Hàng năm, Liên Hợp Quốc chọn các chủ đề khác nhau cho Ngày Nước thế giới nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
2/3 diện tích rừng trên thế giới đã bị suy giảm
Theo UN-Water, chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2018 có chủ đề là “Nước với Thiên nhiên” nhằm kêu gọi cộng đồng ứng dụng các giải pháp sẵn có trong tự nhiên để giải quyết các vấn đề thách thức về tài nguyên nước trong thế kỷ 21 trên toàn cầu.
Chúng ta đều biết, lũ lụt, hạn hán và ô nhiễm tài nguyên nước đang ngày càng nghiêm trọng do các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước chưa bền vững cùng với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Dựa vào tự nhiên để quản lý và bảo vệ tài nguyên nước là một giải pháp hữu hiệu giúp giải quyết, ứng phó với các thách thức này đồng thời giúp đạt được mục tiêu phát triển bền vững “Đảm bảo nguồn cung cấp và quản lý bền vững tài nguyên nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người”.
Khoảng 1,9 tỷ người trên thế giới đang sinh sống ở những vùng khan hiếm nước
Nói về sự tác động của nguồn tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết: Nước là một phần thiết yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng liên quan đến nguồn nước trên phạm vi toàn cầu mà nguyên nhân chính là do suy giảm hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu sẽ tác động nặng nề đến đời sống, sản xuất, môi trường, hạ tầng cơ sở, sức khỏe cộng đồng ở nước ta.
Tác động của biến đổi khí hậu lên tài nguyên nước biểu hiện chủ yếu dưới hai dạng là nước biển dâng và hiện tượng cực đoan của thiên tai, bao gồm cả lũ, bão, hạn, kiệt.
Theo Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nguồn tài nguyên nước của nước ta, trong đó có thể kể đến một số tác động. Đó là, gây nên tình trạng khan hiếm nguồn nước trong mùa khô, gây hạn hán, và quá dư thừa trong mùa mưa gây lũ lụt. Nguồn nước ngầm bị suy giảm do thiếu nguồn bổ sung. Sự thay đổi về lượng mưa và diễn biến bất thường và các hoạt động của con người làm thay đổi chế độ dòng chảy trong sông, suối, tần suất và cường độ xảy ra lũ lụt và hạn hán ngày càng nghiêm trọng.
Bạn có biết có tới 2/3 diện tích đất ngập nước tự nhiên đã biến mất từ năm 1900?
Đó là chưa kể, hạn hán kéo dài gây suy giảm và cạn kiệt nguồn nước, dẫn đến thiếu nước cho sinh hoạt, sản xuất, giao thông thủy,…gây bất ổn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh, kinh tế
Ông Châu Trần Vĩnh cảnh báo: Việc khai thác tài nguyên nước quá mức gây ra tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước như việc tích nước trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở thượng lưu làm giảm lượng nước chảy xuống hạ lưu; hay nhiều dòng sông bị ô nhiễm do các hoạt động xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn của các nhà máy, cơ sở sản xuất,......
Để giải quyết vấn đề trên, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh, bổ sung các quy định về pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tế trong tình hình mới như: hạn chế khai thác nước dưới đất, quy hoạch tài nguyên nước, cơ chế phối hợp vận hành liên hồ chứa trên một số lưu vực sông...
Bạn có biết hàng năm có hơn 40 tỷ tấn đất phủ sa bị rửa trôi theo dòng nước?
Thời gian tới, Cục sẽ tập trung chủ yếu vào việc triển khai các chính sách, biện pháp quản lý tổng hợp TNN đó vào cuộc sống, nhất là các chính sách mới như: Tổ chức phê duyệt để thực hiện việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, bổ sung nguồn lực cho ngân sách. Triển khai thực hiện việc đánh giá và công bố khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước sông, hồ làm căn cứ để kiểm soát các hoạt động xả nước thải vào sông hồ ngay từ khâu quy hoạch, chuẩn bị, xây dựng dự án.
Triển khai thực hiện việc xác định và công bố dòng chảy tối thiểu trên sông và hạ du các hồ chứa nhằm hạn chế tình trạng khai thác nước quá mức, không trả lại nước cho sông suối, tạo ra các đoạn sông, suối chết.
Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến nguồn nước để chỉ đạo, đôn đốc các việc vận hành các hồ chứa lớn quan trọng trên 11 lưu vực sông phối hợp vận hành đúng theo quy trình liên hồ, bảo đảm cấp đủ nước cho hạ du trong mùa cạn, phòng chống lũ cho hah du và phát điện hiệu quả.
Bạn có biết 2,1tỷ người không thể tiếp cận với dịch vụ cấp nước uống an toàn?
Xây dựng hệ thống giám sát tự động trực tuyến việc vận hành xả nước của các hồ chứa thủy điện, các công trình khai thác nước; quy hoạch tài nguyên nước, điều tra cơ bản và quan trắc, dự báo nguồn nước, nhất là diễn biến nguồn nước trên các sông liên quốc gia....; công tác thanh tra, kiểm tra. Thành lập và đưa các ủy ban lưu vực sông vào hoạt động để tăng cường cơ chế điều phối, giám sát và phối hợp trên các lưu vực sông.
Đặc biệt, sau chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm Ngày nước Thế giới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sự dụng nước tiêt kiệm, hiệu quả, bảo vệ nguồn nước đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư; Tăng cường, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước nhằm chấn chỉnh ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, đề cao vai trò giám sát của người dân trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi, sự cố gây ô nhiễm nguồn nước ngay từ khi mới xuất hiện./.