Việt Nam tham gia Ủy ban Bão từ năm 1968 với tư cách là quan sát viên và là thành viên chính thức từ năm 1979. Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) là đầu mối quốc gia trong các hoạt động hợp tác với Ủy ban Bão. Theo thông lệ hàng năm sẽ tổ chức Hội nghị tích hợp và bốn năm một lần sẽ tổ chức Diễn đàn kỹ thuật TRCG.
Cơ quan Khí tượng Hồng Công, Trung Quốc là cơ quan chính phủ về dịch vụ thời tiết được thành lập từ năm 1883. Cơ quan có chức năng dự báo thời tiết, đưa ra các cảnh báo về thiên tai, theo dõi và đánh giá mức độ phóng xạ ở Hồng Công, Trung Quốc và cung cấp các dịch vụ khí tượng và địa chất khác để phục vụ cộng đồng, các cơ quan hàng hải, hàng không, công nghiệp và kỹ thuật. Cơ quan Khí tượng Hồng Công, Trung Quốc là 1 trong 14 thành viên của Uỷ ban Bão.
Hội thảo nêu trên nhằm tạo điều kiện trao đổi thông tin giữa các Thành viên Ủy ban Bão về ứng dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo mới nhất trong phân tích và dự báo xoáy thuận nhiệt đới; thảo luận nhu cầu của các Thành viên Ủy ban Bão trong việc trao đổi dữ liệu theo thời gian thực trên các sản phẩm trí tuệ nhân tạo; thảo luận, xây dựng các khuyến nghị để đưa chương trình thí điểm của Uỷ ban Bão vào thực hiện chính thức.
Số lượng, thành phần: 01 người
- Quốc tế: 29 chuyên gia từ 11 thành viên Ủy ban Bão, bao gồm Trung Quốc; Hồng Công, Trung Quốc; Nhật Bản; Lào; Ma Cao, Trung Quốc; Malaysia; Philippines; Hàn Quốc; Thái Lan; Việt Nam và Hoa Kỳ; các nhóm phát triển trí tuệ nhân tạo hàng đầu đến từ Cơ quan Khí tượng, các trường đại học và công ty công nghệ thông tin.
- Tổng cục Khí tượng Thủy văn: Ông Đỗ Tiến Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, công chức loại A2, bậc 3/8, ngạch chuyên viên chính (mã số 01.002), đồng thời là Trưởng ban Công tác Điều phối Đào tạo và Nghiên cứu của Ủy ban Bão.
II. Hoạt động của Đoàn Việt Nam tại Hội thảo:
Đoàn Công tác tham dự các đầy đủ các hoạt động và phiên báo cáo kỹ thuật trong Hội thảo theo như kế hoạch, cụ thể:
- Lễ khai mạc Hội thảo “Thúc đẩy trao đổi kỹ thuật về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích và dự báo xoáy thuận nhiệt đới”.
- Báo cáo “Dự báo quỹ đạo xoáy thuận nhiệt đới bằng mô hình PanguWeather” của Tiến sĩ Nan Qiao và Tiến sĩ Kaifeng Bi từ Huawei Cloud Computing.
- Báo cáo “Khả năng sử dụng mô hình dựa trên dữ liệu cho dự báo bão trong nghiệp vụ - Kết quả thử nghiệm dự báo sử dụng Pangu-Weather và các điều kiện ban đầu của JMA/GSM trong 3 năm” của Tiến sĩ Munehiko Yamaguchi, Nhật Bản.
- Báo cáo “Phát triển các kỹ thuật phân tích bão dựa trên AI tại KMA” của Tiến sĩ Woojeong Lee, Hàn Quốc.
- Báo cáo “Ứng dụng của các mô hình AI dựa trên dữ liệu trong giám sát và dự báo xoáy thuận nhiệt đới” của Tiến sĩ Chunyi Xiang, Trung Quốc.
- Báo cáo “Các vấn đề về xoáy thuận nhiệt đới trong mô hình dự báo dựa trên dữ liệu: Đánh giá và sản phẩm” của Tiến sĩ Michael Maier-Gerber, Trung tâm Dự báo khí tượng hạn vừa Châu Âu.
- Các thành viên Ủy ban Bão chia sẻ kinh nghiệm và hiện trạng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nghiệp vụ theo dõi và dự báo xoáy thuận nhiệt đới; Từ đó
thảo luận nhu cầu và khó khăn của các thành viên Ủy ban Bão về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong theo dõi và dự báo xoáy thuận nhiệt đới.
- Báo cáo “Những tiến bộ và ứng dụng của mô hình dự báo FengWu” của Tiến sĩ Tao Han, Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Thượng Hải, Trung Quốc.
- Báo cáo “Ứng dụng AI/ML trong phân tích và dự báo cực ngắn xoáy thuận nhiệt đới” của Tiến sĩ Wai-kin Wong, Hồng Công, Trung Quốc.
- Báo cáo “FuXi: Mô hình học máy cho dự báo hạn vừa và hạn nội mùa” của Tiến sĩ Xiaohui Zhong, Đại học Fudan, Trung Quốc.
- Các thành viên thảo luận, trao đổi về các định hướng và kế hoạch ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích và dự báo xoáy thuận nhiệt đới. Các thành viên của Ủy ban Bão đưa ra những mong muốn, cam kết giúp đỡ nhau phát triển các ứng dụng mới nhất của trí tuệ nhân tạo trong phân tích và dự báo xoáy thuận nhiệt đới.
- Tổng kết Hội thảo “Thúc đẩy trao đổi kỹ thuật về ứng dụng AI trong phân tích và dự báo xoáy thuận nhiệt đới”.
- Đặc biệt, trưởng đoàn công tác, đồng thời là Trưởng ban Công tác Điều phối Đào tạo và Nghiên cứu của Ủy ban Bão đã có những thảo luận cụ thể tại Hội thảo nhằm phát triển các hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong công tác dự báo, cảnh báo xoáy thuận nhiệt đới đối với Việt Nam nói riêng và cộng đồng Uỷ ban Bão nói chung; đề xuất giải pháp nâng cao gắn kết, hợp tác giữa các thành viên của Ủy ban bão để đưa chương trình thí điểm của Uỷ ban Bão vào thực hiện chính thức góp phần nâng cao năng lực dự báo bão cho từng thành viên Ủy ban Bão góp phần phục vụ phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phát triển kinh tế, xã hội, môi trường bền vững trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Hình ảnh Đoàn công tác tham dự Hội thảo tại Hồng Kông, Trung Quốc
Trong thời gian tham dự Hội thảo, Đoàn Công tác đã thực hiện đầy đủ, đảm bảo mục tiêu chuyên môn đã đặt ra, đồng thời Đoàn đã cẩn trọng chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Nhà nước về công tác ngoại giao. Trong quá trình làm việc tại Hồng Công, Trung Quốc, Đoàn nhận thấy cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ Hội thảo và công tác đón tiếp, tổ chức chương trình làm việc của các đối tác khoa học, đảm bảo đầy đủ nghi lễ, nghi thức ngoại giao. Chuyến công tác của Đoàn cũng thu được những thông tin và kinh nghiệm hữu ích. Cụ thể, tiếp thu, học hỏi các hoạt động, kinh nghiệm và kiến thức tiên tiến nhất trong việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích và dự báo xoáy thuận nhiệt đới, ứng dụng của các mô hình trí tuệ nhân tạo trong công tác dự báo, hoạt động ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào dự báo hạn cực ngắn, hạn vừa và hạn nội mùa, cách thức sử dụng dữ liệu lớn và nền tảng dữ liệu mở từ các thành viên Uỷ ban Bão...
Tạp chí KTTV