UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND, triển khai thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (kể cả vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) ở các thôn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 13/4/2016 của UBND thành phố, có trong danh sách hộ nghèo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp; thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách của nhà nước hỗ trợ về nước sinh hoạt.
Hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt được hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng/hộ để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Kinh phí hỗ trợ nước sinh hoạt được sử dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng thôn, xã và điều kiện sinh hoạt của hộ gia đình.
Ảnh minh họa
Tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, có thể tiến hành hỗ trợ theo nhóm hộ trên cơ sở mức hỗ trợ bình quân là 1,5 triệu đồng/hộ để xây dựng những công trình sử dụng chung, nhóm hộ phải tự nguyện, cam kết bảo vệ và duy trì công trình, đảm bảo có nguồn nước ổn định. Tổng số có 855 hộ (định mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/hộ); tổng kinh phí hỗ trợ nước sinh hoạt là gần 1,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (kể cả vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) ở các thôn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp; chưa có hoặc thiếu đất sản xuất theo hạn mức đất bình quân chung do UBND thành phố quy định; chưa được hưởng các chính sách của nhà nước hỗ trợ về đất sản xuất.
Riêng các hộ đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 thì không được hưởng chính sách chuyển đổi nghề.
Mức hỗ trợ đối với những địa phương không còn quỹ đất sản xuất để giao thì UBND cấp xã căn cứ vào danh sách đăng ký hưởng chính sách để thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề thay thế đất sản xuất. Mức hỗ trợ bằng tiền 5 triệu đồng/hộ và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định.
Kinh phí hỗ trợ và vay vốn ngân hàng để chuyển đổi nghề được sử dụng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ngành nghề không trái pháp luật để tạo thu nhập ổn định, lâu dài thay thế thu nhập từ đất sản xuất. Tổng số có 988 hộ thiếu đất sản xuất theo hạn mức đất bình quân chung do UBND thành phố quy định (định mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ); tổng kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề là gần 19,8 tỷ đồng.
Nguồn: Báo TN&MT