Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Hội nghị toàn quốc về thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, định hướng giai đoạn sau 2020 đã ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu của đại diện các địa phương, những người trực tiếp tham gia vào công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương về những bài học kinh nghiệm; đặc biệt là các kiến nghị, đề xuất.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu kết luận Hội nghị |
Khẳng định kết quả 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 là một thành tựu to lớn, trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho đánh giá, công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã có sự thay đổi vượt bậc, từ phương thức quản lý, quy trình vận hành đến tỷ lệ thu gom và biện pháp xử lý; thu gom, xử lý bao bì thuốc vật đã được các địa phương triển khai nhiều hoạt động góp phần giảm thiểu tác động môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.
Công tác thu gom, xử lý nước thải khu dân cư tập trung khu vực nông thôn đã bước đầu được quan tâm, hình thành các mô hình xử lý nước thải phân tán cụm dân cư, hộ gia đình (bên cạnh việc đầu tư các hạng mục công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho các đô thị).
Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề được quan tâm chỉ đạo và thực hiện quyết liệt; hoạt động khắc khục ô nhiễm cải thiện môi trường tại 47 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã dần được đầu tư, xử lý. Hoạt động xây dựng cảnh quan môi trường được khởi sắc và thực sự mang lại hiệu quả, tạo nên những miền quê đáng sống với cảnh quan, môi trường trong lành, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Các cá nhân nhận bằng khen của Bộ TN&MT vì có nhiều thành tích trong việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới |
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới còn những khó khăn, hạn chế do một số quy định, cơ chế chính sách còn bất cập, chưa phù hợp với các đối tượng tại khu vực nông thôn. Các chính sách thu hút đầu tư, huy động xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải nông thôn còn chưa phát huy được hiệu quả. Bộ chỉ tiêu trong Tiêu chí số 17 về môi trường đối với cấp xã và Tiêu chí số 7 về môi trường đối với cấp huyện còn bộc lộ nhiều bất cập trong triển khai thực hiện.
Trong khi đó, công tác chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương, có lúc, có nơi còn chưa thực sự quyết liệt, chưa thường xuyên, liên tục, chưa phát huy được hiệu quả trong thực tiễn. Ở một số địa phương, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới; công tác kiểm soát các nguồn ô nhiễm; công tác thu gom, xử lý chất thải… có dấu hiện chững lại, tụt dốc.
Bên cạnh đó, sự phân cấp, phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng có liên quan nhiều nơi còn chưa nhịp nhàng, đồng bộ, chặt chẽ. Còn thiếu các công cụ kỹ thuật, các biện pháp khoa học, công nghệ phù hợp trong hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn.
Đại diện các tập thể nhận bằng khen của Bộ TN&MT |
Do vậy, giai đoạn từ nay đến hết 2020 và định hướng sau năm 2020, Thứ trưởng đề nghị các địa phương, rà soát lại các nội dung của tiêu chí môi trường đối với các đơn vị đã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, xem chỉ tiêu nào chưa bền vững, còn đang cần củng cố, đẩy mạnh (đặc biệt là hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung) thì đầu tư nguồn lực, xử lý dứt điểm, củng cố chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí cho thực sự bền vững.
Đối với các địa phương chuẩn bị về đích thì cần hết sức khẩn trương, nhưng chặt chẽ và nghiêm túc. Cần xác định nông thôn mới là làm cho người dân, nên các chỉ tiêu, tiêu chí cần hết sức khách quan và phản ánh đúng thực chất.
Thứ trưởng cũng đề nghị tất cả các địa phương dự Hội nghị, về báo cáo Lãnh đạo tỉnh tổ chức tổng điều tra, đánh giá chi tiết về các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường, thẩm tra lại báo cáo của các địa phương để có được một bộ dữ liệu đầy đủ, chi tiết về bức tranh môi trường nông thôn của năm 2020, để đến năm 2050 và năm 2030, chúng ta có một điểm mốc xác thực để đối chiếu, so sánh, đánh giá.
“Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, các tỉnh cần xem xét, phê duyệt kế hoạch cụ thể cho công tác quản lý chất thải rắn nông thôn, thống kê chi tiết, phân tách từng nguồn chất thải để có một định hướng quản lý chất thải phù hợp, tiếp cận với nguyên lý “kinh tế tuần hoàn” trong tận thu, tái chế, tái sử dụng chất thải cho các mục đích khác”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu.
Đặc biệt, cần sớm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý nước thải nông thôn (theo hình thức tập trung hoặc phi tập trung), trong đó quan tâm đến nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, hoạt động chế biến nông – lâm – thủy sản, nước thải từ làng nghề... tiến tới nước thải nông thôn cũng cần được thu gom và xử lý, có như vậy, chúng ta mới tiệm cận được nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ngành nông nghiệp của chúng ta mới có chỗ đứng trong thị trường quốc tế.
Cùng với đó, tiếp tục quyết liệt, kiên trì, bền bỉ trong công tác xây dựng cảnh quan, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường, cần phát huy các thành quả rất tuyệt vời của giai đoạn trước nhưng chúng ta cần có tư duy, cách làm hiệu quả đối với việc “xanh hóa nông thôn”, làm mềm hóa các tuyến đường bê tông đã được đầu tư từ những giai đoạn trước, thay đổi tư duy đối với việc đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi…
“Bộ TN&MT giao Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030, trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và địa phương; bảo đảm tính kế thừa, tính mới, tính đột phá và tính toàn diện. Đồng thời, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với trình độ chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của từng vùng, miền, địa phương cụ thể; trao quyền nhiều hơn cho địa phương và phát huy triệt để vai trò của cộng đồng, của người dân trong công tác bảo vệ môi trường”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã tặng bằng khen của Bộ TN&MT cho 14 tập thể và 10 cá nhân trong và ngoài ngành tài nguyên và môi trường có nhiều thành tích trong việc thực hiện tiêu chí môi trường trong phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2019. |
Theo Báo TN&MT