Mưu sinh mùa nước nổi ở ĐBSCL, nơi hạ nguồn sông MekongẢNH: CẢNH KỲ
Cụ thể, mực nước sông Mekong đoạn giữa nhà máy thủy điện Cảnh Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam đã giảm xuống mức đáng lo ngại.
Các quan sát về lượng mưa hằng tháng của MRC cho thấy, kể từ tháng 11 năm ngoái, lượng mưa luôn thấp hơn 25% so với mức trung bình. Dữ liệu mực nước quan sát của MRC cũng cho thấy dòng chảy tại trạm Cảnh Hồng hôm 11/2 là 775 m3/s, giảm gần một nửa so với mức bình thường (khoảng 1.400 m3/s) được ghi nhận lần cuối vào tháng 12/2020.
Vào đầu tháng 1/2021, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đã thông báo cho 4 quốc gia hạ lưu sông Mekong rằng dòng chảy từ Cảnh Hồng sẽ bị hạn chế ở mức 1.000 m3/s từ ngày 5 đến 24/1 do việc bảo trì các đường dây tải điện. Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ mực nước sông trước khi hạn chế dòng chảy cũng như khối lượng sẽ được khôi phục vào ngày 25/1. “Tiếp tục mô hình dòng chảy này có thể có tác động đến vận tải sông, di cư của cá, nông nghiệp... Để giúp các nước hạ lưu sông Mekong quản lý rủi ro hiệu quả hơn, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc và chính các nước ở hạ lưu sông Mekong chia sẻ kế hoạch xả nước của họ với chúng tôi”, Tiến sĩ Winai Wangpimool, đại diện Ban Thư ký MRC cho hay.
Cũng theo MRC, tại Chiang Saen (trạm quan trắc đầu tiên trên sông Mekong ở Thái Lan nằm cách đập Cảnh Hồng khoảng 300km) đã chứng kiến mực nước giảm mạnh (khoảng 1m) từ đầu tháng 1. Trên dòng chính sông Mekong, từ Nakhon Phanom, Mukdahan và Khong Chiam (Thái Lan) đến Thakhek, Savannakhet và Pakse (Lào), mực nước giảm 0,04-0,08m. Ở Campuchia, mực nước sông tại nhiều trạm cũng giảm đều đặn và vẫn thấp hơn mức trung bình nhiều năm kể từ đầu tháng 11/2020. Kể từ tháng 1/2021, mức giảm trung bình hằng ngày là 0,20m. Còn tại Việt Nam, hai trạm Tân Châu (sông Tiền) và Châu Đốc (sông Hậu) ghi nhận thường xuyên chịu ảnh hưởng của tác động thủy triều hằng ngày…
Do dòng chảy thấp, trầm tích sông giảm chậm và sự hiện diện của tảo dưới đáy sông, sông Mekong ở tỉnh Nakhon Phanom, phía đông bắc Thái Lan gần đây đã bắt đầu có màu xanh lam, hiện tượng từng xảy ra vào cuối năm 2019. “Cũng giống như tình hình năm 2019, hiện tượng nước xanh lam này có khả năng lan sang các đoạn khác của sông Mekong, nơi có dòng chảy thấp”, Tiến sĩ So Nam, Giám đốc Quản lý môi trường của Ban Thư ký MRC nói và cho biết thêm rằng, điều này còn một số tác động tiềm ẩn khác như giảm thức ăn cho côn trùng thủy sinh, động vật không xương sống và cá nhỏ. Đồng thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất đa dạng sinh học thủy sinh, làm giảm sản lượng đánh bắt cá và đe dọa sinh kế của cộng đồng địa phương.
Theo tienphong.vn