Sơn La tiếp tục đặt ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 là phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt do chế biến nông sản
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT
Nhằm nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp về BVMT, trong năm 2020, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về môi trường tiếp tục được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Sở TN&MT đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về BVMT trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua việc hưởng ứng các ngày lễ về môi trường và các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật BVMT.
Sở TN&MT đã ban hành 24.800 tờ rơi tuyên truyền đến các huyện, thành phố để nâng cao nhận thức cho người dân về phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn. Tái xuất bản hơn 1.500 cuốn sổ tay hướng dẫn thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV và thực hiện tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng NTM.
Tổ chức 3 hội nghị tập huấn liên quan đến lĩnh vực môi trường cho cán bộ Phòng TN&MT các huyện, thành phố và cán bộ địa chính cấp xã; các đơn vị có hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, chăn nuôi, nông sản… Qua đó, đã kịp thời hướng dẫn các chủ cơ sở, sản xuất, kinh doanh các quy định BVMT trong khai thác khoáng sản, chăn nuôi, chế biến nông sản và kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ công tác bảo vệ môi trường, đất đai, khoáng sản cho cán bộ cấp huyện, cấp xã. |
Cùng với đó, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt 12 Báo cáo đánh giá tác động môi trường, 4 phương án cải tạo phục hồi môi trường; cấp 5 giấy xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, 5 sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH và thông báo cho phép vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải cho 5 dự án.
Thực hiện thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT, đã tiến hành 48 cuộc thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 84 tổ chức, cá nhân với tổng tiền phạt hơn 2,6 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu gồm: Thực hiện chưa đầy đủ tần suất quan trắc, giám sát chất lượng môi trường; chưa đầu tư, hoàn thiện các công trình xử lý môi trường theo báo cáo ĐTM được phê duyệt; chưa lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; không lập kế hoạch bảo vệ môi trường…
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 25/CT-TTg về BVMT
Có thể nói, năm 2020, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ trên các mặt, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đã phát hiện và kịp thời xử lý nhiều vụ việc, cơ sở có dấu hiệu ô nhiễm, các điểm nóng về môi trường. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, toàn ngành TN&MT Sơn La hiện có 226 cán bộ quản lý nhà nước về BVMT, trong đó, cấp tỉnh 10, cấp huyện 12 và 204 công chức Địa chính – Xây dựng – Môi trường cấp xã. Ở mỗi xã và cấp huyện chỉ bố trí 1 cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ BVMT; đa số cán bộ cấp xã không được đào tạo chuyên ngành về môi trường, kiến thức, kinh nghiệm về BVMT còn hạn chế, dẫn đến công tác quản lý nhà nước về môi trường chưa được quan tâm đúng mức.
Công tác giám sát, quản lý xả nước thải còn chưa đảm bảo, vẫn có tình trạng xả thải chưa qua xử lý vào nguồn nước trái phép, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước tại huyện Thuận Châu, Mai Sơn, TP Sơn La, dẫn đến tình trạng mất nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố do ô nhiễm nguồn nước cấp vào tháng 12/2020.
Năm 2021, tỉnh Sơn La tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về BVMT. Xây dựng mô hình về BVMT có sự tham gia của cộng đồng.
Tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường |
Đặc biệt, đổi mới công tác quản lý môi trường, chuyển từ bị động giải quyết, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm môi trường. Trọng tâm là phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt do sơ chế, chế biến cà phê, các cơ sở sản xuất chế biến nông sản, cơ sở chăn nuôi; thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ thuốc BVTV sau sử dụng.
Tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT; vận hành hiệu quả đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, nỗ lực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chi tiết các nội dung được giao tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để làm căn cứ triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Hoàn thành nhiều chương trình, dự án về bảo vệ môi trường
Năm 2020, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều chương trình, dự án về công tác BVMT. Trong đó, Dự án hệ thống cấp thoát nước thải đô thị Mộc Châu, công suất 4.500m3/ngày đêm đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng, xử lý được 53% lượng nước thải sinh hoạt phát sinh. Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Sơn La, công suất 6.857m3/ngày đêm đã đi vào hoạt động, góp phần xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn.
Hoàn thành nhiệm vụ: Đánh giá khí hậu tỉnh Sơn La; Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020; Điều tra thống kê toàn bộ nguồn thải trên địa bàn; Điều tra, đánh giá sinh vật ngoại lai xâm hại…
Đang tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng đề án nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về BĐKH; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về môi trường và đa dạng sinh học; Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vùng nông thôn; Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP Sơn La..
Về các chỉ tiêu môi trường, tới hết năm 2020, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt 90,5%; tỷ lệ chất thải rắn nông thôn được thu gom đạt 75%; tỷ lệ rác thải y tế được xử lý đạt 99,38% (chất thải nguy hại không lây nhiễm) và 98,87% (chất thải lây nhiễm); tỷ lệ nước thải y tế được xử lý đạt 90,6%; có 12 bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh…
Theo Báo TN&MT