Cấp phép 11 mới có 1 dự án hoàn thành
Tính đến thời điểm 30-6-2018, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước, trong đó, có 11 dự án phát triển nguồn (tổng công suất tăng thêm 1.350.000m3/ngày đêm) và 23 dự án phát triển mạng cấp nước. Dự kiến, đến 31-12-2020, sau khi các dự án này hoàn thành sẽ nâng công suất toàn thành phố lên khoảng 2.350.000m3/ngày đêm, đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho các hộ gia đình khi có nhu cầu sử dụng, đạt tỷ lệ 94%.
Qua giám sát của Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội cho thấy, thành phố hiện đang triển khai đầu tư xây dựng 11 dự án phát triển nguồn, tính đến 30-6, có 1 dự án hoàn thành đưa vào khai thác vận hành đầu năm 2018; 7 dự án được phê duyệt tiến độ hoàn thành trong năm 2019-2020 đến nay có 5 dự án đang triển khai thi công (trong đó 3 dự án đang thực hiện chuẩn bị đầu tư), 2 dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch (trong đó có 1 dự án tiến độ phê duyệt hoàn thành từ 2009-2010).
Đối với dự án phát triển mạng cấp nước, UBND TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư 23 dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch để nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai thi công tại 382/416 xã. Tính đến 30-6-2018 có 14 dự án hoàn thành, đáp ứng khả năng đấu nối cung cấp nước cho khoảng 52% người dân ở khu vực nông thôn; 9 dự án đang thi công dự kiến cuối năm 2018 đáp ứng khả năng đấu nối cung cấp nước cho khoảng 55% người dân ở khu vực nông thôn.
Nhà máy nước mặt sông Đuống dự kiến cấp nước vào ngày 10-10 tới đây.
Về dự án trạm cấp nước sạch nông thôn, tính đến 30-6-2018, có 87 trạm đang hoạt động với tổng công suất khoảng 70.000m3/ngày đêm, cấp nước ổn định cho khoảng 100.000 hộ dân (chiếm khoảng 10% số dân sử dụng nước sạch trên toàn thành phố). Có 32 trạm cấp nước không hoạt động do công trình đầu tư dở dang không đủ điều kiện đưa vào hoạt động hoặc đã đưa vào hoạt động nhưng đến nay xuống cấp dừng hoạt động.
Theo đánh giá của Ban Đô thị, một số dự án phát triển nguồn triển khai thực hiện chậm không đảm bảo tiến độ được phê duyệt. Trong đó, nổi bật là dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nhà máy nước mặt sông Hồng, do Công ty cổ phần nước mặt Sông Hồng làm chủ đầu tư, quy mô công suất 300.000m3/ngày đêm, giai đoạn I công suất 150.000m3/ngày đêm, giai đoạn II công suất 300.000 m3/ngày đêm, tiến độ phê duyệt giai đoạn I hoàn thành Quý VI-2018.
Song đến nay, dự án mới cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng diện tích xây dựng nhà máy, đang hoàn thiện thiết kế bản vẽ thi công, chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu, chưa tổ chức thi công xây dựng. Hay như dự án nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II do Công ty cổ phần nước mặt Sông Đà làm chủ đầu tư tiến độ phê duyệt hoàn thành 2009-2010 nhưng đến giờ mới thi công xong 3/6,4km tuyến ống hợp phần 1, hiện đang thực hiện công tác khảo sát thiết kế thi công công trình đầu mối nhà máy xử lý, bể chứa trung gian của hợp phần 2, tuyến ống truyền tải mới thi công đạt 15%.
Kiến nghị thay nhà đầu tư năng lực yếu
Bên cạnh đó, một số dự án phát triển mạng cấp nước đã được triển khai song thực hiện chậm không đảm bảo tiến độ như Dự án mạng cấp nước cho 4 xã Tiền phong, Tráng Việt, Mê Linh và Đại Thịnh thuộc huyện Mê Linh; dự án mạng cấp nước 14 xã, thị trấn thuộc huyện Hoài Đức…
Theo Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, nhiều dự án triển khai chậm là do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; nhà đầu tư không đủ năng lực; việc bàn giao công trình Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp tiếp quản còn chậm.
Chưa kể, ở một số nơi, dù đã lắp đặt đồng hồ nước, nhưng người dân lại ít dùng. Như tại xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) được Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam triển khai xong 100% đường ống, nhưng đến nay chỉ có 120 hộ dân dùng nước; các xã, thị trấn: Đông Quang, Tản Lĩnh, Tây Đằng (huyện Ba Vì) được Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây đầu tư bao phủ mạng lưới, các hộ dân đã lắp đặt đồng hồ nhưng sử dụng nước sạch rất ít, có hộ chỉ dùng 1- 2m3 nước/tháng.
Đặc biệt, qua giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho thấy, chất lượng nước tại nhiều trạm cấp nước nông thôn không đảm bảo ổn định, dẫn đến tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chưa cao; nhiều trạm chưa đáp ứng tiêu chuẩn nước sạch đô thị do có quy mô nhỏ, xây dựng không đồng bộ, áp dụng công nghệ cũ, lạc hậu, chưa thực hiện việc bổ sung công nghệ lọc mới hiện đại theo chỉ đạo của thành phố; một số đơn vị quản lý vận hành chưa thực hiện đầy đủ quy định về quản lý và giám sát chất lượng nước sau xử lý, công nhân quản lý vận hành thiếu chuyên môn, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố; nhiều trạm cấp nước sạch nông thôn đang hoạt động nhưng chủ đầu tư không lắp đặt đồng hồ đo đếm nước đầu vào để làm cơ sở nộp thuế khai thác tài nguyên nước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần lý giải, do ở vùng nông thôn, người dân vẫn có thể sử dụng nước giếng khoan, nước mưa cho việc tắm, giặt; nước máy chỉ dùng để nấu ăn và uống nên số lượng dùng ít. Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết, sẽ kiến nghị UBND thành phố các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Với một số chủ đầu tư thiếu năng lực, Ban Đô thị HĐND TP sẽ kiến nghị UBND TP kiên quyết thay các nhà đầu tư….