Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu 3 vấn đề cần quan tâm trong công tác bảo vệ môi trường năm 2019

Đăng ngày: 28-12-2018 | Lượt xem: 1046
(TN&MT) - Phát biểu làm rõ thêm các báo cáo của Chính phủ tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 28/12, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ...
49013314 780697685619069 838888472474288128 n

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Phiên họp 

Mở đầu phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ sự cảm ơn với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các địa phương đã có sự ủng hộ rất cao đối với toàn ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian vừa qua.

Trước tiên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ngay từ đầu năm 2018 chúng ta đã triển khai rất nhiều công việc để giải quyết cách tiếp cận đất đai nhất là các vấn đề giải quyết việc lãng phí đất đai ở các dự án chưa đưa vào sử dụng. Theo Bộ trưởng, qua 29 tỉnh báo cáo, đã có hơn 1.000 dự án sử dụng đất đai không hiệu quả được thu hồi. Qua đó, chúng ta có thể thu hồi hàng triệu hecta đất của các nông, lâm trường sử dụng không hiệu quả. Từ đó có thể thấy nguồn lực của chúng ta vẫn còn như thế nào.

Về ngân sách đóng góp từ nguồn lực đất đai trong năm 2018, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: có thể nói nguồn ngân sách này trong thời gian gần đây tăng rất lớn, gấp 2 lần so với năm 2015. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, các lĩnh vực như tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường… cũng có những đóng góp có thể lượng giá được.

Tham gia vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, chúng ta cần phải khơi thông, bứt phá và xem xét lại dưa địa của đất nước hiện đang ở đâu.

Nhấn mạnh đối với những dư địa trong lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn các địa phương, sau hội nghị này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Hội nghị đất nông lâm trường vừa tổ chức tại Tây Nguyên ngày 09/12/2018 vừa qua, trong đó tập trung nguồn lực để kiểm tra, thanh tra toàn bộ đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường.

“Đây là nguồn lực rất lớn mà chúng ta đang bỏ quên để có thể đưa nguồn lực đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường vào phục vụ quá trình phát triển đồng thời giải quyết nhu cầu đất đai cho khoảng 21.000 đồng bào dân tộc là người di dân tự do chưa có đất sản xuất… Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tiếp tục kiểm tra để các dự án tiến hành kịp thời và có hiệu quả. ” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bên cạnh đó, một trong những thành công trong lĩnh vực quản lý đất đai hiện nay là trên 97% đất đai đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với 3% đất đai chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đây cũng là một nguồn lực nên Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, chúng ta sẽ có phương án giải quyết để 100% đất đai được quản lý và trở thành nguồn lực. Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nhiều cơ chế như tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đai, hoàn thiện các vấn đề liên quan đến tài chính đất đai…

Đối với lĩnh vực môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm phê duyệt Nghị định sửa đổi một số Nghị định về môi trường trong đó chúng ta tiếp cận theo hướng từng bước có quy chuẩn, tiêu chuẩn dần tiệm cận với quy chuẩn tiêu chuẩn về môi trường của các nước tiên tiến.

Bên cạnh đó, về vấn đề phòng ngừa từ xa đối với việc nhập khẩu phế liệu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng đã có Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Bộ trưởng cho biết đến nay đã từng bước kiểm soát tốt và chặt chẽ các vấn đề trong công tác nhập khẩu phế liệu theo phương pháp quản lý, phòng ngừa nguy cơ từ xa.

Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, đối với công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng chúng ta có 3 vấn đề cần quan tâm:

Thứ nhất, phải tập trung để chống ô nhiễm rác thải nhựa đối với đại dương - đây là vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết trong các Hội nghị gần đây. Bộ trưởng cho rằng, rác thải đại dương là vấn đề cần có cơ chế để quản lý chặt chẽ rác thải nhựa từ đất liền ra đến đại dương.

Thứ hai, cần giải quyết vấn đề quản lý chất thải rắn. Bộ trưởng cho rằng vấn đề này riêng Bộ TN&MT không thể làm được mà cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ NN&PTNT… để có được cơ chế và mô hình về quản lý, phân loại và tái chế và xử lý chất thải rắn.

Vấn đề thứ ba, chúng ta đã có quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và sẽ có chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết này. Theo Bộ trưởng đó là cần có tư duy phát triển bền vững, làm sao để phát triển kinh tế biển một cách bền vững, làm sao để tăng diện tích các khu bảo tồn ở Biển Việt Nam…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề cập một số vấn đề phát triển công tác quản lý nhà nước ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2019 và những năm tiếp theo.  


Công tác bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực

Trong báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 của Chính phủ về tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu đã nêu rõ:

Trong năm 2018, Chính phủ đã tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, tài nguyên. Việc cấp phép, khai thác tài nguyên, khoáng sản được chấn chỉnh; xử lý nghiêm vi phạm trong khai thác đá, cát sỏi, chặt phá rừng. Công tác bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ cao về phát sinh ô nhiễm; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị đạt khoảng 85,5%; khu vực ngoại thành đạt khoảng 55%.

Chính phủ cũng đã triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác quốc tế về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên quốc gia và ứng phó biến đổi khí hậu. Chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai từng bước được nâng lên. Củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển; chủ động phòng chống thiên tai, lũ quét, sạt lở đất; kịp thời khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân…

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: