Đà Nẵng: Cần nâng cấp hệ thống thoát nước để tránh ngập úng

Đăng ngày: 18-12-2018 | Lượt xem: 1045
(TN&MT) - Tiếp tục các vấn đề thảo luận tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021, sáng 18/12, các đại biểu đã đề cập vấn đề ngập lụt của thành phố trong đợt...
1.	Mưa lớn gây ngập tại TP. Đà Nẵng

Mưa lớn gây ngập tại TP. Đà Nẵng

Trận mưa lớn diễn ra hai ngày 9 và 10/12 vừa qua tại Đà Nẵng đã khiến thành phố ngập cục bộ, đề cập vấn đề này, cử tri Nguyễn Thành Tiến có ý kiến, trong những năm qua thành phố đã đầu tư rất lớn cho thoát nước và vệ sinh môi trường với tổng kinh phí trên 5.200 tỷ, hệ thống thoát nước cơ bản đã phát huy tác dụng; tuy nhiên do hệ thống thoát nước đã sử dụng lâu năm và có phần bị lạc hậu, các tính toán quy hoạch chưa dự báo được thời tiết cực đoan và chưa tính đến những phát triển của thành phố về lâu dài, đồng thời công tác duy tu, nạo vét chưa thực hiện tốt, việc giám sát xả thải nước ngầm của các công trình thi công ra cống chưa chặt chẽ... Với những nguyên nhân trên làm cho hệ thống thoát nước TP. Đà Nẵng chưa phát huy hết năng suất và hiệu quả trong những ngày mưa lớn vừa qua.

Cử tri Nguyễn Thành Tiến đề nghị: Cần rà soát đánh giá lại hệ thống thoát nước của thành phố, tính toán nâng cấp các tuyến cống hiện trạng, đầu tư thêm các tuyến cống mới; đầu tư hệ thống khớp nối ở các khu vực có tuyến cống sử dụng lâu năm như quận Hải Châu, Thanh Khê; hệ thống thoát nước phía Đông thành phố có thể nghiên cứu bố trí dọc theo sông Hàn, giảm áp lực cho hệ thống thoát nước hiện tại ở phía Đông; các khu đô thị mới cần có quy hoạch lâu dài và tính toán chặt chẽ hệ thống thoát nước; xây dựng kế hoạch duy tu, bảo trì và có lộ trình thay thế đồng bộ hệ thống thoát nước bị hư hỏng.

2.	Rác thải ngập bờ biển Nguyễn Tất Thành sau đợt mưa lớn

Rác thải ngập bờ biển Nguyễn Tất Thành sau đợt mưa lớn

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Năm 2008 thành phố ban hành đề án Thành phố môi trường và đến nay đã thực hiện được 5/10 tiêu chí, có hơn 100 mô hình bảo vệ môi trường ra đời, các điểm nóng môi trường đã được kiểm soát..., nguồn lực thành phố dành cho công tác bảo vệ môi trường rất lớn. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện thành phố vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề: mỗi ngày toàn thành phố thải ra 1.900 -2.000 tấn rác/ ngày, qua các đợt mưa trên các bãi biển tràn ngập rác thải, bãi rác Khánh Sơn đang bị quá tải. Trong khi đó, chi phí để xử lý rác thải còn quá thấp, chỉ khoảng 500 ngàn đồng/tấn rác. Bình quân mỗi ngày đêm, toàn thành phố thải 200m3 nước thải, chỉ tính riêng khu vực ven biển phía đông thành phố có tới 1.245 cơ sở kinh doanh, với mức xả thải của các cơ sở kinh doanh khu vực này thì hệ thống thoát nước toàn thành đang bị quá tải.

Ông Tô Văn Hùng cho rằng, để giải quyết vấn đề cần thay đổi nhận thức người dân, tất cả các ngành, cấp, đoàn, hội phải vào cuộc; thành phố đang triển khai phân loại rác thải tại nguồn vào đầu năm 2019. Đây là giải pháp tối ưu vừa giảm chi phí xử lý rác, vừa nâng cao được nhận thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HDND TP. Đà Nẵng cho biết, vấn đề ngập nước trong đợt mưa lớn vừa qua không chỉ xảy ra ở riêng Đà Nẵng mà xảy ra ở nhiều tỉnh, thành cả nước. Vì lượng mưa quá lớn nên việc ngập khó tránh khỏi, tuy nhiên cần nhìn nhận các vấn đề hệ thống thoát nước của thành phố. Qua đợt khảo sát ngập lụt vừa rồi, ông nhận thấy việc sắp xếp lắp đặt các máy bơm của thành phố chưa phù hợp, chỗ có bơm không bị ngập nước, chỗ bị ngập nước lại không lắp đặt máy bơm; các công trình tuyến cống thoát nước đều đợi đến mùa mưa mới thi công không những không kịp sử dụng trong mùa mưa mà còn gây nguy hiểm cho người đi đường. Thành phố đầu tư kinh phí cho công tác nạo vét hệ thống thoát nước rất cao nhưng thực hiện chưa chu đáo và hiệu quả. Bên cạnh đó ý thức người dân vẫn còn kém, người dân thường trám các hố ga nên khi mưa xuống nước không rút được mà thường đổ vào nhà dân.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: