Hành động để kết thúc ô nhiễm chất thải nhựa

Đăng ngày: 17-04-2018 | Lượt xem: 985
(TN&MT) - Đây là thông điệp của Ngày Trái đất 2018 (22/4) để cung cấp thông tin và truyền cảm hứng cần thiết để thay đổi cơ bản thái độ hành vi của con người về sử dụng chất dẻo (chất...
tnmt Hành động để kết thúc ô nhiễm chất thải nhựa

Các tình nguyện viên chung tay dọn rác (trong đó, có chất thải nhựa) tại một số hòn đảo trong Vịnh Hạ Long

Rác thải nhựa trên biển này đang ngày càng tăng lên và tàn phá những tài nguyên biển quý hiểm của con người. Không những thế nó còn gián tiếp làm tổn hại đến con người trên thế giới.
 
Với dân số thế giới gia tăng  làm việc, nhu cầu nghỉ mát, ngày càng tăng, các ngành du lịch biển được coi là ngành phát triển nhất hiện nay kéo theo hành vi xả rác trên các bãi biển, đặc biệt là các rác thải nhựa như các chai nước ngọt... loại bỏ, vứt rác bừa bãi và gây ô nhiễm. Rác thải nhựa trên biển này đang ngày càng tăng lên và tàn phá những tài nguyên biển quý hiểm của con người.
 
Từ năm 1950 đến nay, thế giới đã sản xuất ra hơn 9 tỷ tấn nhựa plastic và phần lớn chúng vẫn còn tồn tại xung quanh chúng ta.
 
Một nghiên cứu mới đây theo dõi tình hình sản xuất và phân phối nhựa trên toàn thế giới đã phát hiện ra rằng, chỉ có 2 tỷ tấn nhựa plastic đang được con người sử dụng. Vậy 7 tấn nhựa còn lại đi đâu? Câu trả lời có lẽ cũng không quá bất ngờ: Chúng đang tồn tại xung quanh chúng ta dưới dạng rác thải trong các bãi chôn lấp rác, dưới dạng rác tái chế, hay thậm chí còn là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường đất đai và biển cả. Một lượng nhỏ rác thải nhựa được thiêu hủy trong các lò thiêu.
 
Thế nhưng, trong khi số rác thải kể trên chất thành núi lớn mà không phân hủy được, con người vẫn cứ tiếp tục sản xuất thêm nhiều nhựa hơn nữa. Theo số liệu thống kê trong vòng 30 năm trở lại đây, chúng ta đã tạo ra phân nửa số rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.
 
Tất nhiên không thể nào phủ nhận tính tiện ích của loại vật liệu này đối với đời sống con người, khi mà nhựa plastic gần như gắn liền với mọi mặt của cuộc sống hiện đại: Trong các bao bì tại siêu thị, làm vỏ chai nước, làm ống hút... Nhưng tốc độ phát triển đáng báo động của rác thải nhựa có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình, khi mà con số này đã tăng từ 1% lượng rác thải toàn cầu lên thành 10% chỉ trong chưa đầy 50 năm.
 
Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững (RIO+20) đã thông qua Tuyên bố chung “Tương lai chúng ta mong muốn” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển do vấn đề chất thải nhựa trên biển (marine plastic waste) gây ra.
 
Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 25/9/2015 cũng đưa ra một kế hoạch hành động gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu cụ thể, trong đó có những mục tiêu (11, 12 và 14) liên quan nhiều đến vấn đề rác thải nhựa trên biển. Việc xác định các nguồn phát sinh cũng như khối lượng chất thải nhựa trong môi trường biển và ven biển sẽ giúp cho việc quản lý chất thải, ngăn ngừa nguy hại tới đời sống thủy sinh.
 
Hiện nay, trên thế giới, có rất nhiều công cụ, biện pháp khác nhau đã được áp dụng để kiểm soát chất thải nhựa. Các công cụ, biện pháp có thể tác động vào nhiều giai đoạn khác nhau trong vòng đời của sản phẩm nhựa, từ trước khi sản xuất cho đến sau khi trở thành chất thải. Để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa, có thể áp dụng các công cụ pháp luật, kinh tế, kỹ thuật, công cụ giáo dục và truyền thông. Để xử lý chất thải nhựa có các biện pháp chôn lấp, đốt, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng/nhiên liệu. Một số giải pháp khác cũng đã được thực hiện tại một số quốc gia như: Thu mua lại rác thải nhựa từ ngư dân, hay cung cấp túi rác và lắp đặt nơi đổ rác cho tàu thuyền,…
 
Trong các biện pháp về kiểm soát chất thải nhựa biển, việc sử dụng công cụ chính sách pháp luật là biện pháp quan trọng nhất để làm căn cứ thực hiện các biện pháp khác. Nhiều quốc gia có quy định kiểm soát hàng tiêu dùng ở mức độ bán lẻ, một số quốc gia đã tiến hành kiểm soát đối với các hàng hóa được phép sản xuất. Bên cạnh một số quy định về kiểm soát hàng hóa trong sản xuất và sử dụng, một số nước có chính sách theo hướng tiếp cận tổng thể để giải quyết vấn đề rác thải biển như Nhật Bản đã ban hành riêng một luật về rác thải biển “Luật Khuyến khích xử lý rác thải biển”, Hàn Quốc ban hành Luật Quản lý Môi trường Biển, trong đó, yêu cầu xây dựng Kế hoạch tổng thể quản lý rác thải biển.
 
Nhiều biện pháp kỹ thuật đã được sử dụng để kiểm soát chất thải nhựa biển như kỹ thuật đánh dấu thiết bị đánh bắt thủy sản nhằm giảm lượng dụng cụ đánh bắt bị thất lạc, thải bỏ (Ủy ban Châu Âu đã có quy định EC 2005 về việc đánh dấu dụng cụ đánh bắt thủy sản và EC 2009 về thu hồi dụng cụ đánh bắt); kỹ thuật thu gom và loại bỏ rác ở sông và cảng (các rào chắn nổi, máy gắp cải tiến…); phát triển vật liệu sản xuất dụng cụ đánh cá có thể bị phân hủy do vi sinh vật trong nước biển (Hàn Quốc là nước đi đầu trong việc phát triển và áp dụng các kỹ thuật này trên vùng biển quốc gia).
 
Đặc biệt, việc thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng đối với chất thải nhựa biển có ý nghĩa quan trọng nhằm phòng ngừa, giảm thiểu chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động sản xuất và tiêu dùng, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa thông qua các chương trình giáo dục và chiến dịch về chất thải trên biển.
 
 
Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề BVMT biển. Bên cạnh việc tham gia và thực hiện các cam kết, công ước quốc tế về biển và môi trường, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về BVMT nói chung, BVMT biển nói riêng. Cụ thể, Luật BVMT 2014, Luật TN&MT biển và hải đảo 2015 đã có những quy định về hoạt động kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển, trong đó có nội dung về chất thải. Hiện nay, việc quản lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa) được quy định rõ tại Nghị định số 38/2015-NĐ/CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015-TT/BTNMT của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại...

 

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: