Dù đã giữa tháng 9 nhưng nguồn nước cấp cho các hệ thống cấp nước sinh hoạt vẫn cạn kiệt. Song nhờ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, đặc biệt là đấu nối các hệ thống cấp nước với nhau nên tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt đã giảm.
Hồ thủy lợi Tân Giang nằm trên địa bàn huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) có dung tích thiết kế 13,4 triệu m3 nước, năm nay khô hạn kéo dài đến giữa tháng 9 nên hồ nằm trơ đáy. Trong khi đó, hệ thống cấp sinh hoạt tập trung thôn Hậu Sanh, hệ thống cấp nước các xã Phước Hà, Nhị Hà được lấy nước nguồn từ hồ Tân Giang.
Nhờ các hệ thống cấp nước tập trung được đấu nối với nhau nên tại Ninh Thuận mùa khô này không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: MP
Ông Nguyễn Văn Hoàng, GĐ Trung tâm NS- VSMTNT Ninh Thuận cho biết: Từ đầu tháng 8 đến nay hồ Tân Giang hết nước, các hệ thống cấp nước sinh hoạt “ăn” nước từ hồ này lẽ ra ngưng hoạt động, cùng với đó là 6.000 nhân khẩu của 2 xã trên có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên toàn bộ người dân các xã vẫn được cung cấp nước sinh hoạt đầy đủ. Đây quả là điều kỳ diệu.
Có được kết quả này là những năm trước đây, Trung tâm đã đấu nối 3 hệ thống cấp nước trên với hệ thống cấp nước Hữu Đức của huyện Ninh Phước, do vậy khi các hệ thống lấy nước từ hồ Tân Giang không có nước thì Trung tâm sử dụng bơm tăng áp để bơm nước từ hệ thống cấp nước Hữu Đức đến các hệ thống cấp nước trên để cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Không chỉ tại Thuận Nam, các trạm cấp nước tại các huyện Thuận Bắc, Ninh Sơn cũng cạn kiệt nguồn nước. Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Chưa bao giờ dòng suối thôn Tập Lá, xã Phước Chiến ngừng chảy nhưng năm nay thì khác, từ đầu tháng 8 đến giờ suối cạn trơ đáy. Hệ thống cấp nước sinh hoạt Tập Lá hết nước nhưng nhờ được đấu nối liên thông với các hệ thống cấp nước khác nên vẫn đảm bảo đủ nước cho người dân.
Tuy nhiên, điều đặc biệt chưa từng xảy ra đối với Ninh Thuận đó là hồ chứa nước Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng bị cạn nước từ cuối tháng 8/2018. Hồ này cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Đa Nhim, sau đó sẽ cung cấp nước tưới và sinh hoạt cho nhiều vùng của tỉnh Ninh Thuận.
Do hồ Đơn Dương cạn kiệt nguồn nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình cấp nước cho nhiều hệ thống cấp nước sinh hoạt, cụ thể như hệ thống cấp nước Hòa Sơn, Trà Giang, Lương Sơn, Tân Lập của huyện Ninh Sơn. Cũng nhờ các công trình này đấu nối với hệ thống cấp nước Phước Tân của huyện Bác Ái nên đã không xảy ra tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Hiện nay Trung tâm quản lý, khai thác 38 hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, được xây dựng tại hầu hết các vùng nông thôn trong tỉnh, kể cả các xã miền núi. Nhờ quản lý vận hành tốt, thường xuyên bảo dưỡng nên các hệ thống cấp nước đều phát huy hiệu quả cao. Tại Ninh Thuận đã có trên 92% người dân nông thôn dùng nước hợp vệ sinh, trong đó có 64% dân số được cấp nước sạch đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế.
“Chúng tôi nhận thấy một số hệ thống cấp nước tập trung có thể bị cạn kiệt nguồn nước cấp, do đó trong nhiều năm cùng với đầu tư xây dựng các công trình mới, chúng tôi đã đầu tư kinh phí để đấu nối liên thông giữa các hệ thống cấp nước với nhau nhằm "cứu" các công trình hết nước. Đến nay đã có 18 công trình được đối nối liên thông, nên giữa mùa khô kéo dài và hạn hán trên diện rộng như năm nay, nhiều công trình hết nước nguồn nhưng người dân vẫn không thiếu nước sinh hoạt”, ông Hoàng chia sẻ.
Để đảm bảo đủ nước phục vụ sinh hoạt, Trung tâm NS- VSMTNT Ninh Thuận đã triển khai phương án chống hạn và cấp nước sinh hoạt cho từng địa bàn, củng cố BCĐ chống hạn của Trung tâm, trực 24/24; chuẩn bị vật tư, nhân lực để khắc phục ngay các sự cố, giảm thiểu mất nước; tổ chức bảo dưỡng định kỳ thiết bị máy bơm, dự phòng thêm một số máy bơm ở các trạm để tăng công suất bơm nước tại các hồ dưới mực nước chết; vận động người dân bắt nước vào nhà, sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên trước hết cho sinh hoạt, bảo vệ nguồn nước… |