Cấp thiết bảo đảm an toàn hồ, đập

Đăng ngày: 09-04-2018 | Lượt xem: 3563
1.200 hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều hồ không có trạm quan trắc cảnh báo an toàn… là nỗi lo hiện hữu của nhân dân vùng hạ du khi mùa mưa lũ đang đến gần. Giải pháp nào để hồ,...

Hồ thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong tích nước chống hạn, cắt lũ, bảo đảm an toàn vùng hạ du... Nhưng đây cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa nếu đồng loạt xảy ra sự cố. Hiện cả nước có 6.648 hồ thủy lợi, với tổng dung tích khoảng 13,5 tỷ mét khối, được phân bố tại 45/63 tỉnh, thành phố. Theo kết quả đánh giá hiện trạng công trình hồ, đập của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện còn 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp hoặc thiếu khả năng xả lũ theo quy định…   

Trên địa bàn TP Hà Nội có 95 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 13 hồ lớn. Do ngân sách còn khó khăn nên một số hồ chưa được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp. Một số hồ nhỏ chưa được lập quy trình vận hành; kiểm định an toàn, thiếu thiết bị quan trắc...               

Theo Tổng cục Thủy lợi, nguyên nhân dẫn đến nhiều hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp là công trình có kết cấu bằng đất, xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Phần lớn các hồ chứa nước nhỏ được giao cho cấp huyện, xã quản lý, song năng lực quản lý, vận hành chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến không phát hiện và kịp thời xử lý các hư hỏng... Để bảo đảm an toàn, hiện nay 450 hồ chứa đã được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục đầu tư giai đoạn 2016-2020, với tổng kinh phí 433 triệu USD; còn 750 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn nhưng chưa tìm được nguồn vốn để sửa chữa...

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, mùa mưa lũ năm 2018 có diễn biến phức tạp, bất thường. Trong năm sẽ xuất hiện nhiều đợt mưa lớn cục bộ, xảy ra trong thời gian ngắn, gây nguy hiểm cho các hồ đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp… Để bảo đảm an toàn, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, các địa phương cần thường xuyên theo dõi diễn biến khí tượng thủy văn và các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn các thời hạn để chủ động lập kế hoạch, triển khai phương án vận hành hồ chứa...        

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Đồng Văn Tự, để bảo đảm an toàn hồ, đập cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó cần chú trọng giải pháp công trình và phi công trình. Cụ thể, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ với Luật Thủy lợi; rà soát, nâng cấp các tiêu chuẩn kỹ thuật đã có thành Tiêu chuẩn Việt Nam, xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về an toàn hồ, đập.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần bố trí kinh phí xây dựng mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa lớn, lắp đặt hệ thống giám sát vận hành hồ; đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý, vận hành cho lực lượng quản lý hồ…

Trước mắt, Tổng cục Thủy lợi đề nghị các bộ, ngành liên quan đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch trung hạn 2016-2020, sửa chữa 150 hồ chứa xung yếu bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng với tổng kinh phí 1.200 tỷ đồng.               

Trước những vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm sớm phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn công trình; đồng thời, rà soát, đánh giá quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình và vùng hạ du.

Với các hồ chứa nước lớn có cửa van xả lũ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương phải thường xuyên quan trắc, tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước để chủ động vận hành đập, hồ chứa nước chống lũ an toàn.

Nguồn: Báo HNM

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: