Báo cáo từ Hội nghị khoa học sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24 - NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương vừa diễn ra cho thấy, các nhà khoa học đã triển khai được các mô hình có hiệu quả cao như: Xử lý nước thải thạch dừa ở Bến tre, mô hình sử dụng giải pháp tách dòng, tái sử dụng nước thải trong quy trình sản xuất, đảm bảo nước thải có nồng độ chất ô nhiễm thấp, xử lý được bằng công nghệ đơn giản, có chi phí đầu tư và vận hành thấp.
Bên cạnh đó, công trình Sinh thái bền vững cho các hộ làm nghề sản xuất tinh bột kết hợp chăn nuôi cùng các giải pháp thu hồi khí gas, tách chất thải để giảm tải chất lượng ô nhiễm, ứng dụng kỹ thuật sinh thái để xử lý chất thải có chi phí đầu tư và vận hành thấp, áp dụng tại xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
Nằm trong hệ thống các công trình nghiên cứu phục vụ sản xuất sạch hơn còn có mô hình Giảm thiểu và xử lý ô nhiễm nhuộm chiếu cùng giải pháp chuyển đổi năng lượng, xử lý chấ thải theo hướng sinh thái (nước thải và chất thải rắn sản xuất). Công suất hệ thống xử lý nước thải đạt 1.5 - 2.0 m3/ngày, giảm thiểu ô nhiễm 70% cho các chỉ tiêu COD, độ màu; các mô hình xử lý nước thải đã cho ra đời các ản phẩm rất có giá trị, việc đăng ký sở hữu trí tuệ của các đề tài đều vượt yêu cầu.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công nhiều công trình giúp bảo vệ môi trường. Ảnh: MH
Các sản phẩm của chương trình cũng có nhiều loại đã nhận được các đơn đặt hàng và phản ứng tích cực từ phía người sử dụng như sản phẩm thiết bị lọc nước giếng khoan tuầng hoan NUSA - CWSA, nước sau lọc đạt QCVN 02/2009/BYT và bình lọc nước kiềm tính NUSA - BLK lọc nước ăn uống trực tiếp, đạt QCVN6 -10/BYT nước đóng chai. Hai sản phẩm trên đã được thương mại hóa và có đơn đặt hàng với số lượng 5.000 sản phẩm của dự án. Riêng thiết bị lọc nước bằng lõi tham đang tiến hành hàng loạt các thí nghiệm để xác định hình dáng, mẫu mã và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và tuổi thọ.
Ở hướng nghiên cứu xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi cũng đạt được nhiều thành tựu như: Xây dựng quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh vật xử lý chất thải rắn thành phân vi sinh. Chế phẩm vi sinh vật ưa nhiệt dùng ủ xử lý phân lợn, bãi thải rắn vẫ bảo đảm an toàn sinh họcgiảm thời gian ủ phân, giảm mùi hôi và vi sinh gây bệnh trong phân và còn tạo việc làm cho người dân địa phương. Công nghệ này đã được áp dụng cho các trang trại chăn nuôi lợn. Mô hình đã xây dựng được quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh dạng bột xử lý chất thải chăn nuôi quy mô 100 - 1.000kg.
Các nhà khoa học cũng tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ thân thiện môi trường trong xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp áp dụng với quy mô nhỏ phù hợp với điều kiện Việt Nam, đã thử nghiệm mô hình xử lý nước sông, hồ bị ô nhiễm, tăng cường hiệu quả xử lý ni tơ, hỗ trợ cho các quá trình sinh học kết hợp với hệ thống bãi lọc trồng cây nhận tạo, tạo cảnh quan môi trường.
Bên cạnh đó, có nhiều công trình khoa học phân tích, làm rõ những hạn chế dẫn tới phát triển thủy sản thiếu bền vững ở nước ta trong những năm qua, đề xuất được quy trình nuôi tôm bền vững tại hải Hậu, Nam Định và mô hình mẫu nuôi cá tra tại Đồng Tháp. Chế tạo thành công chế phẩm sinh học BK - BIOLEACHATE và quy trình sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý các hợp chất các bon khó phân hủy, ni tơ, phot pho và lưu huỳnh trong nước rỉ rác, phân vi sinh thu hồi từ quá trình kết tủa ni tơ và quy trình ô xy hóa BK - PHOTOXYD để xử lý các chất hữu cơ khó phân hủy trong nước rỉ rác.
Các công trình nghiên cứu khoa học này đã và đang mang lại sự thay đổi lớn về công nghệ và ứng dụng công nghệ trong việc sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường và là giải pháp căn cơ cho nhiều ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi ở nước ta hiện nay; hỗ trợ tích cực vào công cuộc giảm phát thải các bon, hạn chế sự nóng lên của trái đất, ứng phó biến đổi khí hậu.
Nguồn: Báo TN&MT