Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình. Đến nay, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 6/2/2023. Đây là quy hoạch thứ 4/13 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước. .
Đến năm 2030, Quy hoạch hướng tới việc tích trữ, điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm hài hòa lợi ích cho các địa phương, các đối tượng sử dụng nước trong vùng, giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhằm nâng cao giá trị kinh tế của nước, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia.
Đến năm 2050, Quy hoạch đặt mục tiêu duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia. Tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tác hại do nước gây ra. Hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước được thực hiện theo phương thức trực tuyến trên cơ sở quản trị thông minh.
3 giải pháp trọng tâm
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình bao gồm chức năng nguồn nước; quản lý, điều hòa, phân bổ nguồn nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho các mục đích khai thác, sử dụng và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực sông; các công trình khai thác sử dụng nước trên sông; quản lý khai thác, sử dụng nước mặt bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông; nguồn nước dự phòng cấp cho sinh hoạt tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước, phát triển tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước…
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến, Quy hoạch đưa ra 3 nhóm giải pháp quan trọng để thực hiện trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách, các quy chuẩn về khai thác, sử dụng, tái sử dụng tài nguyên nước; điều hòa, phân bổ, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước; khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế.
Đối với nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, các quy chuẩn về khai thác, sử dụng, tái sử dụng tài nguyên nước, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, bảo vệ nguồn sinh thủy, bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn; tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng nước, tái sử dụng nước; sửa đổi bổ sung cơ chế tài chính, cơ chế về sử dụng nguồn nước xuyên biên giới; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch;...
Đối với nhóm giải pháp điều hòa, phân bổ, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, quy hoạch đặt ra việc cần xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình số, bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định để đánh giá nguồn nước trên lưu vực trong điều kiện bình thường, thiếu nước nhằm hỗ trợ điều hòa, phân bổ nguồn nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình.
Trong thời kỳ quy hoạch sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình; kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình thông qua việc kết nối, truyền thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nước, xả nước thải theo quy định.
Nâng cao khả năng tích nước, trữ nước của các hồ chứa nước hiện có trên nguyên tắc bảo đảm an toàn; bổ sung, xây dựng mới công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước đa mục tiêu, bảo đảm cấp nước cho hạ lưu là một giải pháp nhằm đảm bảo phân bổ hài hòa nguồn nước.
Đối với giải pháp khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế, Quy hoạch tập trung ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh để sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm và tái sử dụng nước, quản lý, bảo vệ nguồn nước, phát triển nguồn nước, liên kết nguồn nước. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về nguồn nước xuyên biên giới, nghiên cứu chuyển giao khoa học, công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, tái sử dụng.
Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, sự diễn biến phức tạp của nguồn nước, tác động của biến đổi khí hậu và khai thác, sử dụng nước của các quốc gia nằm trên thượng nguồn lưu vực sông làm cho lượng nước mùa khô ngày càng có xu thế suy giảm.
Trong khi đó, lượng nước phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, sản xuất công nghiệp, phát triển thủy điện ngày càng tăng nhanh về cả số lượng và chất lượng, các vấn đề tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình ngày càng diễn biến phức tạp.
Với áp lực về phát triển kinh tế xã hội dẫn tới nhu cầu khai thác, sử dụng nước ngày càng gia tăng, dự báo đến 2050 tăng lên 1,12 lần so với hiện nay. Bên cạnh đó, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội làm gia tăng xả nước thải, ô nhiễm nguồn nước, điển hình như sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ… một số chỉ tiêu ô nhiễm đang vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,6-2,3 lần.
Do đó, việc khai thác, sử dụng nước chưa có quy hoạch và chưa quy định chức năng nguồn nước, dòng chảy tối thiểu càng làm cho nguồn nước ngày càng bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng, làm gia tăng nguy cơ mất an ninh nguồn nước lưu vực sông.
Tạp chí KTTV tổng hợp