Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 22/10 về sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải gây nên cuộc khủng hoảng về nước sinh hoạt cho hàng vạn hộ dân Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, sau vụ việc này, thành phố, các sở, ngành phải rút kinh nghiệm, đưa ra các quy định bắt buộc, để muốn đầu tư thành đơn vị cấp nước thì phải có công nghệ, điều kiện cụ thể.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, từ vụ việc này, cơ quan chức năng đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý nguồn nước, trách nhiệm của doanh nghiệp trong cung cấp nước và của công an trong bảo vệ an ninh, an toàn nguồn nước.
"Doanh nghiệp kinh doanh phải có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ nguồn nước; trách nhiệm bảo vệ vòng ngoài là công an. Hồ thủy điện của chủ đầu tư nào thì doanh nghiệp đó phải bảo vệ nguồn nước từ các vấn đề: chăn nuôi, ô nhiễm, sạt lở…", ông Hoàng Trung Hải cho biết.
Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, vấn đề an ninh nguồn nước, đảm bảo vệ sinh an toàn cần phải được quan tâm đúng mức. Hiện nay, toàn bộ hệ thống quan trắc nước sạch của Hà Nội còn rất thiếu.
Ngoài ra, Bí thư Hà Nội cũng cho rằng cần chia sẻ trách nhiệm bảo vệ nguồn nước theo từng công đoạn chứ không thể để tình trạng toàn bộ hệ thống quan trắc không phát hiện ra hoặc phát hiện ra sự cố mà xử lý lúng túng như lãnh đạo Công ty Nước sạch sông Đà - Viwasupco Nguyễn Văn Tốn nói là phát hiện đổ dầu thải đầu nguồn rồi, nhưng không biết nên dừng cấp nước hay không.
Đồng thời, các đơn vị cần giải trình với cơ quan nhà nước về quy trình quan trắc nguồn nước, chịu trách nhiệm trước nhân dân về chất lượng nước.
“Với thành phố 10 triệu dân, sự cố vừa rồi là rất đáng tiếc. Thành phố sẽ chỉ đạo để không xảy ra sự cố tương tự nữa. Vụ ô nhiễm môi trường, nước, phản ứng của thành phố chậm. Cái này Thủ tướng nói rồi, thành phố sẽ rút kinh nghiệm việc này”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.
“Nhà máy nước sông Đà nằm ở Hòa Bình, còn nước dùng ở Hà Nội nên có khó khăn trong đảm bảo chất lượng nhưng không phải không triển khai được, phải giao trách nhiệm cụ thể cho từng nơi”, ông Hoàng Trung Hải nhận định.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố đã có quy định về tất cả các loại thảm họa, giờ phải cụ thể hóa, quy phạm hóa nó ra để giao trách nhiệm từng cơ quan. Ví dụ ô nhiễm môi trường, có 12 nguyên nhân đưa ra, như đốt than tổ ong Hà Nội đã làm tích cực, tới đây phải cắt dứt điểm; hay tiêu chuẩn khí thải xe máy, tiếp tục phải cùng các bộ ngành có quy trình thải loại…
“Thành phố nhìn thấy vấn đề rồi, tới đây sẽ phải làm khẩn trương, quyết liệt hơn. Có thể chưa triệt để hết ngay được những tồn tại nhưng sẽ phải tốt dần lên để người dân yên tâm hơn”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Theo Báo TN&MT