Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí Lãnh đạo Bộ TN&MT chủ trì Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh
Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin lược ghi ý kiến của các đại biểu để bạn đọc theo dõi.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội:“Thay đổi cơ chế, chính sách để phù hợp và phát triển”
Trong giai đoạn hiện nay, phát triển ngành tài nguyên và môi trường khó khăn hơn rất nhiều so với những năm trước bởi phát triển phải đi đôi với rất nhiều thách thức trong bảo vệ môi trường, tác động của thiên tai và sự thay đổi của thế giới.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội. Ảnh: Hoàng Minh
Hiện nay, nhận thức của thế giới về môi trường đã thay đổi, những quy định trong luật phải thay đổi để phù hợp với điều kiện hiện tại. Ngành tài nguyên và môi trường cũng cần có cơ chế, chính sách để sáng tạo và phát triển. Sử dụng có hiệu quả 1% ngân sách mà nhà nước dành cho quản lý tài nguyên môi trường.
Muốn giải quyết ba cái khó là BĐKH, nước biển dâng, sụt lún, cần cân nhắc nghiên cứu kỹ lưỡng để có giải pháp từ cấp bách đến lâu dài. Khẩn trương kết nối ứng dụng những thành quả tốt nhất trong tất cả lĩnh vực của tài nguyên môi trường như khí tượng thủy văn, quản lý đất đai, số hóa thông tin địa lý…Điều quan trọng là thay đổi để có những ứng xử mới với vấn đề tài nguyên và môi trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế: “Sự phối hợp giữa Bộ TN&MT và các Bộ ngành, địa phương là hết sức cần thiết”
Là ngành có lượng lĩnh vực quản lý rộng, trong năm qua ngành tài nguyên môi trường đã có những chuyển biến tích cực, quản lý đất có tiến bộ và đi vào nề nếp so với trước, quản lý khoáng sản, quản lý nước…có những chuyển biến, quyết sách phù hợp với sự phát triển, tăng cường hội nhập quốc tế trong sự phát triển về BĐKH.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó khiếu kiện về đất đai kéo dài, nổi cộm là khiếu kiện về quyền lợi giữa sở hữu – sử dụng – quy hoạch; ô nhiễm môi trường ước, chất thải sinh hoạt, ngổn ngang những vấn đề do đất nước phát triển…; các vấn đề về BĐKH liên quan đến phát triển đời sống. Để giải quyết vấn đề này, sự phối hợp giữa Bộ TN&MT và Bộ Y tế hết sức cần thiết bởi môi trường là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2018, 95% chất thải rắn y tế được xử lý ở bệnh viện. 100% bệnh viện cam kết xanh, sạch đẹp, thân thiện; 80% bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hài lòng với dịch vụ và không gian xanh, sạch đẹp ở bệnh viện và các cơ sở y tế.
Qua khảo sát 3.000 người bệnh tại nhiều bệnh viện trên cả nước, yếu tố khiến người bệnh kém hài lòng nhất không phải là chất lượng khám chữa bệnh hay thái độ phục vụ của y bác sĩ mà chính là… nhà vệ sinh bệnh viện. Nên có đầu mối về cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Đồng thời, đổi mới cơ chế tài chính, tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ xử lý chất thải rắn, rác thải y tế…
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội: “Phấn đấu lắp 95 trạm quan trắc không khí vào năm 2020”
Trong những năm vừa qua, Hà Nội gặp rất nhiều vấn đề thách thức về tài nguyên môi trường. Nhất là trong năm 2018. Đó là những thách thức liên quan đến vấn đề xây dựng nông thôn mới và dồn điền đổi thửa; tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở các tòa nhà chung cư; những vấn đề khiếu kiện về đất đai của người dân, có nhiều khiếu kiện kéo dài; các dịch vụ công cho người dân trong lĩnh vực đất đai…Tình trạng lấn chiếm đất công, đất rừng, đất nông nghiệp, diễn ra phức tạp.
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh
Về xử lý ô nhiễm môi trường, công tác thu gom xử lý chất thải hoàn toàn thủ công; các ao hồ, sông trên địa bàn ô nhiễm nghiêm trọng. Công tác quản lý đất đai trên địa bàn còn nhiều bất cập. Nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến ô nhiễm các dòng sông, xâm hại và sử dụng đất rừng, cạn kiệt đất rừng, bất cập trong việc giải quyết các khiếu kiện của người dân…
Đặc biệt, ô nhiễm không khí đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng của Hà Nội. Theo đánh giá của thành phố, có 2 nguồn gây ô nhiễm chính là tình trạng phá dỡ các công trình xây dựng, các công trường xây dựng, hai là lượng ô tô, xe máy lưu thông quá lớn với 5,8 triệu xe máy và 0,7 triệu ô tô.
