Thấp thỏm Mekong cạn nước: Việt Nam ứng phó thế nào?

Đăng ngày: 30-07-2019 | Lượt xem: 1783
Cùng với yếu tố thời tiết, hàng loạt đập thủy điện vùng thượng nguồn Mekong là nguyên nhân khiến Mekong cạn nước.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lo ngại trước thực trạng cạn khô của dòng Mekong đoạn qua Thái Lan. Ông lo lắng kịch bản sẽ còn lặp lại và không chỉ có Thái Lan, Việt Nam sẽ là nước phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

PV: Truyền thông quốc tế những ngày qua phản ánh về thực trạng nước sông Mekong đoạn chảy qua Thái Lan bị khô cạn báo động, một số nơi mực nước xuống mức thấp nhất trong gần 100 năm qua.

Văn phòng tài nguyên nước quốc gia Thái Lan đã phải gửi thư yêu cầu Lào ngưng vận hành thử nghiệm đập Xayaburi trong bối cảnh Thái Lan đang bị thiếu nước trầm trọng. Ông bình luận thế nào về diễn biến trên? Thưa ông, tác động của sự thiếu nước này tới các nước tiểu vùng sông Mekong sẽ như thế nào và với diễn biến thời tiết, khí hậu như hiện nay, vấn nạn thiếu nước này liệu có dễ lặp lại?

GS Vũ Trọng Hồng: Thực trạng thiếu nước ở sông Mekong đã được cảnh báo từ lâu. Nguyên nhân một phần là do lượng mưa năm nay bị sụt giảm nhưng phần khác cũng do hoạt động của các thủy điện trên thượng nguồn chặn dòng, tích nước để phát điện, khiến nguồn nước chảy về hạ du đã thiếu lại càng thiếu.

Nếu nhìn ngược lên có thể thấy hàng loạt các đập thủy điện của Trung Quốc đang hoạt động, điển hình là việc đập Cảnh Hồng của Trung Quốc xả ít nước chính là yếu tố tổng hợp gây ra đợt khủng hoảng lượng nước nghiêm trọng nhất ở lưu vực sông Mekong trong gần 30 năm.

Thap thom Mekong can nuoc: Viet Nam ung pho the nao?
GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam

Điều này cũng được phía Thái Lan thẳng thắn đề cập tới, trong đó có nhận định: 8 đập thủy điện chắn ngang sông Mekong (Lan Thương) trên đất Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỉ m3 nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu... khiến mực nước sông Mekong ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam xuống thấp kỷ lục.

Những tác động tiêu cực chưa dừng lại ở đó. Tình trạng sụt giảm phù sa và trầm tích sau khi đi qua các hồ thủy điện còn đe dọa sự tồn tại của nhiều hệ sinh thái ngập nước ven sông Mekong và gây tác động sụt lún, thoái hóa đất và sạt lở ở vùng đồng bằng hạ nguồn.

Sự kiện hạn - mặn lịch sử năm 2016 là một minh chứng rõ ràng nhất. Hầu hết các khu vực Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và ĐBSCL của Việt Nam đều bị tàn phá nặng nề của thời tiết khô hạn cực đoan. Trong bối cảnh tăng trưởng nông nghiệp bị lao dốc xuống mức 1,36% (mức thấp nhất kể từ năm 2011) kéo theo nhiều xáo trộn xã hội do thiếu nước ngọt, Việt Nam đã kiến nghị Trung Quốc xả nước tiếp ứng. Kịch bản đang lặp lại với Thái Lan.

Thái Lan đang đứng trước tình cảnh bị thiếu nước trầm trọng ngay ở thời điểm đang là mùa mưa đã khiến cuộc sống của hàng triệu người dân Thái Lan cũng như ở các lưu vực sông khác trở nên khó khăn. Các cánh đồng lúa trong vùng đang thiếu nước và cây trồng sẽ chết nếu không có nước.

