Cho đến nay, ngày càng dày thêm số liệu, bằng chứng về những tác động tiêu cực của sản phẩm nhựa đối với môi trường sống và với chính sức khỏe của con người. Nhiều sản phẩm sau khi thải bỏ phân rã thành các mảnh nhựa rất nhỏ, cùng với vi hạt nhựa (microplatic) lẫn vào thức ăn, nước uống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, các hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái biển. Rác thải nhựa và ni lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa Đioxin và Furan, là những chất độc hại, tồn tại lâu dài trong môi trường. Nếu chúng ta không có những giải pháp tổng thể, các quốc gia, dân tộc và mọi người dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.
Thế nên, tiếp tục chung tay với cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa của ô nhiễm rác thải nhựa đối với môi trường sinh thái và sức khỏe người dân là hành động thiết thực mà mỗi công dân của Trái đất cần làm.
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa. Chính phủ cũng đang khẩn trương thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó, chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho phát triển kinh tế - xã hội. Đó là những nỗ lực mà các nhà hoạt động môi trường, các tổ chức trên thế giới đều ghi nhận.
Kể từ Phong trào “Chống rác thải nhựa” được Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động trong Chiến dịch Làm cho Thế giới sạch hơn năm 2018, đến nay, nhiều hoạt động thiết thực và thói quen không sử dụng túi ni lông đã được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Phong trào đã tạo được kết quả bước đầu với sự tham gia của các cơ quan truyền thông, nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể được triển khai như phong trào “Ngày Chủ nhật Xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - đẹp”; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong gói sản phẩm rau xanh ở hệ thống các siêu thị Big C, Co.op mart... ; đang hình thành liên minh các nhà bán lẻ chống rác thải nhựa, cùng rất nhiều hoạt động của cộng đồng trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất! Bên cạnh việc phát động các phong trào, cần phải có những thiết chế chặt chẽ, nghiêm minh trong việc chống rác thải nhựa và sản phẩm nhựa dùng một lần. Một người (một doanh nghiệp) xả rác (xả thải) bừa bãi mà chẳng bị sao, thì những người bên cạnh sẽ theo đó mà làm, chẳng việc gì phải giữ gìn. Những chiếc túi ni lông cũng thế. Hạn chế, tiến tới cấm sử dụng, phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, bằng các quy định pháp luật chặt chẽ nghiêm minh. Bởi lẽ, phải mất từ 450 - 1.000 năm mới có thể phân hủy được rác thải nhựa, có nghĩa là, mảnh nhựa đầu tiên được tạo ra (năm 1907) vẫn lẩn khuất đâu đó cho tới tận ngày nay.
Thảm họa “ô nhiễm trắng” đang chực chờ! Không dừng lại, một ngày không xa, Trái đất sẽ ngợp dần trong tầng tầng, lớp lớp chất thải nhựa.
Theo Báo TN&MT