Dự kiến đến 2020 Hà Nội sẽ có 95 trạm quan trắc không khí gồm các trạm quan trắc tầm thấp, tầm cao; lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước của các dòng sông. Nếu mục tiêu này đạt được, Hà Nội sẽ có hệ thống đánh giá không khí đầy đủ và toàn diện nhất, phục vụ việc đánh giá chất lượng không khí và tìm ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: “Điều chỉnh một số quy định trong quản lý đất đai, khoáng sản phù hợp với thực tiễn”
Xung quanh việc quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, ngoài quản lý, sử dụng đất hiệu quả; quản lý tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là tài nguyên rừng được tăng cường. Đóng cửa rừng tự nhiên là phù hợp, năm 2018 đảm bảo cả 3 tiêu chí: giảm cả về số vụ vi phạm; tiêu chí về diện thích rừng bị phá và tiêu chí về số lượng gỗ bị thiệt hại, giảm 25% trở lên.
Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Hoàng Minh
Để tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên môi trường, cần lập kế hoạch sử dụng đất. Thực chất trong quá trình triển khai tại địa phương cho thấy, kế hoạch sử dụng đất hàng năm không có hiệu quả nhiều. Những nhà đầu tư mới trong năm, tháng nào cũng có, điều kiện để phê duyệt là đã có chủ trương đầu tư mới đưa vào danh sách; nếu đợi đến Hội đồng phê duyệt họp mới phê duyệt được rất khó. Trong khi đó, một nghị quyết HĐND tỉnh nhưng 1 năm có 12 cái quyết định bổ sung, như vậy nghị quyết không còn hiệu quả.
Mặt khác, trình tự thủ tục xác định giá đất hiện nay khá dài, đề nghị Bộ TNMT báo cáo Chính phủ cho phép trình tự thủ tục xác định giá đất cụ thể đối với một số dự án có diện tích đất nhỏ. Có hướng dẫn cụ thể về trường hợp nào phải đấu giá cho thuê đấ, trường hợp miễn nào thì không phải đấu giá…Nghiên cứu Quy định về khung mức độ vi phạm để xử phạt cho phù hợp.
Hiện nay, ở địa bàn Tây Nguyên có câu chuyện lấn chiếm đất rừng và trồng cây rừng lên, nhưng khi có cơ quan đến kiểm tra thì người trồng cây rừng bỏ chạy. Cần có quy trình hướng dẫn xử lý nóng đối với trường hợp như vậy. Đồng thời, nghiên cứu thêm vấn đề xử lý san ủi mặt bằng bởi nếu như bây giờ làm nông nghiệp công nghệ cao mà để san ủi bừa bãi sẽ gây hủy hoại môi trường.
Trong lĩnh vực môi trường, một số dự án khai thác khoáng sản quy mô nhỏ, hồ sơ phục hồi môi trường do Chủ tịch tỉnh phê duyệt; trong khi hồ sơ phê duyệt thẩm định về môi trường lại do Sở Tài nguyên và môi trường phê duyệt. Vấn đề này nên điều chỉnh, ai là người phê duyệt hồ sơ phục hồi môi trường thì người đó đồng thời phê duyệt phương án cải tạo môi trường.
Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “Cụ thể hóa thành các chương trình hành động Nghị quyết 01”
3 năm gần đây ảnh hưởng của BĐKH với ĐBSCL thể hiện rõ rệt, thiên tai như lũ lụt, xâm nhập mặn, hạn hán…các vấn đề ảnh hưởng đến sản xuất. Để thích ứng với BĐKH, một trong những giải pháp quan trọng là sản xuất thích ứng với BĐKH theo vùng riêng. Chẳng hạn như, một số vùng hạn hán triển khai các hồ chứa đa chức năng để cung ứng nước cho vùng khô hạn; các chương chỉnh trị dòng chảy thích ứng với BĐKH, hạn chế sạt lở…
Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Ảnh: Hoàng Minh
Muốn phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH ở vùng ĐBSCL, cần cụ thể hóa, hình thành các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 120.
Bên cạnh đó, tháo gỡ những điểm nghẽn về đất đai và thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, chú trọng tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách về thuê đất giao cho nhà đầu tư. Theo kinh nghiệm của An Giang là nên xây dựng một đề án tạo quỹ đất, triển khai tập trung đất đai. Mặt khác, thanh kiểm tra việc sử dụng đất nông lâm trường, kể cả quỹ đất nông lâm trường do các cơ quan của Bộ Quốc phòng quản lý.
Nguồn: Báo TN&MT