Điều này hoàn toàn không có gì bất ngờ khi nguyên tắc điều hành các thủy điện lâu nay luôn coi trọng mục đích kinh tế, lợi ích của các thủy điện lại được đặt trên cao hơn là trách nhiệm quốc tế mà các nước phải thực thi trên lưu vực sông Mekong.

Thực tế, trong quy trình vận hành thủy điện vẫn luôn tồn tại những điều bất hợp lý, việc xả nước về hạ du luôn bị phụ thuộc vào quy trình vận hành của các thủy điện này.

Cụ thể ở quy định về mực nước chết trong các hồ chứa, với quy định này lẽ ra thủy điện chỉ được ngưng xả nước khi nước trong hồ chứa xuống thấp, chạm mực nước chết. Tuy nhiên, do sợ ảnh hưởng tới quá trình vận hành máy, các thủy điện thường chỉ xả nước ở mức cao nhất và giữ lại toàn bộ lượng nước trong hồ dù mực nước chênh còn rất cao. Đây là nhược điểm lớn nhất trong điều hành các hồ thủy điện khiến cho việc xả nước về vùng hạ du luôn trong tình trạng bị thiếu.

Điều rất nguy hiểm là khi các nước xây dựng thủy điện, vào mùa kiệt, các nước có thủy điện sẽ tích nước lại để vận hành thủy điện trong khi quốc gia ở dưới hạ lưu sông Mekong như Việt Nam, Thái Lan lại cần xả. Để ứng phó, các nước vùng hạ du lại phải gửi công hàm kiến nghị xả nước.

Do đó, Văn phòng tài nguyên nước quốc gia Thái Lan đã phải gửi thư yêu cầu Lào ngưng vận hành thử nghiệm đập Xayaburi và xả nước trong bối cảnh Thái Lan đang bị thiếu nước trầm trọng.

Thái Lan cũng đồng thời phải yêu cầu Trung Quốc mở cửa các đập thủy điện cho nước chảy về sông Mekong như trước đây Việt Nam từng đề nghị.

Cần lưu ý, thiếu nước do mưa hoặc do thời tiết rất ít khi xảy ra hoặc chỉ xảy ra khi có diễn biến bất thường. Theo quy luật của thời tiết, lượng mưa đổ xuống sẽ lại bốc hơi và sinh ra mưa, như vậy lượng mưa trong một năm sẽ không thay đổi mà chỉ thay đổi ở thời điểm này so với thời điểm khác thôi. Nhưng thủy điện là yếu tố chính khiến tình trạng khô hạn, thiếu nước có thể tiếp tục bị lặp lại, không nên lấy lý do thời tiết để biện minh cho việc tích nước của các hồ thủy điện.

Đây mới chỉ là “khởi dầu” của một kịch bản xấu hơn phía trước. Hôm nay mới có 2 đập thủy điện giữ nước mà nhiều quốc gia đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vẫn còn tới 28 đập khác của Trung Quốc và 11 đập ở phía dưới đã lên kế hoạch… hậu quả chưa thể lường hết được.

Trước bối cảnh đó, vì lợi ích chung, vì lợi ích của mỗi nước, không chỉ có Thái Lan mà các nước bị ảnh hưởng cũng cần kiên trì, tiếp tục lên tiếng đề nghị các thủy điện trên thượng nguồn phải xả nước cho hạ du.

PV: Thực chất, những bất đồng xung quanh việc khai thác nguồn lợi từ sông Mekong đã được nhắc tới nhiều năm nay. Tuy nhiên, vì sao các nước tiểu vùng sông Mekong vẫn chưa tìm được tiếng nói chung? Ông có kỳ vọng rằng, sự việc lần này có thể trở thành cú hích đẩy các nước ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề chung trên cơ sở tôn trọng lợi ích của từng quốc gia và vì lợi ích bền vững từ dòng sông Mekong hay không? Xin ông phân tích cụ thể.

