ĐBSCL trước áp lực an ninh nguồn nước: Nguồn nước ngày càng suy kiệt

Đăng ngày: 30-07-2019 | Lượt xem: 1254
Nước là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sinh hoạt, sản xuất và văn hóa của người dân vùng ĐBSCL. Tuy vậy, do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng cùng với những tác động khác đang làm cho nguồn nước bị suy kiệt, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.

Từ nguồn nước đang cạn kiệt…

Nguồn nước vùng ĐBSCL phụ thuộc rất lớn từ thượng nguồn sông Mê Công, gần đây, hoạt động xây dựng đập thủy điện hay thực hiện các dự án chuyển nước từ sông này về mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp của những quốc gia trong khu vực đã gây nhiều khó khăn cho các tỉnh, thành ở phía hạ lưu.

Các số liệu quan trắc thủy văn ghi nhận được cho thấy, từ trận lũ lịch sử năm 2000 đến nay, dòng chảy mùa lũ từ thượng nguồn đổ xuống vùng ĐBSCL ngày càng giảm sút rõ rệt. Năm 2010, được xem là năm mà có dòng chảy thấp nhất hàng thập kỷ nay. Lũ thấp kết hợp với tình trạng khô nóng làm nhiều vùng ven biển bị khô hạn nghiêm trọng, nước mặn từ biển Đông xâm nhập sâu vào đất liền khiến nhiều nơi gặp khó khăn trong việc lấy nước sinh hoạt và sản xuất.

Untitled 1 copy


Bên cạnh đó, do không gian chứa nước lũ từ hai vùng trũng là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười ngày càng bị suy giảm, nên nhiều vùng đất ở hạ lưu bị ngập sâu hơn và kéo dài thời gian ứ nước hơn, nhiều bờ sông bị sạt lở do dòng chảy gia tăng tốc độ.

Theo Ths. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia Nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, ngày 18/7/2019, từ thông cáo báo chí của Ủy hội sông Mê Công (MRC) cho thấy, nước sông Mê Công vào đầu mùa lũ từ tháng 6/2019 đến tháng 7/2019 đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, xuống dưới cả mức tối thiểu trong lịch sử.

“Với tình hình này, rất có khả năng mùa nước nổi năm 2019 không về vùng ĐBSCL. Thời gian sau Tết, sang khoảng tháng 3/2020, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn ra rất gay gắt tại vùng ĐBSCL; mặn sẽ vào sâu đất liền, có thể ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt ở những nơi trước đây chưa từng bị ảnh hưởng” - Ths. Nguyễn Hữu Thiện cảnh báo.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, trong tuần thứ 21/2019 (từ ngày 21/7 đến ngày 31/7/2019), mực nước ở các trạm thủy văn trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ ở mức thấp hơn từ 0.50 - 2.90m so với cùng thời kỳ năm 2018.

Ngoài ra, lượng nước tại vùng ĐBSCL cũng đang phải chịu tác động mạnh mẽ từ BĐKH. Nhiều kết quả mô phỏng toán học theo các kịch bản phát thải khí nhà kính cho thấy, nhiệt độ tại khu vực ĐBSCL có xu thế gia tăng dần khiến cho tình trạng khô hạn sẽ nghiêm trọng hơn.

Đến chất lượng nước suy giảm

Báo cáo kết quả quan trắc nguồn nước trên các sông, rạch mới đây của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở TN&MT Hậu Giang cho thấy, chất lượng nước mặt trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có xu hướng gia tăng ô nhiễm.

Tại các vị trí lấy mẫu ở gần chợ, khu công nghiệp, khu dân cư, chất lượng nguồn nước mặt hầu hết đã ô nhiễm, trong đó, phần lớn bị ô nhiễm hữu cơ, vi sinh do tác động từ nước thải, chất thải. Các sông, kênh, rạch chính của tỉnh Hậu Giang như: Xáng Xà No, Cái Côn, Lái Hiếu đều bị ô nhiễm với các thông số như: sắt, TSS, N-NH4+, BOD5, COD, Coliforms vượt giới hạn cho phép của QCVN08-MT:2015/BTNMT.

Ông Lý Quốc Sử - Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT Hậu Giang) cho rằng, qua theo dõi diễn biến nguồn nước mặt trong 3 năm, từ năm 2016 đến năm 2018, chất lượng nước mặt năm 2018 tại các vị trí quan trắc có xu hướng ô nhiễm gia tăng so với các năm 2016 - 2017. Các chỉ tiêu ô nhiễm biến đổi không ổn định có xu hướng tăng sự ô nhiễm, hàm lượng các chất hữu cơ trong nước tăng mạnh vào mùa cạn kiệt. Đặc biệt, chỉ số oxy hòa tan giảm mạnh vào những năm gần đây.

Mới đây, tại Hội thảo “Thúc đẩy các sáng kiến quản lý tài nguyên nước ở ĐBSCL” do Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam tổ chức tại TP. Cần Thơ, Ths. Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ cho biết: “Ô nhiễm nguồn nước tại sông, rạch vùng ĐBSCL trong thời gian qua không chỉ do hoạt động xả thải ở các khu công nghiệp, đô thị mà còn xuất phát từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt”.

Đáng lưu ý, nguồn nước mặt khan hiếm và suy giảm vì ô nhiễm dẫn đến việc người dân khoan giếng khai thác nước ngầm một cách tràn lan ở một số địa phương, làm cho mực nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng, chất lượng nước có nơi không đảm bảo cho các sinh hoạt vì nhiễm thạch tín, phèn.

Minh chứng rõ nhất là vào năm 2016, đợt hạn, mặn lịch sử đã diễn ra ở 9/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, gây thiệt hại nặng nề cho trên 160.000ha đất sản xuất nông nghiệp, khoảng 600.000 người dân bị thiếu nước sinh hoạt, tổng thiệt hại khoảng 5.600 tỷ đồng. Không chỉ thế, do thiếu nước sản xuất nông nghiệp, nhiều người dân ở các địa phương vùng ĐBSCL phải bỏ hoang đất để lên TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương làm công nhân, phụ hồ, giúp việc.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: