Năng lượng tái tạo giúp bảo vệ khí hậu
Theo báo cáo của các Tổ chức Khí tượng và Môi trường Liên Hợp Quốc, nồng độ CO2 trong khí quyển - nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu (BĐKH) đã liên tiếp xác lập kỷ lục trong những năm gần đây và dự báo còn tiếp tục tăng.
Năm 2018, đánh dấu 38 năm liên tiếp băng ở hai cực tan ra. Diện tích băng ở Nam Cực đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, và lần đầu tiên, khối băng dày vĩnh cửu tại miền Bắc Greenland bắt đầu rạn nứt. Dự báo, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm từ 3 - 5oC trong thế kỷ XXI, vượt xa so với mục tiêu hạn chế ở mức 1,5 - 2oC theo Thỏa thuận Paris.
Trong thông điệp phát đi nhân Ngày Khí tượng Thế giới 2019, WMO nhấn mạnh, năng lượng tái tạo (NLTT), bao gồm cả năng lượng mặt trời được lựa chọn là nguồn năng lượng của tương lai gần, nhằm thay thế nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như dầu hay than đá - nguồn phát thải CO2chủ yếu hiện nay.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, NLTT sẽ chiếm gần 2/3 nguồn bổ sung công suất điện toàn cầu đến năm 2040 nhờ chi phí đầu tư sản xuất giảm và các chính sách hỗ trợ của các Chính phủ. Tỷ lệ NLTT được dự báo tăng lên hơn 40% vào năm 2040 so với mức 25% hiện nay. Chỉ tính riêng chi phí sản xuất điện quy dẫn (LOCE), NLTT đủ sức cạnh tranh trực tiếp với năng lượng truyền thống chưa kể chi phí ngoại vi về bảo vệ môi trường, sức khỏe...
Sản xuất điện từ năng lượng mặt trời hay điện gió phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, đơn cử như các phép đo chính xác của bức xạ tới để thiết kế, thực hiện và vận hành dự án nhà máy điện mặt trời. Do đó, việc nâng cao năng lực của các cơ quan dự báo để đưa ra thông tin đáng tin cậy là điều kiện quan trọng và sẽ ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn theo đà phát triển của ngành NLTT.
Đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu (GFCS), nâng cao chất lượng, số lượng và ứng dụng thông tin khí hậu để hỗ trợ cho việc ra quyết định của các nhà sản xuất NLTT. Từ đó, khẳng định vai trò thiết yếu của khí tượng thủy văn (KTTV) trong việc giám sát hệ thống Trái đất nhằm đưa ra dự báo thời tiết hàng ngày và tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách về sự thay đổi thời tiết và BĐKH. Trong quá trình đó, cộng đồng Tổ chức Khí tượng Thế giới sẽ hỗ trợ các hành động nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản trước sự khắc nghiệt của thời tiết và xây dựng khả năng chống chịu khí hậu lâu dài.
Từ tiềm năng đến phát triển
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tiềm năng NLTT đa dạng của Việt Nam. Bức xạ mặt trời chiếm khoảng 2.000 - 5.000 giờ/năm đem lại nguồn năng lượng với tiềm năng tương đương 43,9 tỷ TOE (tấn dầu quy đổi). Trong khi đó,8,6% tổng diện tích lãnh thổ nước ta có tiềm năng gió ở mức cao đến rất cao, đứng đầu khu vực Đông Nam Á và phù hợp triển khai các tua bin gió lớn. Nhờ những cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào NLTT những năm gần đây, dự kiến công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió sẽ vào vận hành cuối năm 2019 này sẽ đạt 2.000 MW, vượt kế hoạch đặt ra trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.
Theo báo cáo của Ban kinh tế Trung ương, năng lượng gió và năng lượng mặt trời có thể cung cấp 2/3 nhu cầu điện của toàn bộ hệ thống điện của Việt Nam vào năm 2030. Đáng chú ý, việc tăng tỷ trọng của NLTT sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia bền vững nhờ giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước ngoài, cả về than và nhập khẩu năng lượng trực tiếp.
Vì các trung tâm phụ tải lớn đều nằm ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam nên việc tận dụng tiềm năng của các nguồn NLTT ở Việt Nam cần đi cùng với mở rộng mạng lưới truyền tải điện, phù hợp với vị trí phân bổ tiềm năng của các loại hình NLTT trên cả nước. Nếu làm được điều này, chi phí LOCE của cả hệ thống điện Việt Nam có thể giảm tới 10% nhờ giảm tổn thất truyền dẫn từ các nguồn điện tái tạo phi tập trung trong toàn hệ thống.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, để phát triển năng lượng tái tạo cần phân tích, tính toán để đưa ra lộ trình nhằm khai thác một cách hiệu quả các dự án theo từng giai đoạn của đất nước. Đồng thời, xem xét tới khả năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất thiết bị NLTT để tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm giá thành.
Phát triển NLTT theo cơ chế thị trường công khai, minh bạch, hiệu quả trên cơ sở nghiên cứu, chuyển đổi từ cơ chế khuyến khích theo giá FIT sang cơ chế đấu giá các dự án. Mặc dù, có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển NLTT, song ông Vượng cho biết, do nhu cầu sử dụng năng lượng (điện) tăng cao, mỗi năm, khoảng 10%. Việc cần phải có cơ cấu các nguồn điện hợp lý vì thế cần thiết, gồm các nguồn thủy điện, NLTT, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu.
Thời gian tới, chủ trương của Chính phủ khai thác nguồn năng lượng sơ cấp, NLTT, cụ thể là điện gió và điện mặt trời. Song, vẫn phải phát triển ở mức độ hợp lý các loại năng lượng truyền thống, đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước.
Theo Báo TN&MT