Trụ sở Bộ TN&MT. Ảnh: TL
Theo công văn, năm 2019 là năm có ý nghĩa tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực để phấn đấu về đích các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Kế hoạch giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 của cả nước và của ngành tài nguyên và môi trường theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII; năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của Ngành và là năm sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
Hưởng ứng các phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ phát động; nhằm động viên toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành tài nguyên và môi trường hăng hái thi đua công tác, lao động và học tập với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhân dân và đất nước; hành động quyết liệt; đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện ở mọi cấp, mọi nơi, trong tất cả các tổ chức; tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là những trì trệ, yếu kém trong xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách hướng tới phát triển kinh tế bền vững đất nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa phát động phong trào thi đua năm 2019 có chủ đề: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá phát triển bền vững đất nước”,với 8 nội dung chính.
Theo đó, phong trào thi đua ngành tài nguyên và môi trường nhằm quán triệt và triển khai nghiêm túc Chương trình kế hoạch hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 của Chính phủ.
Ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy tinh giản, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên trong từng cơ quan, đơn vị và trong toàn Ngành.
Đồng thời, tạo đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, trình Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; hoàn thiện hệ thống các văn bản dưới luật theo hướng ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và phân loại rác thải tại nguồn 3R, tài nguyên nước…
Ngành cần ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế sâu rộng; hình thành các nhóm nghiên cứu sâu về tài nguyên và môi trường, trước mắt là nghiên cứu để giải quyết các vấn đề bức xúc, cản trở phát triển, gây ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân.
Các đơn vị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công; tăng mạnh chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp để xây dựng ngành tài nguyên và môi trường là ngành đi đầu trong xây dựng chính phủ điện tử: Thực hiện văn bản hồ sơ điện tử, chứng thực chữ ký số trong công tác hành chính của Bộ; tiếp tục hoàn thiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ (dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4) kết nối với cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; thực hiện công tác chỉ đạo điều hành giữa Bộ với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương thông qua môi trường mạng; Triển khai xây dựng đề án tổng thể cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương, các bộ, ngành tạo nền tảng dữ liệu quốc gia; trước mắt ưu tiên xây dựng dữ liệu về đất đai, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường, dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long, dữ liệu chuyên ngành.
Việc thanh tra, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm theo hướng giảm thanh tra theo kế hoạch và tăng cường thanh tra đột xuất; tập trung giải quyết đơn thư, khiếu nại tại các điểm nóng, dễ phát sinh tiêu cực và nêu gương, khích lệ kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu về công tác này.
Đồng thời, thực hiện nghiêm minh các quy định về chính sách tài chính, điều hành thận trọng, linh hoạt và tiết kiệm, phù hợp với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô; giám sát chặt chẽ đầu tư công, sử dụng và quản lý hiệu quả tài sản công, kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Ngoài ra, cần truyền thông mạnh mẽ để phổ biến các cơ chế chính sách về tài nguyên và môi trường ngay từ khi chuẩn bị, ban hành và thực hiện; tổ chức các ngày lễ lớn và sự kiện về tài nguyên và môi trường một cách thiết thực và hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Căn cứ điều kiện, tình hình cụ thể, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Các Khối, Cụm thi đua trong toàn Ngành phát động phong trào thi đua thiết thực, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách năm 2019; đăng ký thi đua gửi về Bộ (qua Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền); thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc; thực hiện sơ kết, tổng kết và bình xét thi đua, khen thưởng.
Nguồn: Báo TN&MT