Thành tựu nghiên cứu, ứng dụng Khoa học Công nghệ trong 30 năm thành lập của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ

Đăng ngày: 02-08-2024 | Lượt xem: 1607
Sáng ngày 2/8, tại Nha Trang đã diễn ra Hội thảo Khoa học của Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực Nam Trung Bộ. Đây là hoạt động thứ hai trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ. Tại Hội thảo các nhà nghiên cứu diễn thuyết về các thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học trong 30 năm qua của Đài.

Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn biến khá dị thường, có tính chất cực đoan hơn gây hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội, tính mạng con người. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ luôn đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng các kết quả, sản phẩm của đề tài vào trong nghiệp vụ để đáp ứng nhiệm vụ được giao, đồng thời đóng góp thiết thực cho công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng ở các địa phương. Một số thành tựu tiêu biểu về nghiên cứu khoa học và ứng dụng KHCN trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai ở địa phương trong 30 năm gần đây, đặc biệt trong giai đoạn 10 năm gần đây Đài đã thực hiện hơn 20 đề tài, nhiệm vụ, dự án các cấp, sản phẩm các nhiệm vụ đã được ứng dụng trong nghiệp vụ dự báo của Đài và chuyển giao cho các địa phương, làm cơ sở khoa học để định hướng phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch dân cư, cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, xây dựng các giải pháp ứng phó với thiên tai có hiệu quả.

Toàn cảnh hội thảo

Các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản như: Đặc điểm khí hậu, thủy văn, hải văn; Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước; Đo địa hình thủy vực, lòng dẫn, xây dựng cột tiêu báo lũ, nghiên cứu phản hồi ra đa thời tiết Nha Trang, xây dựng chỉ tiêu dự báo, cảnh báo thiên tai,…các đề tài về nghiên cứu ứng dụng như: xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt, lũ quét, bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất đá, bản đồ phân vùng rủi ro với các cấp độ thiên tai,... luôn được triển khai đảm bảo nội dung nghiên cứu và tiến độ, trong đó có phần vận dụng sáng tạo từ thực tiễn, vì vậy kết quả nghiên cứu của các đề tài đều được nghiệm thu và triển khai ứng dụng có hiệu quả tại các địa phương.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã giới thiệu, bàn luận về các nghiên cứu nổi bật, thành tựu trong 30 năm từ ngày thành lập đến nay, cụ thể: Đề tài “Đánh giá tác động của BĐKH đến tài nguyên nước mặt tỉnh Bình Định”, chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Văn Lý, năm 2015; Đề tài “Nghiên cứu bổ sung đặc điểm khí hậu thủy văn tỉnh Khánh Hoà”, chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Tấn Hương, năm 2016; Đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo chi tiết theo các cấp độ rủi ro thiên tai do bão, mưa lớn, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán đến cấp xã (vùng), huyện thuộc tỉnh Ninh Thuận”, chủ nhiệm đề tài ThS. Võ Anh Kiệt, năm 2019; Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ và ngập lụt cho các địa phương thuộc khu vực Nam Trung Bộ. Áp dụng thí điểm cho lưu vực sông Kôn - Hà Thanh”, chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Văn Lý, năm 2020; Đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ cảnh báo, dự báo chi tiết các cấp độ rủi ro thiên tai do: bão, mưa lớn, nắng nóng, sạt lở do nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt cho tỉnh Phú Yên”, chủ nhiệm đề tài TS. Bùi Văn Chanh, năm 2021; Đề tài “Điều tra, đánh giá xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm ổn định các cửa sông và vùng bờ ven biển tỉnh Khánh Hòa”, chủ nhiệm đề tài TS. Bùi Văn Chanh, năm 2022; Đề tài “Nghiên cứu phân vùng khô hạn và quản lý giám sát hạn hán trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”, chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Hồng Trường, năm 2022; Đề tài “Phân vùng nguy cơ và lập bản đồ cảnh báo sạt lở đất, đá do mưa ở tỉnh Khánh Hòa”, chủ nhiệm đề tài ThS. Võ Anh Kiệt, năm 2022; Đề tài “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn tỉnh Phú Yên”, chủ nhiệm đề tài KS. Trần Công Danh, năm 2022; ) Đề tài “Xây dựng công nghệ dự báo tác động và cảnh báo rủi ro do bão, áp thấp nhiệt đới và lũ tại các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ”, chủ nhiệm đề tài ThS. Trần Văn Hưng, năm 2023; Nhiệm vụ “Xây dựng quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên sông thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa phục vụ công tác phòng, chống, ứng phó với lũ, ngập lụt, phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ nhiệm nhiệm vụ Ths. Trần Văn Hưng, năm 2023.

Các nhà nghiên cứu trình bài về các Đề tài khoa học

Bên cạnh các Đề tài cấp tỉnh, cấp bộ, Đài còn thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KT-TV-HV theo chức năng nhiệm vụ được phân công như: Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ cảnh báo, dự báo lũ lưu vực sông Kỳ Lộ tỉnh Phú Yên, năm 2016; Nghiên cứu xây dựng các phương án dự báo lũ cho sông Lũy, năm 2016; Nghiên cứu xây dựng Quy trình dự báo thời tiết, sóng, gió cho vùng biển Bình Thuận và đưa vào dự báo nghiệp vụ tại Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, năm 2017; Nghiên cứu ứng dụng mô hình mưa - dòng chảy thông số phân bố để xây dựng công cụ dự báo thủy văn cho lưu vực sông Dinh Ninh Hòa, năm 2018; Xây dựng công cụ dự báo thủy văn hạn vừa, hạn dài cho khu vực Nam Trung Bộ, năm 2020.

Hình ảnh thảo luận về các đề tài nghiên cứu

Định hướng Nghiên cứu khoa học và công nghệ của Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ giai đoạn 2025-2030: Tiếp tục tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ; phát triển và ứng dụng hệ thống công cụ dự báo/ cảnh báo thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn phù hợp với điều kiện tự nhiên và năng lực hệ thống cảnh báo/ dự báo của Đài; Phát triển và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu khoa học công nghệ và dịch vụ, phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững ở các địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong KTTV. Nghiên cứu, ứng dụng các nội dung của cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại (CNTT, GIS, viễn thám..) trong công tác dự báo khí hậu, cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan, điều tra, đánh giá tài nguyên KTTV và giám sát biến đổi khí hậu. Đổi mới cách tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV theo hướng thông tin, dữ liệu KTTV, từng bước biến thông tin KTTV là tài nguyên số có giá trị, tạo nguồn ngân sách, tăng tính độc lập, chủ động, giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Xây dựng Cơ sở dữ liệu KTTV bao gồm tích hợp thống nhất thông tin, dữ liệu về biến đổi khí hậu, các hoạt động phát triển KT-XH có liên quan, tác động hoặc chịu tác động từ các điều kiện KTTV.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: