Ba Tri - Bến Tre: Người dân làng biển “khát” nước sạch

Đăng ngày: 16-03-2019 | Lượt xem: 5081
(TN&MT) - Gần 15 năm nay, hàng nghìn hộ dân vùng ven biển xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đã “liều mình” sử dụng nguồn nước sinh hoạt do nhà máy cung cấp được lấy từ hệ thống kênh rạch nội đồng, với đầy rẫy những hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, xen lẫn cả chất thải trong sinh hoạt, chăn nuôi…
H1

Nhà máy cấp nước Bảo Thuận bị người dân phản ảnh vì sử dụng nguồn nước ô nhiễm

Có nước máy nhưng “ngại” sử dụng

Dòng kênh 9A được ví như một trong những tuyến kênh xương sống để dẫn nước ngọt từ các con sông lớn thượng nguồn cách xa hàng chục km về làm ngọt hóa cánh đồng Ba Tri từ hàng chục năm qua. Tại xã Bảo Thuận, nơi gần cuối nguồn của con kênh 9A đi ngang, chỉ cách một đoạn ngắn nữa là đến điểm cuối cùng của cống đập ngăn mặn, xả phèn Cầu Vĩ, thuộc xã Tân Thủy.

Kể từ năm 2005, Nhà máy cấp nước xã Bảo Thuận được đưa vào sử dụng. Từ đây, đã giải quyết được nhu cầu khát khao nước sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân làng biển vốn bị nước mặn bao vây. Thế nhưng, dần dà, người dân lại tỏ ra lo lắng vì sợ rằng nước được bơm lên từ nguồn kênh 9A không đảm bảo hợp vệ sinh do dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật của hàng ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp. Đáng quan tâm hơn nữa là có quá nhiều chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có nguy cơ xả thải trực tiếp ra kênh rạch làm ô nhiễm nguồn nước mà khó ai kiểm soát được.

Bà Trần Thị Năm (70 tuổi; ngụ ấp Thạnh Thới, xã Bảo Thuận) cho biết, gia đình bà ít khi sử dụng nước của nhà máy, vì chất lượng không tốt, hay bị đục, không hợp vệ sinh. Theo bà Năm, hàng ngày, bà phải bơm nước trực tiếp từ ao hồ lên lắng lọc để giặt giũ, còn nước dùng trong ăn uống và tắm rửa phải sử dụng từ nguồn nước mưa được dự trữ hoặc mua nước ngầm được vận chuyển từ nơi khác đến với giá khá cao.

H3

Mương dẫn nước vào Nhà máy đầy rác, cây dại… trông thật nhếch nhác, dơ bẩn.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan (40 tuổi, ấp Thạnh Khương) khẳng định, nguồn nước do nhà máy cung cấp chắc chắn là không bao giờ sạch, tắm rửa thường bị mẫn ngứa. Chị Loan ái ngại: “Nhà máy nước bơm lên từ kênh rạch, trong khi đó nguồn nước này chính là nước trên các cánh đồng lúa nơi cuối nguồn thường xuyên được người dân sử dụng hóa chất. Hơn nữa, nước kênh bẩn đục, lẫn phân gia súc, gia cầm, xác súc vật, xung quanh nhà máy mà có chuồng trại chăn nuôi nên chúng tôi rất lo lắng”.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Lâm Văn Ô - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận cho biết: Trước đây, địa phương này rất khó khăn về nguồn nước sinh hoạt nên xin trên hỗ trợ cho nhà máy nước mi-ni công suất 20m3/h để phục vụ cho dân. Hiện nay, toàn xã có hơn 2.600 hộ với 10.851 dân. Trong đó, số hộ sử dụng nước của Nhà máy cấp nước Bảo Thuận chiếm khoảng 45%, còn lại là người dân dự trữ nguồn nước mưa, hoặc khoan giếng để lấy nước tiêu dùng.

Riêng về việc quản lý các hộ chăn nuôi theo phản ảnh của người dân, ông Lâm Văn Ô cho hay, các ngành chức năng của xã Bảo Thuận cũng có làm việc, tuyên truyền, yêu cầu người dân cam kết không xả thải ra ngoài. Tuy nhiên, ông Ô vẫn lo lắng vào mùa mưa chắc chắn nước bẩn sẽ lan tràn, chảy vào kênh rạch, gây nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường.

H7

Hồ nước ngọt Kênh Lấp có sức chứa gần 1 triệu m3 sắp đưa vào sử dụng

Sớm “giải khát” cơn đói nước sạch cho dân

Có đi thực tế, có tận mắt chứng kiến chúng tôi mới cảm nhận được những điều lo lắng của người dân về nguồn nước ô nhiễm là có cơ sở. Theo ghi nhận, Nhà máy cấp nước Bảo Thuận được đặt bên tuyến đường giao thông Giồng Nầng - Bảo Thuận, cách trụ sở UBND xã chưa đầy 500m. Những căn nhà ở, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được xây cất ngay cạnh bên nhà máy nước này. Dòng kênh chính 9A thì đục ngầu, lục bình trôi ngổn ngang. Nhánh rẽ để dẫn nước từ kênh 9A vào nhà máy có độ rộng chỉ hơn một mét nhưng đầy rác rưởi, cây dại… trông thật nhếch nhác, dơ bẩn.

Cách đó không xa, độ gần 5km là Dự án Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp đã hoàn thành giai đoạn 1, sắp đưa vào sử dụng. Đây là hồ chứa nước ngọt đầu tiên của tỉnh Bến Tre, tổng vốn đầu tư khoảng 86 tỷ đồng. Theo thiết kế, hồ có sức chứa gần 01 triệu mét khối nước ngọt thô, phục vụ sinh hoạt cho hơn 200 ngàn dân, 100 ngàn gia súc, 200 cơ sở tiểu thủ công nghiệp và hơn 150 trụ sở văn phòng, trường học… tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Tri và các vùng phụ cận trong mùa khô.

Khi đặt vấn đề, hiện nay Nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch Kênh Lấp được sử dụng nguồn nước trên Dự án Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp đang đầu tư xây dựng, thì địa phương có xin đấu nối, hòa mạng vào hay không? Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, ông Lâm Văn Ô cho biết, chỉ có một phần nhỏ của xã Bảo Thuận thuộc 2 ấp Thạnh Lễ và Thạnh Tân (giáp với xã Bảo Thạnh) sẽ được đấu nối vào Nhà máy nước Kênh Lấp; còn các khu vực còn lại (7 ấp) vẫn giữ nguyên ở Nhà máy cấp nước Bảo Thuận. “Trước đây, trên cuộc họp, xã Bảo Thuận cũng có ý kiến đề nghị với lãnh đạo huyện Ba Tri cho đấu nối toàn hệ thống nhà máy nước cũ của xã vào Nhà máy nước Kênh Lấp, nhưng đến nay huyện chưa phản hồi”, ông Ô trần tình.

H8

Người dân mong muốn được dùng nguồn nước từ Nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch Kênh Lấp

Trong khi đó, ông Dương Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri lại cho rằng, việc đấu nối chưa nghe lãnh đạo xã Bảo Thuận đề nghị. Hiện nay Dự án Nhà máy nước Kênh Lấp đang triển khai, khu vực phía Đông sẽ được xây dựng các tuyến ống đến tận các xã ven biển như Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Tân Thủy và An Thủy. Ông Chương khẳng định: “Quan điểm của huyện là mong muốn tất cả người dân đều được sử dụng nước sạch. Nếu xã Bảo Thuận có văn bản chính thức thì huyện sẽ xem xét, làm việc các ngành, đơn vị liên quan và chủ đầu tư dự án này để có kế hoạch hòa mạng”.

Từ thực tế trên đây, chúng tôi cảm nhận được niềm “khát khao” lớn nhất của bà con làng biển Bảo Thuận hiện nay là các cấp lãnh đạo cần quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tiếp cận nguồn nước sạch phục vụ ăn uống, sinh hoạt của nhân dân. Qua đó, chúng tôi cũng mong rằng các cấp chính quyền địa phương huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre nên có biện pháp xử lý hiệu quả, để sớm giúp hơn chục ngàn dân xứ biển này có được nguồn nước đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khỏe.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: