An ninh nguồn nước ở Việt Nam - Bài cuối: Nâng cao chất lượng cảnh báo, dự báo về nguồn nước

Đăng ngày: 09-09-2020 | Lượt xem: 3359
An ninh nguồn nước là vấn đề nóng ở mọi quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, nhất là trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng và đã có nhiều thay đổi về quy luật. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng cảnh báo, dự báo là cơ sở để đưa ra các giải pháp trong việc quản lý, sử dụng nguồn nước hiệu quả và bền vững.

Độ mặn tăng cao khiến nhiều diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng, thậm chí mất trắng. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Nguy cơ hạn hán trong mùa khô năm tới

Tổng Cục Khí tượng Thủy văn nhận định, các tháng cuối năm 2020 do có mưa lũ nên lượng dòng chảy trên các sông sẽ được cải thiện hơn. Tuy nhiên, lượng nước ở nhiều con sông vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm từ 25 - 80%, thậm chí ở một số sông tỷ lệ này là trên 85%. Vì vậy, với thực trạng nguồn nước ở thời điểm hiện tại thì nguy cơ tiếp tục xảy ra thiếu nước và trên diện rộng là rất cao, đặc biệt ở thời kỳ nắng nóng vào năm tới.

Ở khu vực Bắc Bộ, tình trạng hạn hán, thiếu nước từng xảy ra trên diện rất rộng và diễn biến hết sức phức tạp. Lượng mưa cũng như lượng dòng chảy trên các sông, suối trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình rất thấp so với trung bình nhiều năm. Hiện tượng này gây thiếu hụt lượng nước ngay trong mùa mưa, lũ năm 2019 (từ tháng 6/2019).

Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra ở phạm vi rộng và trên hầu hết các lưu vực sông. Nước thiếu hụt nghiêm trọng ngay từ đầu mùa cạn (tháng 12/2019). Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 40 - 60%, tại một một số sông lượng nước thiếu hụt trên 70%,. Hiện tượng này gây thiếu hụt lượng nước ở cả trong mùa mưa, lũ năm 2019 (từ tháng 7 năm 2019).

Tại Đồng bằng sông Cửu Long tình hình hạn mặn mùa khô năm 2020 vẫn được coi ở mức nghiêm trọng như năm 2016. Tuy nhiên, nhờ công tác dự báo, cảnh báo sớm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là sự chỉ đạo rất kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn của các địa phương mà thiệt hại do hạn mặn mùa khô năm nay đã được giảm thiểu.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo hết sức gắt gao các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là Tổng cục Khí tượng thủy văn và Cục Quản lý tài nguyên nước, trong công tác dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình khí tượng, thủy văn tại các lưu vực sông thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc, chỉ đạo kịp thời việc điều chỉnh vận hành, điều tiết xả nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Sê San, sông Đồng Nai… để góp phần vừa cấp nước cho hạ du trong mùa khô vừa qua.

Trong mùa cạn của năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên đôn đốc, phối hợp trong chỉ đạo, điều hành cũng như ban hành hàng trăm văn bản về việc vận hành các hồ chứa lớn, quan trọng trong 11 quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần giảm thiểu đáng kể thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra cho người dân.

Trong năm 2019, tổng lượng mưa mùa lũ trên lưu vực sông Mê Kông thiếu hụt từ 20-  40% so với trung bình nhiều năm và từ 15 - 25% so với năm 2015; tổng lượng dòng chảy thiếu hụt từ 30 - 35% so với trung bình nhiều năm và khoảng 5% so với năm 2015, dòng chảy mùa khô từ sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm và năm 2015-2016.

Từ đầu mùa khô đến nay đã có 5 đợt xâm nhập mặn tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh. Theo đó, độ xâm nhập mặn (4 gram trên 1 lít nước) sâu nhất tính đến ngày 30/3 ở cửa sông Cửu Long đã xa hơn so với năm 2016 từ 3 - 7km; tại các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang) từ 4 - 15km. Hiện, đã có 5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Trước tình hình thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy nêu trên, trên cơ sở dự báo, cảnh báo và nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trước mùa khô vừa qua đã cảnh báo cho các địa phương trên phạm vi cả nước và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo.

Trước khi mùa mưa bắt đầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ công tác hỗ trợ các địa phương trong việc điều tra, tìm kiếm nguồn nước ngọt phục vụ cấp nước sinh hoạt; đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá, lập danh sách các khu vực tập trung dân cư thiếu nước sinh hoạt cần được ưu tiên cấp bách để Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các điểm cung cấp nguồn nước ngọt. Bộ cử một đơn vị đầu mối tiếp nhận các công trình giếng khoan đã được tìm kiếm, thăm dò và kết cấu thành các giếng khoan khai thác để đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước tập trung.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết: Để tăng cường dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn  nhằm kịp thời cung cấp thông tin cho các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng Cục Khí tượng thủy văn, các địa phương, các cơ quan đơn vị có liên quan. Theo đó, Cục sẽ nâng cao năng lực phân tích dự báo để kịp thời xác định mục tiêu, chính sách, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế; chú trọng công tác thu thập thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước đảm bảo độ tin cậy và cập nhật, xây dựng kết nối liên thông cơ sở dữ liệu tài nguyên nước đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Đồng thời, Cục sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát các nhà máy nước lớn, quan trọng và xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm nguồn nước cấp cho sinh hoạt của nhân dân trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước. đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò nguồn nước dưới đất để có thể cung cấp cho các vùng khan hiếm nước mà nguồn nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện không cấp tới được.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước; xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông.

Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn; xây dựng các công trình khai thác nước ngầm để kết hợp dự phòng, sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết; tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu toàn vùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả vùng về khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, đất đai và xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa trung ương và địa phương, các ngành.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: