Ngày Môi trường thế giới năm 2021 - Phục hồi hệ sinh thái

Đăng ngày: 04-06-2021 | Lượt xem: 7835
Hưởng ứng Công văn số 2298/BTNMT-TTTMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan Trung ương của các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Các Hiệp hội doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước về việc tổ chức các hoạt động của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021.

Nhiều năm qua, các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) ở Việt Nam đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, nguồn nước và sinh kế bền vững cho người dân. Năm 2021, chủ đề Ngày Môi trường thế giới được Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) lựa chọn là “Phục hồi hệ sinh thái” và chủ đề Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học được Liên hợp quốc lựa chọn là “Chúng ta là một phần của giải pháp – Vì thiên nhiên”.

Tại Việt Nam, nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021; căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế tại thời điểm tổ chức, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp tổ chức các hoạt động, cụ thể như sau:

Triển khai thực hiện đồng bộ các chiến lược, đề án, nhiệm vụ và giải pháp về nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững; áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng.

Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; Quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Công văn cũng nêu, hiện nay, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp nên các cơ quan, đơn vị cần căn cứ vào tình hình thực tế, tổ chức tuyên truyền phù hợp với quy định hiện hành về phòng, chống dịch (sáng tạo, đổi mới cách thức thực hiện, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin) về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 theo hướng thực hiện mục tiêu kép, gắn với phòng chống dịch bệnh COVID-19; có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng và để kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cụ thể:

Có thể tổ chức các hội thảo, tọa đàm (nên theo hình thức trực tuyến) như: Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; giới thiệu các mô hình, giải pháp phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền về Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ...;

Tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế như: Làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng không sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần;

Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng;

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc: (i) không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; (ii) không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; (iii) xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương;

Khuyến khích treo băng rôn, pano, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp;

Các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài phát thanh, truyền hình tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021;

Giới thiệu các hoạt động nổi bật, phổ biến các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả, đăng tải trên cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng.

Phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tạp chí Khí tượng thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: