Dân Đà Nẵng khát nước sạch, chính quyền tính xây công trình ngăn mặn

Đăng ngày: 08-11-2018 | Lượt xem: 1005
(TN&MT) - Gần một tuần nay, tại TP. Đà Nẵng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng trên khắp các địa bàn quận Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn... Điều đáng nói, nhiều người...
Những ngày qua, TP.Đà Nẵng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng trên khắp các địa bàn

Những ngày qua, TP. Đà Nẵng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng trên khắp các địa bàn

Khát nước sạch

Qua khảo sát những địa bàn các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, PV Báo Điện tử TN&MT cũng đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân về tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nhiều gia đình đã phải chọn giải pháp mua nước đóng chai để sinh hoạt. Từ ngày 1 đến ngày 7/11, hàng trăm người dân trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã truy cập hệ thống thông tin chính quyền điện tử và trang Quản lý đô thị Đà Nẵng trên Facebook để phản ánh việc thiếu nước sinh hoạt. 

Ông Nguyễn Thành An (quận Hải Châu, Đà Nẵng) phản ánh: "Gần một tuần nay, do tình trạng nước nhỏ giọt nên gia đình phải trưng dụng tất cả các thùng, thau chậu đêm hứng nước tích trữ để sử dụng cho cả ngày. Ban ngày đi làm, ban đêm thức “chờ nước” khá mệt mỏi nên vợ chồng phải mua nước đóng chai về dùng trong việc nấu ăn, sinh hoạt đơn giản. Riêng tắm, giặt, thì phải chờ đến đêm khuya, nước hứng được nhiều mới sử dụng”.

Còn bà Nguyễn Thị Đào, ngụ quận Liên Chiểu bức xúc: "Dawaco làm ăn tắc trách trong việc này. Hàng tháng, tiền nước sử dụng mỗi hộ đều được gửi tin nhắn đến khách hàng. Thế nhưng, trong trường hợp thiếu nước này, một thông tin cực kì quan trọng đối với người dân và cũng chính là khách hàng, phía công ty lại không gửi tin nhắn vào điện thoại. Thay vào đó, công ty lại gửi văn bản đến các cơ quan chính quyền".

Trả lời về điều nghịch lý đang xảy ra tại thành phố Đà Nẵng là khi đang là mùa mưa nhưng nhiều nơi lại thiếu nước sinh hoạt. Ông Hồ Hương, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Dawaco cho rằng: Hiện nay, do lượng mưa thượng nguồn suy giảm, lượng nước trên sông Vu Gia, sông Yên bị giảm nhiều nên mực nước các hồ chứa đều xuống thấp so với cùng kỳ những năm trước. Điều này dẫn đến nguồn nước sông tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn dài ngày và độ mặn có thời điểm lên đến 4.300mg/l.

Dawaco đã vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch nhưng vẫn không đủ nguồn nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay. Vì thế, áp lực và lưu lượng hệ thống cấp nước thành phố bị suy giảm. Hiện nay, 2 thủy điện xả về sông Vu Gia là thủy điện A Vương đã dưới mực nước chết, không thể hoạt động và thủy điện Sông Bung 4 thì hồ trữ nước sắp đến mực nước chết. Do đó, nước đầu nguồn về hồ chứa thủy điện Sông Bung 4 bao nhiêu thì thủy điện này lại xả bấy nhiêu. 

Theo ông Hương, trước đó, Dawaco đã thông báo tình hình trên mạng, đài truyền hình và gửi mail cho khách hàng. Ngoài ra, Dawaco cũng xin thông báo và đề nghị khách hàng sử dụng nước tiết kiệm, chia sẻ khó khăn cùng công ty. 

Giải pháp đảm bảo nhu cầu sử dụng nước cho Đà Nẵng là xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để kịp thời bổ sung nguồn nước thô…

Giải pháp đảm bảo nhu cầu sử dụng nước cho Đà Nẵng là xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để kịp thời bổ sung nguồn nước thô…

Đà Nẵng tính xây công trình ngăn mặn

Trước tình trạng trên, ngày 8/11, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có thông cáo báo chí giải thích nguyên nhân thiếu nước sạch những ngày qua trên toàn thành phố, đồng thời, đưa ra các giải pháp cấp nước trước mắt và lâu dài. Theo đó, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch là do nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Đây là nguồn nước chính cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay. Giải pháp đảm bảo nhu cầu sử dụng nước cho người dân, là xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để kịp thời bổ sung nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay.

Theo Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng, từ ngày 31/10 đến ngày 7/11, độ mặn dao động từ 372 mg/1 đến 4 374 mg/l và là mức cao nhất tính từ đầu năm 2018, do vậy trạm bơm phòng mặn An Trạch phải vận hành 24/24 giờ. Trước đó, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng đã gửi văn bản đến Công ty Cổ phần thủy điện Dak Mi 4 và Công ty Cổ phần thủy điện A Vương về tình hình nhiễm mặn và đề nghị các thủy điện có phương án xả nước hợp lý về sông Yên để nguồn nước thô tại Cầu Đỏ không bị nhiễm mặn, mực nước tại An Trạch ở mức trên 1,5m cho các máy bơm hoạt động được. Trên cơ sở đó, nhà máy thủy điện Dak Mi 4 đã xả liên tục 12, 6 m3/s về lưu vực sông Vu Gia kể từ ngày 31-10-2018 đến nay, mực nước tại An Trạch có tăng (dao động từ 1,6 đến 2,03 m) nhưng tình hình nhiễm mặn vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chỉ đạo các chủ hồ chứa ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn vận hành xả nước với chế độ phù hợp để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho thành phố Đà Nẵng. Sở Xây dựng đã ban hành Công văn số 10415/SXD-HTKT ngày 6/11/2018 về việc triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo cấp nước an toàn, trong đó yêu cầu Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng khẩn trương tập trung nhân lực, trang thiết bị để triển khai các giải phảp đảm bảo cấp nước an toàn đã được UBND thành phố thống nhất, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân thành phố".

Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng nêu ra các giải pháp cấp nước trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Theo đó, giải pháp đến tháng 3/2019 gồm: Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án Nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ (giai đoạn 1 - 60.000 m3/ngđ) và dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung (10. 000 m3/ngđ). Giải pháp đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sau năm 2020 là xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để kịp thời bổ sung nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay sau khi nâng cấp. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cũng sẽ đầu tư thêm các tuyến ống phân phối để đưa nước đến các điểm tiêu thụ.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: