Bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương, phát triển bền vững sinh kế biển

Đăng ngày: 08-06-2021 | Lượt xem: 8213
Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam đã trải qua 12 năm thực hiện, hưởng ứng ở cấp độ Quốc gia với ý nghĩa thể hiện sự đoàn kết, kết nối và nâng cao nhận thức của tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương nói chung, nguồn tài nguyên biển Việt Nam nói riêng.

Năm 2021, là năm được Liên hợp quốc phát động cho một Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương, giúp xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt.

Chính vì vậy, mà chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới năm 2021 “Đại dương: Sự sống và sinh kế” với thông điệp về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.

Sinh kế biển hiện nay đang ngày càng phát triển và mở rộng về phạm vi và lĩnh vực hoạt động. Điều này phù hợp với nhu cầu thực tế và chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển của nước ta. Tuy nhiên, hiện nay các vùng ven biển và biển Việt Nam đang ngày càng bị đe dọa trước sự gia tăng của các hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan như mực nước biển dâng, bão… và đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất và sinh kế của người dân. Các sinh kế chính chịu những ảnh hưởng trực tiếp nhất là ngành thủy sản (đặc biệt là nuôi trồng), nông nghiệp, du lịch và vận tải biển. Điều này sẽ trực tiếp tác động tới cộng đồng ven biển vốn phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên thủy sản.

Do đó, chúng ta cần có những chiến lược sinh kế biển cụ thể cho ngư dân trong tương lai. Đồng thời, đi đôi với khai thác kinh tế, chúng ta phải tính đến việc quản lý và phát triển kinh tế biển gắn chặt với bảo vệ môi trường là điều hết sức quan trọng để Việt Nam hướng tới các mục tiêu của thập kỷ, vì một “đại dương an toàn”, “đại dương thấu hiểu” và “đại dương tường minh”. Lấy việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, là những yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững dựa trên việc bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển; bảo vệ và đầu tư cho các hệ sinh thái biển, ven biển, hải đảo.

Tăng cường giám sát, rà soát và quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm ra môi trường biển; đầu tư, thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tại các địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác hại của các vấn đề môi trường xuyên biên giới đối với tài nguyên và môi trường biển trong khu vực…Việc phát triển bền vững sinh kế biển là vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang chịu các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Ngày Đại dương thế giới năm 2021 đánh dấu sự khởi động của Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (2021 - 2030). Theo đó, khuyến khích nỗ lực bảo vệ, thu thập, ứng dụng các khoa học đại dương thông qua các ý tưởng sáng tạo và chuyển đổi, làm cơ sở thông tin để hỗ trợ phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển. Do đó, có thể thấy vấn đề bảo vệ đại dương, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển và muốn thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 36-NQ/TW cần thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, địa phương, các bên liên quan và sự chung tay của toàn xã hội.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: