Ngăn chặn tại nguồn

Đăng ngày: 03-12-2018 | Lượt xem: 1115
Ô nhiễm bụi từ công trình xây dựng không còn là câu chuyện mới tại các đô thị, nhất là các đô thị lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Vấn đề ở đây là tại sao các quy định về bảo đảm...

Trước hết về quy định, các công trình xây dựng đều phải có hệ thống che chắn bụi, có biện pháp thi công bảo đảm hạn chế phát tán bụi; phương tiện ra vào công trình phải che đậy kín, phun rửa sạch...

Mới nhất, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 02/2018/TT-BXD (ngày 6-2-2018) quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng, bổ sung thêm quy định trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu, như: Phải lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường, bố trí nhân sự phụ trách về môi trường, giám sát nhà thầu tuân thủ quy định...

ô nhiễm bụi

Ảnh minh họa

Để giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực này, có Thanh tra Xây dựng (đối với công trình), Thanh tra Giao thông (đối với phương tiện ra vào công trình gây bụi bẩn) và chính quyền địa phương.

Thế nhưng, thực tế không khó bắt gặp những công trình xây dựng lớn không hề được che chắn bụi theo quy định; hoặc lưới che rách nát, có cũng như không. Vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng tràn ra và lưu cữu trên vỉa hè. Phương tiện ra vào công trường không được phun rửa, che chắn; bùn đất từ phương tiện vận chuyển rơi vãi trên đường không được dọn rửa...

Hậu quả là bụi trở thành nỗi ám ảnh với những ai sinh sống gần các công trình xây dựng lớn hay thường xuyên phải đi qua khu vực có nhiều công trình đang thi công. Bụi theo gió phát tán, trở thành một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đô thị.

Rõ ràng, trong câu chuyện bụi bẩn phát tán từ các công trình xây dựng, nguyên nhân đầu tiên là chủ đầu tư, nhà thầu thi công chưa làm tròn trách nhiệm, chưa tuân thủ đúng quy định. Cùng với đó, việc kiểm tra, xử lý cũng chưa "tới nơi tới chốn", thiếu triệt để, nhằm buộc các chủ thể liên quan phải thực hiện đúng quy định.

Ngăn chặn tình trạng trên, không ai khác chính các chủ thể tham gia xây dựng phải ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về trật tự xây dựng nói chung, kiểm soát phát tán chất thải, ô nhiễm nói riêng.

Chỉ khi các chủ thể tham gia xây dựng có ý thức, có trách nhiệm, tuân thủ đúng quy định, công trình được che chắn cẩn thận, phương tiện ra vào công trình được phun rửa sạch sẽ trước khi lưu thông trên đường, câu chuyện bụi bẩn phát tán từ công trình xây dựng mới được ngăn chặn, kiểm soát tại nguồn. Còn ngược lại, ô nhiễm bụi sẽ vẫn là nỗi ám ảnh, là câu chuyện dài đối với các đô thị.

Để các chủ thể tham gia xây dựng có ý thức hơn và góp phần ngăn chặn nguồn ô nhiễm, cơ quan chức năng (Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải, chính quyền địa phương) cũng phải làm tốt công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý nghiêm túc, minh bạch, kịp thời mọi vi phạm, tránh tình trạng để doanh nghiệp "nhờn luật" vì phạt nhẹ hay vì "xin - cho".

Đối với phương tiện vận tải chuyển nguyên vật liệu gây bẩn đường phố, nên xem xét cả trách nhiệm của doanh nghiệp chủ quản, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, rút giấy phép kinh doanh nếu có nhiều phương tiện vi phạm hoặc tái phạm nhiều lần.

Vừa qua vi phạm trật tự xây dựng, đô thị trên địa bàn TP Hà Nội giảm đáng kể nhờ quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu để xảy ra vi phạm. Vì vậy, cũng nên áp dụng quy định này trong xử lý tình trạng ô nhiễm, nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan chức năng, hạn chế việc xử lý không "tới nơi tới chốn".

Nguồn: HNMO

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: