Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững

Đăng ngày: 17-12-2018 | Lượt xem: 860
(TN&MT)- Việt Nam xác định phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Để thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững, Quốc hội đóng...
PCT Tòng Thị Phóng

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp thứ 2 của Hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát bền vững đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 25-27/9/2015 tại New York, Mỹ. Việt Nam cam kết tập trung mọi nguồn lực, huy động sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Năm 2017, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển và 115 mục tiêu cụ thể. Một số mục tiêu không đưa vào do không phù hợp với bối cảnh và trình độ phát triển của Việt Nam.

1712 ttk lien minh nvtg

Ông Martin Chungong nhấn mạnh đến vai trò giám sát của Quốc hội. Ảnh: Việt Hùng

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Vũ Đại Thắng, thách thức đặt ra chính là huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam như: Nguồn thu của chính phủ không đáp ứng một cách bền vững các nghĩa vụ chi tiêu ngày càng gia tăng; các khoản vay ODA đang giảm dần và mức ưu đãi cũng giảm dần; mức nợ công gia tăng nhanh và gần chạm trần; đầu tư tư nhân là rất quan trọng cho thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, song còn thấp so với mức bình quân của các nước ASEAN.

Bên cạnh đó, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu được xem là một trong những phương thức quan trọng để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Theo ước tính của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam cần 5% GDP hằng năm để khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu và cần 30 tỷ USD để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh đến năm 2030. Tuy nhiên, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu mới chỉ thực hiện được một phần các Mục tiêu Phát triển bền vững.

BT Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

Theo kết quả sơ bộ của báo cáo, ước tính tổng nhu cầu vốn trên 5 lĩnh vực chính là giáo dục, y tế, giao thông nông thôn, điện, nước đến năm 2030 đạt khoảng 108 tỷ USD, trong đó khu vực công chỉ đáp ứng khoảng 75,8 tỷ USD. Như vậy, riêng đối với 5 lĩnh vực nêu trên, Việt Nam cần phải bổ sung thêm 32,3 tỷ USD. Nguồn lực này hoàn toàn có thể huy động từ khu vực tư nhân thông qua hình thức đối tác công tư (PPP), nguồn vốn ODA và các hình thức khác.

Để có thể thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững tại Việt Nam, các đại biểu tham gia Hội nghị Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững diễn ra tại Đà Nẵng đều khẳng định Quốc hội đóng vai trò then chốt thông qua các hoạt động như: Giám sát việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chính sách liên quan đến các Mục tiêu Phát triển bền vững và giám sát chi tiêu ngân sách ở cấp quốc gia và địa phương cho các chương trình, hoạt động liên quan đến các Mục tiêu Phát triển bền vững. Việc giám sát sẽ được gắn với trách nhiệm giải trình về thực hiện các chính sách và chương trình quốc gia được điều chỉnh phù hợp với các Mục tiêu Phát triển bền vững. Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cũng chính là đại diện cho người dân, chuyển tải tiếng nói của người dân trong việc giám sát các hoạt động của nhà nước.

Thứ trưởng VT Nhân

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (thứ hai bên phải) tại Hội nghị

Bên cạnh đó, vai trò giám sát của Quốc hội sẽ được tăng cường thông qua việc áp dụng Bộ công cụ tự đánh giá Nghị viện, thể hiện qua các khía cạnh như: Tăng cường năng lực của Đại biểu Quốc hội về các Mục tiêu Phát triển bền vững và vai trò giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững ở tầm quốc gia; tăng cường vai trò lập pháp của Quốc hội liên quan đến các Mục tiêu Phát triển bền vững ở cấp quốc gia và địa phương; tăng cường vai trò giám sát chi tiêu nhằm đảm bảo nguồn lực công được sử dụng hiệu quả cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, đặc biệt là cho những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội...

Chia sẻ về sự tham gia của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và các nghị viện thành viên vào quá trình xây dựng, thúc đẩy thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững, ông Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU nhấn mạnh, Việt Nam là nước đi đầu trong những nỗ lực lồng ghép các Mục tiêu Phát triển bền vững. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn để phát triển bền vững, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và nghèo đói… Do đó, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải có những hành động kiên quyết và cụ thể để giải quyết các thách thức, chú trọng sử dụng tài nguyên hợp lý để giảm nghèo cho người dân.

1712 toan canh hn

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

“Các mục tiêu phát triển bền vững không thể thực hiện nếu chỉ có những cam kết, quyết tâm chính trị rất quan trọng. Chúng ta phải luôn tự hỏi có những hành động cụ thể như thế nào để khắc phục nghèo đói, cùng cực, giải quyết các thách thức biến đổi khí hậu. Quốc hội Việt Nam với vai trò là cơ quan đại diện cho người dân cần có những cơ chế giám sát các cơ quan đại diện, nỗ lực hết sức để quan tâm đến tất cả các thành phần trong xã hội nhất là nhóm người dễ tổn thương, thực hiện các cam kết để xây dựng hành tinh tốt đẹp hơn”- ông Martin Chungong nhấn mạnh.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: