Tuyến ống truyền dẫn cấp I qua đáy sông Hồng gồm hai tuyến ống thép chạy song song nhau có đường kính 1200mm, chiều dài mỗi ống khoảng 500m. Ống sẽ được đặt chìm trong hành lang tuyến đảo sẵn bên dưới đáy sông Hồng. Chiều sâu đặt ống trung bình ≥4,0m, với chiều dày lớp phủ tự nhiên lên trên khoảng 2,6m kết hợp với bê tông gia tải và bê tông bảo vệ ống tạo độ ổn định của tuyến ống băng sông trong quá trình vận hành. Sử dụng mối nối mềm DN1200 để kết nối với ống trước và sau điểm qua sông. Tại thời điểm hiện tại mực nước sâu nhất giữa lòng sông xấp xỉ 13 mét và lưu tốc khoảng 1m/s.
Đại diện NMNM sông Đống cho biết: Nhà thầu Liên Danh Việt đã xử lý toàn bộ các giải pháp kỹ thuật theo định hướng kiểm soát toàn bộ và liên tục suốt quá trình hạ thủy; Các chuyên gia giỏi nhất đã được huy động; các quy trình công nghệ và thiết bị được kiểm tra kỹ lưỡng. Tuyến ống được trắc dọc trên nguyên tắc theo độ dốc địa hình của dòng sông. Đoạn ống kéo qua sông đánh chìm được thiết kế với độ dốc nhỏ nhất nằm trên địa hình bằng phẳng sau khi đã ổn định phui đào. Đoạn ống hai đầu bờ được thiết kế kết nối với ống nằm dưới sông theo độ dốc thực tế của dòng sông.
Đúng 5h sáng ngày 14/10/2018, công tác hạ thủy các tuyến ống chính thức bắt đầu. Toàn bộ quá trình hạ thủy được thực hiện chính xác theo đúng trình tự: Hệ thống tời kéo và tời hãm được kết nối vào Tuyến ống để đảm bảo sự chắc chắn, ổn định trong suốt quá trình kéo Tuyến ông ra lòng sông. Tuyến ống được từ từ kéo ra phía lòng sông với tốc độ kéo khoảng 2-3m/phút; trong quá trình kéo 04 tàu đầy công suất lớn hỗ trợ đảm bảo Tuyến ống luôn thẳng, tránh các ảnh hưởng tác động tới ứng xuất do ống bị uốn cong. Sau khi toàn bộ Tuyến ống được hạ thủy hoàn toàn, các tàu neo được huy động với sự hỗ trợ của các tàu đẩy để định vị chính xác toàn tuyến ống theo đúng quỹ đạo thiết kế và phía trên hành lang đào dưới lòng sông. Hệ thống theo dõi ứng xuất biến dạng trên các mặt cắt ứng xuất dọc theo suốt chiều dài toàn tuyến ống được theo dõi và cập nhật thông tin liên tục. 11 tàu cẩu công suất lớn được huy động để neo giữ đảm bảo độ ổn định cân bằng trên suốt chiều dài tuyến ống.
Hệ thống cấp nước từ hai đầu bắt đầu được thực hiện với việc kiểm soát chặt chẽ đồng bộ quá trình xả ký tại 10 van xả khí. Đến 16h00, toàn bộ tuyến ống đã được điền đầy nước – không một bong bóng khí nào còn trong lòng ống, ứng xuất biến dạng hoàn toàn trong quá trình kiểm soát cho phép.
Bắt đầu quá trình hạ thủy, các tàu cẩu lần lượt nhận lệnh từ Chỉ huy hạ dần tuyến ống xuống đáy sông trong sự kiểm soát chặt chẽ ứng xuất các mặt cắt. 18h30 cùng ngày đã hạ thủy thành công tuyến ống đầu tiên xuống lòng sông Đuống đúng như kế hoạch và thiết kế. Tuyến ống còn lại sẽ được hạ thủy ngày 16/10 và sẽ đảm bảo thành công.
Ông Đỗ Văn Định - Giám đốc dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết: “Tuyến ống qua sông Hồng sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước liên tục với lưu lượng 200.000 - 300.000 m3/ngày đêm cho các khu vực Quận Hoàng Mai; Thanh Trì và các Quận thuộc các khu vực nội đô; nước sạch theo chuẩn Quốc gia 01/2001- BYT thay thế các nguồn nước ngầm hiện đang bị suy thoái và ô nhiễm trầm trọng góp phần cải thiện điều kiện sống; cung cấp nguồn nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn cho người dân”.
Trước đó, sáng 12/10/2018, Lễ ký kết hợp đồng Giai đoạn 1B đã diễn ra giữa đại diện Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống và đối tác Aone Deutschland AG – Strabag, CHLB Đức. Hợp đồng ký kết đảm bảo mục tiêu hoàn thành giai đoạn 1B vào ngày 10/10/2019, tiếp nối sau giai đoạn 1A, bao gồm các nội dung: Xây dựng, nâng công suất Nhà máy nước lên 300.000 m3/ngày đêm; thi công lắp đặt 15km tuyến ống truyền tải nước sạch đường kính từ DN1200-DN800 (0,8m-1,2m).
Aone Deutschland AG – Strabag là một công ty đến từ CHLB Đức, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới; vật tư thiết bị chất lượng cao theo các tiêu chuẩn G7; hiệu suất và tuổi thọ cao; thân thiện với môi trường. Đặc biệt; trong giai đoạn này, Dự án sẽ tiến hành nghiên cứu sử dụng năng lượng mặt trời nhằm giảm hiệu ứng khí thải cacbon; tiến tới nghiên cứu tái sử dụng bùn thải. |
Giai đoạn 1B của Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 03/6/2016. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1B, Dự án sẽ tiếp tục cung cấp nước sạch cho các khu vực huyện Gia Lâm; Long Biên; Sóc Sơn; Đông Anh; Hoàng Mai, Thanh Trì; Quận nội thành trung tâm và khu vực Hưng Yên. Tiếp nối giai đoạn này, Dự án NMNM sông Đuống sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 công suất đạt 900.000 m3/ ngày đêm.
Nguồn: Báo TN&MT