Lào Cai: Tích cực áp dụng khoa học công nghệ bảo vệ môi trường

Đăng ngày: 26-06-2020 | Lượt xem: 2509
Lào Cai được biết đến là tỉnh “ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, sự phát triển kinh tế - xã hội tại Lào Cai có liên quan rất lớn tới các tỉnh phía hạ du của sông Hồng. Do vậy, những thách thức cho công tác Bảo vệ môi trường (BVMT) đặc biệt là kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố môi trường. Từ thực tiễn đó những năm qua tỉnh Lào Cai đang tích cự áp dụng khoa học và công nghệ( KH&CN) vào bảo vệ môi trường.
  • Áp dụng KH&CN trong công tác quản lý và cải thiện môi trường

Trong thời gian qua, KH&CN đã có những đóng góp tích cực vào công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cụ thể: kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án KH&CN đã cung cấp nguồn dữ liệu quan trọng về thực trạng tài nguyên, các nguồn thải trên địa bàn tỉnh, phục vụ hiệu quả cho công tác dự báo, quy hoạch và quản lý nhà nước về BVMT. Các quy hoạch lớn của ngành như: quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch BVMT, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030... đều được xây dựng trên nền tảng dữ liệu từ các đề tài nghiên cứu khoa học.

Môi trường KCN Tằng Loỏng đã được kiểm soát chặt chẽ bằng các hệ thống quan trắc online và được kiểm soát 24/24.

Là tỉnh có công nghiệp phát triển đã đặt ra những thách thức lớn đối với công tác kiểm soát các nguồn thải, đòi hỏi phải tăng cường ứng dụng những công nghệ mới, hiện đại phục vụ cho công tác quan trắc, giám sát nguồn thải. Vì vậy, tỉnh Lào Cai đã đầu tư và đưa vào vận hành Trung tâm điều hành trạm quan trắc tự động tại Sở TN&MT. Hiện nay, Trung tâm điều hành đã thực hiện kết nối truyền nhận dữ liệu 24/24h với các trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động của các đơn vị trong KCN. Nhờ vậy công tác dự báo, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, sự cố môi trường được nâng cao. Sau 3 năm triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai có 09 đơn vị đã lắp với 28 nguồn thải khí được kiểm soát.

Vấn đề chất thải trong sinh hoạt cũng được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm, theo thống kê, khối lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh và thu gom trên địa bàn tỉnh Lào Cai trung bình khoảng 460 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị là khoảng 214 tấn/ ngày, khu vực nông thôn khoảng trên 220 tấn/ngày.

Trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bên cạnh phương pháp chôn lấp, tỉnh đã nghiên cứu, chuyển giao một số công nghệ xử lý tiên tiến như công nghệ ủ phân vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ, áp dụng tại Nhà máy chế biến rác tại thành phố Lào Cai với công suất 174 tấn/ngày. Ngoài ra, các loại chế phẩm sinh học cũng được sử dụng rộng rãi để giảm thiểu mùi hôi, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tại các bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn tỉnh. Những giải pháp trên đã giúp giải quyết bài toán xử lý rác thải sinh hoạt của địa phương, góp phần tiết kiệm quỹ đất dùng cho việc chôn lấp, tận thu nguồn tài nguyên từ rác để tạo ra các sản phẩm hữu ích, có giá trị kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong BVMT.

Ứng dụng KH&CN trong kiểm soát nguồn thải BVMT được các doanh nghiệp trong tỉnh Lào Cai đồng tình hưởng ứng.

Lượng chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã tăng nhanh chóng về số lượng, với thành phần ngày càng phức tạp. Theo số liệu thống kê lượng chất thải rắn tại KCN của Lào Cai đang tồn tại là 3,9 triệu tấn và lượng chất thải phát sinh mỗi năm là 1,2 triệu tấn. để giải quyết vấn đề chất thải rắn tỉnh Lào Cai yêu cầu các đơn vị có nguồn xả thải kí kết chuyển giao nguồn thải cho các đơn vị thực hiện làm xi măng, làm gạch không nung...Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Lào Cai sẽ thực hiện kêu gọi đầu tư xây dựng 01 nhà máy thu gom, vận chuyển, phân loại và xử lý các loại rác thải cho KCN.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH&CN, cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến cũng là giải pháp quan trọng để xử lý chất thải y tế tại Lào Cai. Hiện toàn tỉnh có 6 bệnh viện tuyến tỉnh và 8 bệnh viện tuyến huyện, phát sinh lượng lớn nước thải và rác thải. Đến nay, hầu hết, các bệnh viện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế bằng KH&CN đáp ứng quy chuẩn hiện hành.

Không chỉ ứng dụng KH&CN trong xử lý chất thải, thời gian qua, tỉnh cũng triển khai các giải pháp, công nghệ tiên tiến, phù hợp để xử lý đất ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu. Theo kết quả điều tra, thống kê trên địa bàn tỉnh hàng năm sử dụng khoảng 200 tấn thuốc BVTV các loại, tập trung chủ yếu tại các vùng sản xuất cây nông nghiệp như lúa, chuối, dứa, ngô,... Số lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh khoảng 20 tấn/năm gây ảnh hưởng đến môi trường, đời sống và sức khỏe của người dân. Sở TN&MT Lào Cai đã phối hợp với các Sở/ngành, địa phương xây dựng một số dự án xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu bằng nhiều công nghệ khác nhau như hóa học kết hợp với chôn lấp và công nghệ sinh học.

Với nguồn chất thải rắn tại KCN lên đến 1,2 triệu tấn/năm, giải pháp áp dụng KH&KT vào quản lý để hạn chế ô nhiễm môi trường là việc rất cần thiết.

Giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong công tác BVMT

Bên cạnh những đóng góp tích cực trên, công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN trong BVMT tại Lào Cai vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Số lượng đề tài khoa học cấp tỉnh hàng năm về lĩnh vực BVMT ít, trình độ chuyên môn về KH&CN của cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công tác quản lý môi trường.

Lào Cai áp dụng KH&CN để quản lý môi trường thông qua Trạm quan trắc online và Trung tâm điều hành thông minh .

Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, phát triển, chuyển giao ứng dụng KH&CN trong xử lý môi trường ông Lưu Đức Cường, Chi cục Trưởng Chi cục BVMT Lào Cai cho biết, Ngoài việc lắp đặt hệ thống quản lý online tại KCN, xây dựng hệ thống điều hành thông minh về môi trường tại Sở TTTT và xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải áp dụng KH&CN. Thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung vào một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của KH&CN. Đặc biệt là các công nghệ thân thiện với môi trường để áp dụng rộng rãi và hiệu quả trong xử lý môi trường; Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý môi trường các cấp và cán bộ vận hành hệ thống xử lý môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, bệnh viện, khu, cụm công nghiệp... về ứng dụng KH&CN trong xử lý môi trường; Có chính sách thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong và ngoài nước; cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan quản lý khoa học nghiên cứu, ứng dụng KH&CN sinh học trong phát triển kinh tế và BVMT; Cập nhật, phổ biến thông tin về các công nghệ tiên tiến trong sản xuất và BVMT để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lựa chọn đầu tư.

Với những nỗ lực trong việc nâng cao hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường bằng KHCN, Lào Cai hướng tới một tương lai xanh, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với BVMT.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: