Học sinh Thanh Khê (Đà Nẵng) hào hứng phân loại rác tại nguồn

Đăng ngày: 23-11-2019 | Lượt xem: 1589
Ngày 23/11, UBND quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng) tổ chức Hội nghị tuyên truyền biến đổi khí hậu và phân loại chất thải rắn tại nguồn năm 2019 cho giáo viên, học sinh các trường THCS trên địa bàn.

Tại chương trình, các chuyên gia môi trường, đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Thanh Khê đã phổ biến những kiến thức bảo vệ môi trường thông qua hoạt động phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn, chống rác thải nhựa và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hàng trăm học sinh đã bước đầu hiểu được ý nghĩa của việc giữ gìn môi trường, cũng như lợi ích của phân loại và tái chế rác thải.

Học sinh Thanh Khê tiếp cận với kiến thức về biến đổi khí hậu

Các em được hướng dẫn cách nhận biết và phân loại các chất thải hữu cơ dễ phân hủy gồm: Thực phẩm, vỏ rau củ quả trong quá trình chế biến, thức ăn thừa, lá cây…; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, như: giấy, vỏ lon nhôm, vỏ hộp sữa… để dành bán ve chai lấy tiền nuôi heo đất cũng như cách xử lý các chất thải nguy hại pin, xăng dầu, huỳnh quang…

Em Cao Huy Đạt, học sinh lớp 8/3, trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng chia sẻ môi trường và khí hậu đều rất quan trọng. Thói quen của con người là yếu tố chủ đạo trong việc bảo vệ môi trường. Nếu như con người có thói quen tốt thì việc ô nhiễm môi trường sẽ được giảm thiểu. Do đó, chúng em nên tập những thói quen hạn chế vứt rác thải nhựa, phân loại rác thải sau khi sử dụng...nhằm hạn chế rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.

“Con được biết rác thải nhựa phải mất hàng triệu năm mới phân hủy được. Khi rác thải theo các dòng sông đổ ra biển, cá voi và rùa biển ăn vào không tiêu hóa được sẽ tích lại trong ổ bụng và nó sẽ chết. Con bắt đầu phân loại rác từ chính trong phòng của mình, giấy vụn, đồ nhựa con để riêng rồi mang bán phế liệu lấy tiền nuôi heo đất vừa góp phần bảo vệ môi trường. Khi môi trường được bảo vệ sẽ cứu giúp được nhiều sinh vật và chính con người chúng ta”- em Huy Đạt chia sẻ.

Và hào hứng với chương trình đổi rác tặng cây xanh

Theo thống kê đến tháng 6/2019, TP. Đà Nẵng phát sinh khối lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 1.100 tấn/ngày, tỷ lệ chất thải rắn gia tăng trung bình 8-10%/năm. Việc quản lý, xử lý chất thải rắn đô thị của thành phố đang đặt ra nhiều yêu cầu bức thiết về đổi mới phương pháp phân loại, thu gom và xử lý.

Ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng TN&MT quận Thanh Khê cho biết, việc nâng cao nhận thức về tác động, ứng phó về biến đổi khí hậu đến mọi tầng lớp đặc biệt là học sinh, sinh viên trên địa bàn được quan tâm hàng đầu.

Giáo dục ý thức và hình thành thói quen phân loại rác cho học sinh là cách để tác động ngay từ gốc. Khi nó đã trở thành thói quen sống thì chính các em khi về nhà cũng sẽ nói với phụ huynh và người thân, để từ đó tạo nên sự thay đổi.

Ông Lê Trung Minh Tân cho hay, năm 2019, quận Thanh Khê tiến hành khảo sát, xác định địa điểm thu gom, tập huấn tuyên truyền kiến thức đến cán bộ nòng cốt, tổ trưởng tổ dân phố; cung cấp dụng cụ, trang thiết bị đến các phường xã và triển khai phân loại tại cộng đồng.

Thanh Khê là địa phương tiên phong trong giảm thiểu rác thải nhựa

Mục tiêu năm 2019, 100% hộ gia đình, cá nhân, cơ quan đơn vị, trường học tiếp cận chủ trương; 70% hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn 10 phường thường xuyên phân loại và 90% cơ quan hành chính quận, phường và trường học tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Lục, giáo viên Địa lý, trường Lê Thị Hồng Gấm cho biết, hằng ngày các em loại bỏ khá nhiều rác thải. "Với vai trò là một giáo viên, tôi nghĩ những buổi tập huấn rất quan trọng, giúp các em định hướng và phân loại từng loại rác thải cụ thể tại gia đình, trường học. Tôi cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn để các em hình thành thói quen, trước khi vứt rác thì học sinh cần phải phân loại rác trước tiên."- ông Nguyễn Văn Lục chia sẻ.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: