Tới dự buổi lễ còn có nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai; đại diện lãnh đạo các Tổng cục, các Cục, Vụ, Viện, các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; đại diện Tổng cục Thủy Lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện các tỉnh phía Bắc.
Tham dự Lễ Mít tinh còn có đại diện Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam; điều phối viên Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Phó Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam; Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; Đại điện Diễn đàn nước thế giới WWF2021 tại Senegal; đại diện Chương trình Công nghệ Lưu vực sông thế kỷ 21, Hoa Kỳ.
Tới dự buổi lễ còn có Hoa hậu Việt Nam Đặng Thị Ngọc Hân - Đại sứ thiện chí của Ngày Nước thế giới 2019 tại Việt Nam; học sinh sinh viên các trường đại học, các câu lạc bộ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tổ chức phi chính phủ…
Năm 2019, Ngày nước thế giới có chủ đề “Nước cho tất cả để không ai bị bỏ lại phía sau” nhằm nhấn mạnh rằng quyền sử dụng nước sạch của tất cả mọi người không phân biệt công việc, địa vị, giới tính và màu da. Chủ đề năm nay cũng là để hướng tới đạt được mục tiêu tiên quyết của Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, đó là: tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ phát triển bền vững. Thông điệp cũng mong muốn đưa ra giải pháp giải quyết nguyên nhân tại sao hiện nay vẫn còn nhiều người còn bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận nguồn nước.
Phát biểu tại Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Mục tiêu phát triển bền vững thứ 6 đã chỉ ra rất rõ: Tất cả mọi người đều được sử dụng nước vào năm 2030, điều này đồng nghĩa là không có ai không được sử dụng nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy trên phạm vi toàn cầu, có khoảng 2,1 tỷ người đang không được tiếp cận các dịch vụ về nước bảo đảm an toàn; gần 80% người dân không được sử dụng nước sạch hiện đang sinh sống tại vùng nông thôn, chưa kể mỗi ngày có 700 các cháu nhỏ ở độ tuổi dưới 5 năm bị chết do dịch tả liên quan đến nước không àn toàn và vệ sinh bẩn. Việc thiếu nước sạch có tác động bất lợi đến các nhóm cộng đồng nghèo, nhạy cảm, dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tị nạn, người thiểu số, người khuyết tật…
Vì vậy, các mục tiêu cụ thể của chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2019 bao gồm: Nước cho phụ nữ, Nước cho nơi làm việc, sản xuất, Nước cho nông thôn, Nước cho người tị nạn, Nước cho các bà mẹ, Nước cho trẻ em, Nước cho học sinh, sinh viên, Nước cho những người bản địa, thiểu số, Nước cho người khuyết tật,... Cùng với việc được tiếp cận đủ nước, thì tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng; điều này là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi còn nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn.
Hưởng ứng chủ đề Ngày nước thế giới năm nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương, các cộng đồng và toàn thể người dân hãy cùng nhau nỗ lực vì những người yếu thế nhất trong xã hội; cùng nhau xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật về tài nguyên nước để thực sự “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiếp cận và sử dụng nước hợp vệ sinh, an toàn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết để thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu “nước cho tất cả mọi người”, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm đưa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến quản lý tài nguyên nước vào cuộc sống, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường, các chương trình, kế hoạch hành động đã đề ra, đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 120 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia thông qua quản lý thông minh, sử dụng bền vững tài nguyên nước.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên, theo Bộ trưởng, cần tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt pháp luật về tài nguyên nước, thông tin đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn, quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.
Bộ trưởng cho rằng cần điều hoà, phân bổ nguồn nước cho các mục đích sử dụng nước bằng công cụ quan trắc, giám sát tự động trên cơ sở các quy hoạch và hạn ngạch cấp phép khai thác sử dụng nguồn nước. Trong đó, tập trung rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông đã ban hành cho phù hợp với thực tế đi đôi với kiểm tra, giám sát việc vận hành của các hồ chứa nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ Quy trình.
“Tập trung xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời có chính sách phù hợp để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả theo các Nghị định của Chính phủ” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho rằng cần tăng cường khả năng trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình trong quản lý nguồn nước dựa vào xu thế tự nhiên trên cơ sở dự báo dài hạn về khí hậu, thuỷ văn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước nhằm cung cấp thông tin, số liệu chính xác, kịp thời để xử lý những vấn đề về ô nhiễm, cạn kiệt dòng sông.
“Tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế điều phối, giám sát liên ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước thông qua các tổ chức quản lý lưu vực sông với sự tham gia giám sát của cộng đồng, trực tiếp là các hộ sử dụng nước để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề chung trên phạm vi toàn lưu vực” – Bộ trưởng nói thêm.
“Chủ động đề xuất các giải pháp trong phối hợp quốc tế giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, qua đó có những giải pháp phù hợp để đàm phán, ứng phó. Xây dựng kế hoạch để triển khai có hiệu quả Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy mà Việt Nam mới gia nhập, đồng thời nghiên cứu các quy định để tham gia Công ước về bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị mọi tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trên cả nước cùng đồng hành với Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề xuất những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực nhằm xử lý ô nhiễm, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn tài nguyên nước; cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ các dòng sông, các nguồn nước, không chỉ cho bản thân mình mà còn cho những người hiện vẫn còn chưa được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, an toàn, cũng như cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau.
