Hội thảo quốc tế “Khoa học và Công nghệ - Chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”

Đăng ngày: 30-05-2024 | Lượt xem: 534
Chiều ngày 30/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Khoa học và Công nghệ - Chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái; Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Công Thành; Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển; GS. TS Khoa học Nguyễn Đức Ngữ, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn; bà Lê Thị Hồng Vân, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia Unesco Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hoá và Unesco, Bộ Ngoại Giao; GS. TS. Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất Mỏ; GS. TS. Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy Việt Nam.

Hội thảo cũng có sự tham gia của 110 nhà khoa học, nhà quản lý đang công tác và nghiên cứu ở các lĩnh vực Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, tài nguyên nước thuộc các bộ, ngành Trung ương, địa phương; các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và các tổ chức quốc tế như: UNDP, UNESCO, Cơ quan chiến lược về giảm nhẹ thiên tai của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Khí tượng Thế giới, Ủy ban Bão…

 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, những thảm họa thiên tai với tần suất và mức độ tàn phá gia tăng. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với nỗ lực phát triển bền vững của các quốc gia. Vì vậy, khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc dự báo, phòng ngừa và giảm nhẹ các rủi ro thiên tai, cũng như ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Những thành tựu đạt được đã cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào khoa học và công nghệ, là chìa khoá giải quyết các thách thức. Tuy nhiên, để đạt được kết quả bền vững và toàn diện hơn, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành và các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học chia sẻ những kết quả nghiên cứu, những kinh nghiệm, tầm nhìn để cùng thảo luận về các hướng đi mới, các giải pháp sáng tạo, phù hợp cho Việt Nam.

Ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái: Đã đến lúc chúng ta phải trân trọng tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Và khoa học công nghệ chính là giải pháp cho vấn đề này. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sát cánh cùng ngành Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành công khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để phục vụ đất nước phát triển tốt hơn. Trong đó, những mũi nhọn cần tập trung là chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo.

Các Đại biểu là các nhà khoa học tham dự Hội thảo

Thông qua hội thảo, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý đã đóng góp 22 báo cáo, công trình nghiên cứu. Nội dung tập trung đánh giá toàn diện những thách thức mới nổi ở quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia. Qua đó, đề xuất các giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh góp phần phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu bảo đảm phát triển bền vững, an toàn.

GS.TS Trần Thục phát biểu tại Hội thảo

Theo GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, thiếu hụt thông tin là thách thức với ngành KTTV hiện nay. Có khoảng cách từ thông tin dự báo quốc gia tới người sử dụng do hạn chế về ngôn ngữ chuyển tải, hệ thống thông tin, khoa học. Điều này tạo tâm lý ít tin tưởng vào dự báo khí hậu và năng lực hành động dựa theo thông tin dự báo còn hạn chế. Do đó, cần tạo điều kiện để các nhà dự báo ngồi cùng người sử dụng sản phẩm, đưa kiến thức khoa học đến với cộng đồng.

Giáo sư cũng đề xuất: “Các nhà khoa học trẻ hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, những nghiên cứu nhỏ để có thể ghép thành bức tranh lớn hơn. Trong khi đó, các viện nghiên cứu, trường đại học hãy chia việc lớn thành những việc nhỏ để tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ được nghiên cứu, sáng tạo”

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận xung quanh đề xuất các giải pháp đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học cũng đã tham luận về các vấn đề, giái pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, thích ứng giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính,...

GS.TS Trần Đình Hoà, Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam chia sẻ về những thách thức từ biến đổi khí hậu đối với phát triển bền vững tại Việt Nam

GS.TS Trần Thục chia sẻ về tình trạng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra

Ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: