Nguy cơ rủi ro do thiên tai về nước gây ra: Nhiều mối đe dọa

Đăng ngày: 11-06-2019 | Lượt xem: 2367
Sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam, kết hợp với các mối đe dọa do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), đã tạo ra nhiều áp lực, đặc biệt là lũ lụt, ô nhiễm ngày càng gia tăng và cạnh tranh giữa các ngành sử dụng nước trong mùa khô. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng, tài nguyên nước ở Việt Nam đang đối mặt với quá nhiều mối đe dọa: Quá bẩn, quá ít và quá nhiều nguồn quản lý.
T8c
Phần lớn, nước thải từ các hộ sản xuất làng nghề chưa qua xử lý. Ảnh: MH

Quá bẩn - ô nhiễm

Theo đánh giá của WB, ô nhiễm nước đang nổi lên là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế. Mô hình kinh tế được xây dựng phục vụ nghiên cứu này cho thấy, mối đe dọa chính là tác động của nguồn nước ô nhiễm lên sức khỏe con người, có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035. Tác động nhỏ hơn khoảng 0,8% tới năng suất lúa là do ảnh hưởng của chất lượng nước kém. Mô hình này chưa tính đến hậu quả kinh tế do các hình thức ô nhiễm nước khác, bao gồm cả tình trạng xâm nhập mặn của nguồn nước mặt và nước dưới đất.

Quá trình đô thị nhanh chóng là nguyên nhân gây gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Nước thải công nghiệp và đô thị là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước lớn nhất. Chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị có đầu nối vào đường ống thoát nước và chỉ 12,5% nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước (Bộ Xây dựng 2019). Trong 15 năm tới, nước thải đô thị dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất của nước thải (khoảng 60%). Nước thải công nghiệp sẽ chiếm 25% - 28%  và nước thải nông thôn là 12% - 15%.

Nhiều nguồn nước thải công nghiệp không qua xử lý xả vào môi trường. Tính đến cuối năm 2018, các hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ xử lý được khoảng 71% lượng nước thải công nghiệp.

Ngành nông nghiệp cũng đóng góp một lượng lớn chất thải từ phân bón, mầm bệnh và dược phẩm dùng trong chăn nuôi. 80% của tổng số 84,5 triệu tấn chất thải chăn nuôi tạo ra mỗi năm được thải vào môi trường không qua xử lý. Chất thải chăn nuôi mang chất dinh dưỡng, mầm bệnh và các hợp chất dễ bay hơi là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất. Việc áp dụng kỹ thuật thâm canh càng khiến tình trạng ô nhiễm tăng mạnh do phân bón và thuốc trừ sâu. Mặc dù, chưa có nhiều kết quả quan trắc nhưng các bằng chứng trên phạm vi toàn cầu đề khẳng định về tác hại to lớn của ô nhiễm đối với sức khỏe và năng suất. Nuôi trồng thủy sản - một ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam cũng là ngành gây ô nhiễm cao. Khung pháp lý cũng như các quy định về an toàn thực phẩm hiện có dường như chưa đủ để ngăn chặn các chất thải có hại xả ra từ các hồ/lồng bè nuôi cá.

Thiệt hại cao do ô nhiễm nước gây ra. Do các hoạt động kinh tế, không có lưu vực sông nào có nguồn nước mặt đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh của WHO dành cho nước uống. Các đoạn sông chảy qua các thành phố lớn, như sông Tô Lịch, sông Sét và sông Kim Ngưu chảy qua Hà Nội bị ô nhiễm nặng - gây lãng phí nguồn tài nguyên, rủi ro cho sức khỏe con người và các hệ sinh thái tự nhiên. Mức độ ô nhiễm cao cũng hạn chế sự phát triển đô thị, sự phát triển bền vững và tương lai của ngành công nghiệp, nông nghiệp. Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4 - 18,6 triệu đô la mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời. Tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam, ước tính chi phí này cho năm 2010 là 867 triệu đô la Mỹ.

Qua ít - đầu tư và sự tuân thủ

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm nguồn nước mà WB chỉ ra là, do thiếu đầu tư vào thu gom và xử lý nước thải. Đến cuối năm 2018, có 326 khu công nghiệp trên cả nước, trong đó, có 251 khu công nghiệp đang hoạt động. Trong số đó, có 220 khu công nghiệp chiếm 88% đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (Bộ KH&ĐT 2019). Tuy vậy, các hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp chỉ xử lý được khoảng 71% lượng nước thải phát sinh. Trong tổng số 587 cụm công nghiệp theo quy hoạch đã đi vào hoạt động, chỉ có 55 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải chung (chiếm 9,4%). Phần lớn, nước thải từ các hộ sản xuất trong hơn 5.000 làng nghề chưa qua xử lý cùng nước thải sinh hoạt được xả vào hệ thống thoát nước mặt. Ngoài ra, một số cơ sở công nghiệp lớn nằm ngoài các khu công nghiệp khám chữa bệnh tư nhân nằm rải rác chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Khung pháp lý về cơ bản là phù hợp, nhưng thực tại không đồng đều. Khung pháp lý đã được thiết lập, bao gồm các quy định về quản lý nước thải, nhưng việc triển khai thực hiện trên thực tế vẫn là một thách thức. Theo Thông tư 35/2015/TT-BTNMT, các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải đấu nối với cơ sở xử lý nước thải tập trung  trong khu công nghiệp. Tuy vậy, một số cơ sở được miễn trừ quy định này trong các trường hợp: Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định, đồng thời, việc đấu vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp tạo chi phí bất hợp lý cho cơ sở. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải vượt quá khả năng tiếp nhận, xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung  khu công nghiệp, đồng thời, cơ sở có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp mà khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đồng thời, cơ sở có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (Điều 9, Điểm 4). Tuy vậy, việc miễn trừ này tạo nhiều khó khăn trong kiểm tra và giám sát nước thải phát sinh từ các cơ sở được miễn trừ (Bộ KH&ĐT 2019).

Đối với nước thải công nghiệp, đã có quy định về phí bảo vệ môi trường theo Nghị định 154/2016/NĐ-CP. Phí bảo vệ môi trường gồm: phần cố định 1,5 triệu đồng và phần biến đổi áp dụng khi xả thải lớn hơn 20m3/ngày. Hiện, chưa có nghiên cứu về hiệu quả của phí bảo vệ môi trường trong việc khuyến khích các chủ nguồn thải đầu tư xử lý nước thải. Tuy vậy, tình trạng gia tăng ô nhiễm từ các nguồn thải có thể gợi ý rằng tác dụng của phí còn hạn chế.

Quá nhiều - quản lý dòng chảy từ bên ngoài biên giới

Hầu hết, các con sông lớn của Việt Nam có nguồn gốc từ các nước lân cận, do vậy, tài nguyên nước của Việt Nam dễ bị tổn thương do những hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn. Tài nguyên nước Việt Nam phụ thuộc vào các con sông quốc tế với hơn 60% tổng dòng chảy nước mặt trung bình hàng năm chảy vào từ các quốc gia thượng nguồn. Hai trong số các con sông quan trọng nhất của nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới từ các nước láng giềng. Gần 95% lượng nước của sông Mê Kông bắt nguồn từ ngoài biên giới, đến Việt Nam thông qua Campuchia và 40% của sông Hồng có nguồn gốc ở Trung Quốc (ADB 2009). Việt Nam nằm ở thượng nguồn sông Sê San và Srê-pốk, chảy vào Campuchia. Các quốc gia ven sông sử dụng nước cần có sự phối hợp về các vấn đề quan tâm chung, bao gồm các hoạt động khai thác nước, ô nhiễm và phát triển đập thủy điện.

WB cảnh báo, nếu không có hành động can thiệp để ngăn chặn các mối đe dọa này, nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm từ năm 2035 so với kịch bản không có các mối đe dọa. Những mối đe dọa này cần được giải quyết để đảm bảo có được nước an toàn và đầy đủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: