Bộ TN&MT thông tin về hạng mục Kè bảo vệ khu du lịch sông nước Xẻo Mây

Đăng ngày: 30-10-2018 | Lượt xem: 1060
(TN&MT) – Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa có Thông báo số 5385/BTNMT-TNN gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ý kiến của Hội đồng thẩm định Dự án đánh giá tác động đến dòng chảy, diễn...

 

cho noi cai be nhut thuong
Một góc chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang

Bộ TN&MT cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Chủ đầu tư gửi lấy ý kiến các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi hoàn thiện, gửi Báo cáo đánh giá tác động về Bộ Tài nguyên và Môi trường chậm nhất trước ngày 31 tháng 12 năm 2018 để xem xét, tổ chức thẩm định lại Báo cáo làm cơ sở kiến nghị các giải pháp xử lý theo quy định.

Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết: Trước đó, ngày 01 tháng 8 năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có Công văn số 3354/UBND-KT đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định đánh giá tác động đến dòng chảy, diễn biến bờ và lòng dẫn đoạn qua cồn Tân Phong của hạng mục Kè bảo vệ khu du lịch sông nước Xẻo Mây, thuộc Dự án cơ sở hạ tầng phát triển du lịch huyện Cái Bè do Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè làm chủ đầu tư.

Ngày 26 tháng 9 năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động đến dòng chảy, diễn biến bờ và lòng dẫn đoạn qua cồn Tân Phong của hạng mục Kè bảo vệ khu du lịch sông nước Xẻo Mây với 21 thành viên bao gồm: các nhà khoa học, chuyên gia về thủy văn, bùn cát, đê điều, chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai, sinh thái cảnh quan, tài nguyên nước của viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, viện Khoa học Thủy lợi, trường Đại học Thủy lợi, trường Đại học Quốc gia, trường Đại học Cần Thơ…;  các nhà quản lý của các lĩnh vực có liên quan và đại diện của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.
 

con Tân Phong
Những con kênh, rạch nặng phù sa len lỏi quanh cồn Tân Phong, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

Sau khi nghe Chủ đầu tư báo cáo, ý kiến của các thành viên Hội đồng tại cuộc họp, Hội đồng đã thống nhất nhận định như sau: thông tin, số liệu sử dụng để đánh giá còn thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ; các phương pháp sử dụng trong quá trình đánh giá còn rời rạc, thiếu sự liên kết; việc thiết lập, kiểm định mô hình chưa bảo đảm độ tin cậy. Do đó các kết quả tính toán đánh giá tác động còn chưa đủ cơ sở khoa học, thực tiễn để làm căn cứ xem xét, đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động. Bên cạnh đó, các phương án, kịch bản tính toán đánh giá tác động còn chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là định lượng cụ thể các tác động theo các phương án kè bờ khác nhau (mới chỉ đánh giá cho một phương án kè bờ theo hiện trạng, chưa hoàn chỉnh) tương ứng với các kịch bản lũ, triều cường và tác động từ thượng nguồn... như ý kiến góp ý của các thành viên tại cuộc họp và trong các bài nhận xét gửi kèm theo. Phương án đề xuất còn thiếu cơ sở khoa học, thực tiễn và thiếu tính khả thi.

Trên cơ sở đó, Hội đồng đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Chủ đầu tư lập lại Báo cáo đánh giá tác động theo ý kiến góp ý của Hội đồng, cụ thể như sau: Bổ sung, cập nhật đồng bộ các thông tin, số liệu sử dụng để tính toán; phân tích, đánh giá số liệu lũ lớn ở vùng đồng bằng (lũ 2000, 2001, 2011,…).

Thiết lập mô hình tính toán, cập nhật số liệu để hiệu chỉnh, kiểm định đảm bảo độ tin cậy.

Hội đồng cũng đề nghị chủ đầu tư rà soát phạm vi tính toán: do hệ thống sông, kênh, rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, vì vậy cần cân nhắc, xem xét phạm vi tính toán của mô hình 1 chiều cho toàn Đồng bằng sông Cửu Long với biên trên là Tân Châu, Châu Đốc để đảm bảo độ tin cậy của kết quả tính; rà soát, làm rõ phạm vi tính toán đối với mô hình 2 chiều, bao gồm cả việc hiều chỉnh, kiểm định mô hình, bảo đảm chính xác, tin cậy, tránh tình trạng không phù hợp với thực tế như ý kiến các thành viên Hội đồng đã nêu.

Đồng thời, thiết lập phương pháp đánh giá tác động đảm bảo tính đồng bộ. Cần bổ sung tính toán đánh giá tác động việc kè bảo vệ bờ một cách định lượng cụ thể đến chế độ dòng chảy, tiêu, thoát lũ, xói, lở lòng, bờ, bãi sông, cụ thể như thay đổi về lưu lượng dòng chảy, mực nước, vận tốc, hướng dòng chảy, diễn biến lòng dẫn, mức độ xói, lở bờ,… đặc biệt là xu thế diễn biến xói, lở bờ ở khu vực hạ du.

Rà soát, kiểm tra tính hợp lý của kết quả tính, làm rõ ý kiến cho rằng kết quả tính toán chiều dòng chảy sông Cái Bè là không hợp lý.

Trên cơ sở mô hình thủy văn, thủy lực đã được hiệu chỉnh, kiểm định bảo đảm tin cậy, thực hiện việc tính toán, đánh giá định lượng cụ thể các tác động đến chế độ dòng chảy, tiêu, thoát lũ, xói lở lòng, bờ, bãi sông theo các phương án kè bờ khác nhau (gồm cả phương án hiện trạng, kè bờ và san lấp mặt bằng theo chiều rộng hiện trạng đến cao trình thiết kế, các phương án thu hẹp dần chiều rộng lấn sông đến mức nhỏ nhất) ứng với các kịch bản về dòng chảy, đặc biệt là dòng chảy lũ lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long (như mô hình lũ năm 2000), triều cường và tác động từ thượng nguồn. Kịch bản tính toán phải xét đến các trường hợp bất lợi nhất như lũ lớn từ thượng nguồn, triều cường, mưa nội đồng kết hợp yếu tố tác động của thủy điện phía Trung Quốc và trên dòng chính sông Mê Công khi đi vào vận hành, đặc biệt trong việc làm suy giảm phù sa bùn cát về Đồng bằng sông Cửu Long (về vùng Dự án) và trong điều kiện biến đổi khí hậu. Phương án kè bờ, gia cố bờ sông, san, lấp, lấn sông, cải tạo cảnh quan, phát triển các vùng đất ven sông phải hạn chế tối đa việc thu hẹp không gian không gian chứa, thoát lũ của sông như quy định tại Dự thảo Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi, lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo và sẽ trình Chính phủ trong tháng 10 năm 2018.

Kết quả tính toán theo các phương án kè bờ ứng với từng kịch bản về dòng chảy, triều cường và tác động từ thượng nguồn cần được phân tích, đánh giá để làm cơ sở đề xuất hướng xử lý phù hợp. Việc phân tích, đánh giá các phương án kè bờ khác nhau phải trên cơ sở so sánh với hiện trạng (không kè bờ) ứng với từng kịch bản đánh giá, nhất là trong điều kiện kịch bản bất lợi nhất.

 

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: