Quang cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng Trần Hồng Hà với Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình
Dự buổi làm việc về phía tỉnh Quảng Bình có ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Phong, Giám đốc Sở TN&MT. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; ông Nguyễn Vĩnh Khang, Phó Chánh Văn phòng Bộ.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu trong buổi làm việc với Lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình
Phát biểu tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề xử lý môi trường, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải là vấn đề nóng của địa bàn. Đến lúc này, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ TN&MT cũng như tỉnh phối hợp bàn bạc để có phương án, tính toán cụ thể để Quảng Bình có hướng đi đúng đắn nhất với các vấn đề trên.
Việc chọn mô hình xử lý rác thải công nghệ là một hướng đi đúng cho tỉnh Quảng Bình. Các vấn đề cơ chế chính sách, với trách nhiệm của Bộ TN&MT, sẽ cùng chung tay để tỉnh Quảng Bình có hướng đi vững chắc về vấn đề môi trường, đất đai, khoáng sản… Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ngành tài nguyên và môi trường của Bộ TN&MT. Trong đó, môi trường và đất đai là hai lĩnh vực quan trọng và đang được nhân dân quan tâm nhất.
Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình phát biểu trong buổi làm việc với Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Phong - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua, với sự quan tâm của Bộ TN&MT, tỉnh Quảng Bình đã kịp thời ban hành chương trình hành động về công tác quản lý Nhà nước ngành TN&MT theo hướng bền vững. Qua đó, đã đưa công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.
Trong đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã cụ thể hóa Luật Đất đai, các nghị định của Chính phủ phù hợp với thực tiễn địa phường. Kịp thời ban hành điều chỉnh quy hoạch, sử dụng đất đến năm 2020, công tác phát triển quỹ đất thực hiện có hiệu quả, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội. Tiền sử dụng đất thu được hàng năm chiếm khoảng 30 - 40 % tổng thu ngân sách (năm 2018: đạt 1.507 tỷ đồng). Đất rừng phòng hộ và đất nông lâm trường ngày càng được quản lý chặt chẽ… Với lĩnh vực đo đạc bản đồ và viễn thám đã đi vào nề nếp, các tổ chức tham gia đoc đạc bản đồ đã thực hiện đúng Nghị định của Chính phủ. Tính đến nay, trên toàn tỉnh đã thực hiện đạt 159/159 xã, phường, thị trấn thực hiện dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai.
Bên cạnh đó, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước đã được điều tra đánh giá, quy hoạch đồng bộ và quản lý chặt chẽ. Hoàn thành quy hoạch thăm dò, chế biến khoáng sản đến năm 2020 tầm nhìn 2025. Hoàn thành điều tra đánh giá, hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất trên địa bàn 6/8 huyện, điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt trên toàn tỉnh, cắm mốc hành lang bảo vệ các hồ cấp nước sinh hoạt.
Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã chuyển biến rõ nét, hiệu quả, công tác quản lý Nhà nước được tăng cường. Đặc biệt, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường cơ bản đã được kiểm soát xử lý. Tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài tại một số cơ sở sản xuất cơ bản đã chủ động kiểm soát và xử lý dứt điểm. Trong đó, ý thức chấp hành pháp luật về baỏ vệ môi trường của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được nâng cao. Công tác cải tạo phục hồi môi trường, công tác thẩm định báo cáo, đánh giá tác động môi trường được chú trọng về chất lượng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thị sát Nhà máy xử lý rác tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình
Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiểm tra Nhà máy xử lý rác tại xã Lý Trạch
Tuy nhiên, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình Trần Phong cũng nêu ra những hạn chế về công tác quản lý Nhà nước ngành tài nguyên và môi trường: Chưa phát huy hết tối đa các nguồn lực tài nguyên, một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ, kéo dài hiệu quả sử dụng đất chưa cao, việc khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra nhất là cát sỏi lòng sông và đất san lấp…
Cũng tại buổi làm việc, ông Trần Công Thuật - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã đề xuất: Với các dự án trọng điểm, cấp bách, khó thu hồi đất nhưng chưa có trong danh mục các dự án được phê duyệt trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, đề nghị Bộ TN&MT đồng ý chủ trương cho lập bổ sung kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện và thực hiện cập nhật, bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong kì quy hoạch tới nhằm tạo điều kiện cho tỉnh thu hút đầu tư.
Đối với đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh mà Bộ TN&MT đã đề xuất vừa qua, tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ TN&MT quan tâm phối hợp trình Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh 80% tổng mức đầu tư dự án… Đồng thời, hỗ trợ cho địa phương đầu tư phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn theo hướng tự động hóa, trạm quan trắc môi trường tự động…
Ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng mong muốn, Bộ TN&MT chỉ đạo các đơn vị của Bộ điều tra, khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ như Felarit, Titan… để tỉnh chủ động trong việc khai thác tài nguyên, phục vụ phát triển kinh tế của địa phương.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tham quan hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch từ sản phẩm tái chế từ rác của Nhà máy xử lý rác Lý Trạch
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Bộ TN&MT sẽ sớm báo cáo Chính phủ về những khó khăn trong lĩnh vực đất đai còn tồn tại vướng mắc của tỉnh và các vấn đề liên quan để phục vụ phát triển kinh tế tỉnh Quảng Bình. Trong công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Quảng Bình cần có những đánh giá chính xác về môi trường khi phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn. Việc quy hoạch bảo vệ môi trường phải làm sớm, phải xác định được rõ đâu là khu vực cần được bảo vệ, khu vực nào cần đầu tư để phát triển. Quy hoạch, phân loại rác từ địa phương, từ từng hộ dân và phải có tính đồng bộ. Bộ trưởng đánh giá cao mô hình hoạt động của Nhà máy rác Lý Trạch, tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cũng cần phải tiếp tục đánh giá chính xác, khoa học về nhữngtác động của khí thải, nước thải từ nhà máy rác này đối với môi trường…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định Quảng Bình có nguồn tài nguyên biển lớn, vì vậy phát triển du lịch biển bền vững cần phải gắn với công tác bảo tồn biển để tạo ra bứt phá trong những năm tiếp theo. Cùng với đó, hạ tầng giao thông giữa các khu kinh tế và khu công nghiệp cần có sự kết nối, kể cả các hệ sinh thái. Quy hoạch phải làm thật, đầu tư và tập trung vào quy hoạch để phát huy được nguồn vốn và lợi thế. Cần xem lại quy hoạch đầu tư hạ tầng để đề xuất với Trung ương trong việc phát triển các tiềm năng kinh tế biển.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch từ sản phẩm tái chế từ rác của Nhà máy xử lý rác Lý Trạch
Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý đến việc quản lý và xử lý chất thải rắn trên địa bàn: Cần phải phân loại ra để xử lý; sớm đầu tư công nghệ xử lý rác như Nhà máy xử lý rác Lý Trạch, UBND tỉnh Quảng Bình cần có cơ chế hỗ trợ chi phí cho các đơn vị xử lý, để phát triển và nhân rộng những mô hình xử lý rác công nghệ cao như vậy.
Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã thị sát Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất điện và phân bón khoáng hữu cơ thuộc Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam đầu tư xây dựng tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất điện và phân bón khoáng hữu cơ do Công ty TNHH phát triển dự án Việt Nam là chủ đầu tư, với tổng vốn 1.420 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 8/2016, với tổng diện tích 7ha và đi vào hoạt động từ tháng 3/2018. Nhà máy là tổ hợp xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất tái tạo tổng công suất điện 10MW, sửa dụng 100% thiết bị, công nghệ đồng bộ, khép kín, hiện đại và tiên tiến nhất của CHLB Đức.
Trong đó, một dây chuyền phân loại rác thải của Tập đoàn STADLER 245 tấn/ngày; một dây chuyền khí sinh học và phát điện của INPUT 2,0 MW; một dây chuyền khí sinh học và phát điện của WEHLING 1,0 MW; một dây chuyền nhiệt phân và phát điện của MERA 2,4 MW; một hệ thống nguồn điện gió và mặt trời với tổng công suất 4,6 MW; một dây chuyền sản xuất đất sạch và phân bón khoáng hữu cơ WEHLING mang thương hiệu DEPORT-PLAN 10.000 tấn/năm và một khu công nghệ ứng dụng cao.
Sau khi đi thị sát tại Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất điện và phân bón khoáng hữu cơ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá đây là một trong những dự án có quy mô ngang tầm thế giới. Đồng thời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình, Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình phối hợp, tạo mọi điều kiện để Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất điện và phân bón khoáng hữu cơ thuộc Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam hoạt động tốt hơn, đạt được hiệu quả cao nhất.
Nguồn: Báo TN&MT