 2012 và 2013 trên biển Đông đã xuất hiện siêu bão, sau đấy ít gặp lại thì mùa bão năm nay cần đề phòng, cảnh giác cao với sự xuất hiện trở lại của siêu bão trong mùa bão năm nay.
Cuối cùng, có điều này cũng cần phải lưu ý thêm: gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh toàn cầu và suy thoái kinh tế, phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đang giảm đi rõ rệt, lỗ hổng tầng ô-zôn ở 2 cực đã giảm đi rõ rệt…
Tổ chức Khí tượng Thế giới vẫn đang cảnh báo xu thế nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục một cách rõ rệt và ít nghi ngờ nhất. Năm 2020 tiếp tục sẽ là năm nóng, thiên tai ngày càng gia tăng và càng khốc liệt hơn nữa. Chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy khí quyển Trái đất đang được “hàn gắn” hay cải thiện trở lại.
Tạp chí KTTV