Tham dự buổi lễ có lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng các sở, ngành của tỉnh Thái Nguyên và đông đảo doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn đã đến tham gia, hưởng ứng.
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các ngành, các cấp của tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trong Đề án Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên, cụ thể như: Phòng ngừa, khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực khai thác khoáng sản, khu công nghiệp, khu đô thị tập trung; cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề; thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Trong đó cần chú trọng dến việc kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư đối với các ngành, lĩnh vực ít gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Theo tổ chức Liên Hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, khoảng 92% dân số thế giới không được hít thở không khí sạch. Ô nhiễm không khí cũng gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu khoảng 5 nghìn tỉ đô la mỗi năm. Còn đối với 300 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới thì có tới gần 80% lượng nhựa được sản xuất chỉ được sử dụng một lần rồi được thải bỏ ra môi trường. Cả hai vấn đề này đang là một thách thức lớn với cộng đồng và toàn thế giới.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã cho biết: Năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với chính quyền 63 tỉnh thành trong cả nước thực hiện các chương trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể, thiết thực nhất. Bộ phối hợp cùng các địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm khống khí, huy động sức mạnh cộng đồng cùng trồng nhiều cây xanh để làm cho môi trường ngày càng xanh, sạch đẹp hơn. Đồng thời, tăng cường giám sát của cộng đồng đối với các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, thực hiện đồng bộ nhiều chương trình hoạt động nhằm phục hồi môi trường. Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp vì lợi ích chung của cộng đồng, vì môi trường gắn hoạt động sản xuất với bảo vệ môi trường…
Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hợp quốc, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương tỉnh Thái Nguyên đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp làm giảm thiểu nguồn khí thải phát sinh, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa. Cụ thể là các hoạt động tăng cường giám sát trên lĩnh vực môi trường; tuyền truyền, vận động để các đơn vị, doanh nghiệp, người dân thực hiện sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gắn với bảo vệ môi trường; thay đổi những thói quen để giảm thải tối đa những phát thải ra môi trường sống.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyễn đã có gần 60 cơ quan, đơn vị đăng ký tham gia phong trào “ chống rác thải nhựa”, tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường. Ông Trần Văn Tuân, Trưởng phòng Môi trường, Công ty TNHH khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo đã chia sẻ: Quan điểm của công ty chúng tôi luôn gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Công ty đã xây dựng 3 trạm nước thải tự động tại 3 điểm xả và 1 trạm qua trắc khi thải tự động. Tất cả các trạm xử lý nước thải, khí thải tự động này đều truyền các thông số về nước thải, khí thải thải ra môi trường đạt các tiêu chuẩn theo quy định để đảm bảo công khai, minh bạch.
Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên cho biết: Các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất công nghiệp để hạn chế phát thải khí gây ô nhiễm. Thực hiện phát động nhiều phong trào vận động bảo vệ môi trường, trồng nhiều cây xanh nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí. Thái Nguyên là một trong những tỉnh sử dụng nhiều túi ni lông sử dụng một lần và lượng rác thải, rác thả nhựa từ túi ni lông phát thải lớn khoảng gần 1000 tấn/ngày.
Do vậy, việc hạn chế rác thải nhựa phát sinh ra môi trường là rất cần thiết lúc này. Phong trào tích cực tuyên truyền chống rác thải nhựa được phát động từ năm 2018 đến nay để bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả bước đầu.
Trao đổi về vấn đề chống rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường đã cho biết thêm: Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với bộ ngành địa phương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức cộng đồng và cộng đồng dân cư tổ chức phát động trên toàn quốc các hoạt động phong trào cụ thể nhằm kêu gọi giảm thiểu phát thải nhựa ra môi trường như hạn chế sử dụng bao, túi ni lông, vật dụng nhựa sử dụng một lần khó phân hủy. Tiến tới sẽ có các chế tài, chính sách nhằm hạn chế và có xử lý những hành vi cố ý phát thải túi ni lông, rác thải nhựa ra môi trường để bảo vệ môi trường sống ngày càng tốt hơn.
Tại Lễ Phát động, các đại biểu, đại diện các đơn vị đã cùng thực hiện ký cam kết thực hiện phong trào Chống ô nhiễm không khí, rác thải nhựa; trồng cây xanh đô thị; nhận tài liệu và túi thân thiện với môi trường, thay thế túi nilon. Tập đoàn Panasonic Việt Nam đã dành nhiều công trình ý nghĩa tặng cho địa phương như: tặng 10.260 cây xanh cho huyện Đồng Hỷ, trồng cây xanh trong khu dân cư, đô thị.
Cũng trong tháng Hành động vì môi trường, tỉnh Thái Nguyên và các địa phương, đơn vị sẽ còn tham gia, thực hiện nhiều phong trào hưởng ứng công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan trên địa bàn toàn tỉnh….
Theo Báo TN&MT