Hơn một phần tư cá ở sông Thames ăn phải nhựa. Ảnh: Dan Kitwood
Nghiên cứu được công bố mới đây cho thấy 28% cá ở cửa sông Thames đã ăn phải các vi hạt nhựa (microplastics). Theo nghiên cứu, tại cửa sông Firth của Clyde ở Scotland, 39% cá bị ảnh hưởng bởi chất này.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc Trường Royal Holloway, Đại học London, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên và Đại học Tây Scotland.
Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng một phần ba trong số 876 cá và tôm được kiểm tra từ cả hai cửa sông đã tiếp xúc với chất thải nhựa.
Theo Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), microplastics là những mảnh nhựa có chiều dài dưới 5 milimet. NOAA cho biết những mảnh nhựa này có thể có hại cho đại dương và đời sống thủy sinh của chúng ta.
Hiệp hội bảo tồn biển cho rằng chất thải nhựa trong môi trường biển có thể mang lại các chất độc có thể được truyền vào mô động vật và xâm nhập vào chuỗi thức ăn cho con người.
"Mọi người đã bắt đầu thực sự quan tâm đến mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm nhựa và nghiên cứu của chúng tôi tiếp tục chứng minh tại sao đây là vấn đề gây bức xúc như vậy", Alexandra McGoran, nghiên cứu sinh tiến hành nghiên cứu cho biết.
"Cả hai con sông đều có hệ sinh thái rất đa dạng, nơi sinh sống của hàng trăm loài khác nhau. Việc phát hiện số lượng lớn các loài chịu nguy hiểm bởi chất thải nhựa của chúng ta thực sự gây sốc” - bà Alexandra McGoran cho biết thêm.
Theo McGoran, các kết quả của nghiên cứu cho thấy cần nghiên cứu thêm về hệ sinh thái nước ngọt và cửa sông, để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của các vi hạt nhựa đối với các loài thủy sinh.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Marine Pollution Bulletin.
Nguồn: Báo TN&MT