Bộ trưởng cũng kêu gọi các đối tác, các tổ chức quốc tế hãy cùng chung tay hành động với Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và các Bộ, ngành và địa phương trong việc bảo vệ, chia sẻ nguồn tài nguyên nước một cách hiệu quả cho tất cả mọi người dân, qua đó góp phần vào sự phát triển thịnh vượng chung của nhân loại.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Đại diện Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Với chủ đề Không để ai bị bỏ lại phía sau, Báo cáo Tài nguyên Nước Thế giới 2019 nhấn mạnh cam kết của các thành viên Liên hợp quốc trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì Sự Phát triển bền vững, đề cao quyền tiếp cận nguồn nước uống an toàn và vệ sinh của con người được Đại Hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua năm 2010, bởi đây là hai yếu tố cần thiết để xóa nghèo và xây dựng xã hội hòa bình, thịnh vượng.
Theo đại diện Liên Hợp quốc, nước đóng vai trò quan nhưng nguồn nước Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, làm thế nào để quản lý nước tốt hơn trong khi nhu cầu ngày càng gia tăng. Trong khi 49% dân Việt Nam tiếp cận nước sạch để uống nhưng có đến 4,5 triệu người chưa được tiếp cận nước sạch, vì thế cần quan tâm đến đối tượng yếu thế .
Liên Hợp quốc luôn cam kế hỗ trợ các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo tồn, hỗ trợ hệ sinh thái Việt Nam, bảo vệ môi trường và thúc đẩy cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Ma-du Ra-gu-nath, Điều phối viên Chương trình phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết: Sự kiện này là cơ hội để chúng ta tập trung vào những vấn đề quan trọng liên quan đến tài nguyên nước ở cấp độ toàn cầu, cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương.
Mặc dù chúng ta có rất nhiều thành tựu nhưng hiện nay 663 triệu người trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận với nguồn nước an toàn, nước sạch; ít nhất 1,8 tỷ người vẫn sử dụng nước uống bị nhiễm chất thải của con người; 2,4 tỷ người hiện nay vẫn chưa được sử dụng các cơ sở có điều kiện vệ sinh và hơn 1 tỷ người trên thế giới vẫn chưa được sử dụng nhà vệ sinh lộ thiên.
Những con số thống kê như hàng ngày hàng nghìn trẻ em đã chết do các bệnh liên quan đến nước sạch và vệ sinh hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
Bà Ma-du Ra-gu-nath hy vọng với những nước như Việt Nam, Việt Nam có rất nhiều tiến bộ trong việc nâng cao tiếp cận với nước sạch cũng như nâng cao vệ sinh. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt những vùng nông thôn và vùng hẻo lánh khi mà 30% dân số vẫn chưa tiếp cận với nước sạch và vệ sinh. Mặc dù các khu đô thị tiếp cận nước với tỷ lệ cao (hơn 90%) nhưng chỉ khoảng 12% nước thải và khoảng 5% nước bể phốt được xử lý, ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường và sức khỏe con người. Nghiên cứu của WB cho thấy những điều kiện vệ sinh không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thiệt hại về mặt tài chính, kinh tế, dẫn đến thu nhập bị mất đi, chiếm 0,5 % GDP hàng năm và trên thế giới chiếm đến 1,3% GDP. Như vậy nước sạch đóng vai trò rất quan trọng tới GDP cũng như phát triển kinh tế.
Về mặt xã hội, phụ nữ và trẻ em, đặc biệt ở vùng nông thôn vẫn còn bị bỏ lại phía sau nếu xét đến cấp độ tiếp cận với nước sạch và điều kiện nhà vệ sinh. Thiếu nước sạch, thiếu điều kiện vệ sinh làm cản trở khả năng của người phụ nữ trong bảo vệ sức khỏe của cả gia đình. Trẻ em còi cọc là vấn đề hiện nay ở Việt Nam đặc biệt những vùng thiểu số vẫn còn cao hơn, hơn 30% so với người dân tộc Kinh và gốc Hoa chỉ là 16%.
"WB luôn quan tâm và đã hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng, tài trợ cho các dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường" - Bà Ma-du Ra-gu-nath thông tin.
Đặc biệt, tại Lễ mít tinh này cũng đã diễn ra lễ công bố Danh hiệu Đại sứ Ngày nước Thế giới Việt Nam 2019. Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn Đại sứ sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động vì quyền tiếp cận và sử dụng nước hợp vệ sinh, an toàn cho tất cả người dân Việt Nam.
Tại Lễ Mít tinh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố và bàn giao sản phẩm tài nguyên nước cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoảng 30 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm: Bộ Bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1: 200.000 quốc gia; bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn – Giai đoạn I; kết quả Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; quản lý nước dưới đất ở các đới ven biển.
Nguồn: Báo TN&MT