GS Vũ Trọng Hồng: Liên quan đến việc khai thác nguồn lợi từ dòng sông Mekong, có thể thấy một tham vọng lớn từ Trung Quốc – quốc gia có mục tiêu khai thác triệt để tiềm năng thủy điện ở thượng nguồn Mekong, bất kể quyền lợi và sự quan ngại của các quốc gia phía hạ nguồn.

Và chính điều này đang khiến các nước hạ nguồn phải chịu hậu quả.

Sinh kế và cuộc sống của hàng chục triệu người dân, chủ yếu ở Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, vốn sống phụ thuộc vào những nguồn lợi từ sông Mekong đang bị chuỗi đập của Trung Quốc đe dọa.

Không chỉ Trung Quốc mà trong vài thập niên trở lại đây, các nước vùng hạ du cũng đã xây dựng đập trên cả dòng nhánh và dòng chính sông Mekong.

Sự bất đồng trong quan điểm và lợi ích cùng với tham vọng khai phá nguồn tài nguyên vì mục đích kinh tế mà nhiều năm qua các nước tiểu vùng Mekong vẫn không thể tìm được tiếng nói chung trong việc khai thác nguồn lợi từ dòng Mekong.

Tuy nhiên, như đã nói, nguy cơ thiếu nước rất dễ lặp lại do ảnh hưởng của hàng loạt các đập thủy điện được xây dựng vùng thượng nguồn, do đó, những tác động tiêu cực không chỉ xảy ra với Thái Lan hay Việt Nam mà ngay cả các nước Lào, Myanmar, Campuchia cũng có thể phải gánh chịu hậu quả tương tự nếu Trung Quốc đóng cửa hồ chứa, không xả nước.

Sự việc lần này buộc tất cả các nước vùng hạ du không thể làm ngơ. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc không tham gia Ủy hội sông Mekong, nên rất khó yêu cầu quốc gia này phải tuân thủ các quy định trong hiệp định. Trước tình thế bất lợi, sự đoàn kết, đồng loạt lên tiếng của các nước tiểu vùng Mekong sẽ tạo ra sức ép buộc Trung Quốc phải ngồi lại, cùng thảo luận, thống nhất các giải pháp bảo đảm đủ nước cho vùng hạ du.

PV: Từ phía Thái Lan, nước này nên thể hiện thiện chí trong vấn đề này như thế nào, thưa ông?

GS Vũ Trọng Hồng: Như chúng ta đã biết, Lào là quốc gia rất nghèo, không có nhiều tài nguyên, vì thế, khai thác thủy điện được cho là một lợi thế vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh, bán điện ra ngoài.

Trước đây, từng có những ý kiến đề cập tới câu chuyện các quốc gia vùng hạ du được sử dụng nước và hưởng lợi rất lớn từ nguồn nước sông Mekong nhưng chưa có sự quan tâm thỏa đáng tới Lào.

Đây là điểm mắc lớn nhất cần các nước tiểu vùng sông Mekong phải ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, phải chia sẻ với nhau về quyền lợi. Đặc biệt là phải chia sẻ lợi ích với Lào, có thể tính tới việc ký kết các hiệp định thương mại, tạo điều kiện cho Lào phát triển kinh tế trong nước. Khi có được những lợi ích thỏa đáng thì việc thỏa thuận cũng dễ tìm được tiếng nói đồng thuận hơn.

Về phía Thái Lan, Campuchia... cũng đang triển khai các công trình chuyển nước từ sông Mekong sang lưu vực khác trong nội địa của họ khiến nguồn nước thiếu hụt đi, đặc biệt là mùa kiệt. Bởi thế, dòng Mekong sẽ chết dần. Thái Lan muốn Lào ngưng vận hành thử nghiệm đập Xayaburi thì cũng cần phải cho nước này thấy được thiện chí từ phía mình.

Thap thom Mekong can nuoc: Viet Nam ung pho the nao?
Sông Mekong đoạn qua Thái Lan khô cạn. Ảnh Bangkok Post

PV: Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh các nước tiểu vùng Mekong đều chịu tác động từ các con đập của Trung Quốc, cần có một chiến lược hành động chung một mặt giúp các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ dòng sông, một mặt, có thêm sức mạnh để đàm phán với Trung Quốc, quốc gia không thuộc tiểu vùng sông Mekong nhưng lại có thể gây tác động lớn tới con sông này. Quan điểm của ông như thế nào?

GS Vũ Trọng Hồng: Đúng vậy, cùng với Thái Lan, Việt Nam cũng phải lên tiếng. Các nước tiểu vùng Mekong cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, nhất là tại các diễn đàn, các hội nghị thượng đỉnh vùng Mekong, khi có cơ hội là phải nói.

Cách đây hơn chục năm, các chuyên gia đã cảnh báo, trong tương lai ĐBSCL sẽ không nhận được một giọt nước nào về mùa kiệt. Hiện nay, lưu lượng dòng chảy ở ĐBSCL khoảng 6.000m3/s, đó là dòng chảy sinh thái, rửa trôi tất cả những chất độc, đẩy mặn ra biển. Thế nhưng, hiện nay đến mùa kiệt sẽ chỉ còn vài trăm m3/s, trong khi lưu lượng tối thiểu chúng ta cần ở là 2.000m3/s.

Ngay với sông Hồng, hiện nay, lưu lượng chảy cần thiết ở sông Hồng là 800 m3/s nhưng thống kê gần đây cho thấy chỉ còn 700m3/s và theo báo cáo của Trung tâm Tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT), có lúc có những đoạn ở sông Hồng mực nước chỉ còn 10cm, tức là trơ đáy và theo tính toán, lưu lượng chảy của sông khi đó chỉ còn hơn 10m3/s.

Tôi đã về Thái Bình và tôi được chứng kiến sự chết mòn của các con sông ở nơi này do thiếu nước, thiếu phù sa. Vì thế, ngay lúc này, vì sự tồn tại của vùng ĐBSCL cũng như phải cứu lấy sông Hồng thì tiếng nói của Việt Nam cần được lên tiếng mạnh mẽ, thẳng thắn hơn nữa.

PV: Đứng về phía Việt Nam, là nước ở cuối nguồn sông Mekong, rõ ràng bất cứ sự tác động tiêu cực nào trên dòng sông này cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới Việt Nam. Trước hết là tình trạng khô hạn, thiếu nước và phù sa cung cấp cho Đồng bằng sông Cửu Long (hạ lưu dòng Mekong), thiếu nước ngọt, tình trạng ngập mặn sẽ diễn ra nhanh, nghiêm trọng hơn.

Trong bối cảnh này, có thể dự báo những tác động cụ thể với Việt Nam sẽ diễn ra thế nào? Ngoài những nỗ lực thảo luận với các nước thuộc Tiểu vùng Mekong, Việt Nam cần có giải pháp gì và phải ứng phó thế nào để giảm thiểu những tác động tiêu cực cũng như những thiệt hại từ hiện tượng trên, thưa ông?

GS Vũ Trọng Hồng: Điều tôi lo ngại nhất chưa phải là nguy cơ suy kiệt nguồn thủy sản, cá tôm chết dưới đáy mà điều lo nhất với Việt Nam là phù sa không về, nước biển dâng cùng với việc khai thác nước ngầm quá mức dự báo sẽ kéo theo tình trạng sụt lún đất, có thể khiến gần như toàn bộ vùng ĐBSCL bị chìm trong tương lai. Đến khi đó mới bàn tới phương án đối phó là quá muộn.

Vì thế, việc cần làm ngay lúc này là phải thẳng thắn lên tiếng cùng với Thái Lan.

Cùng với đó các vấn đề trong nước cũng cần phải được giải quyết thống nhất, triệt để. Có một hiện tượng kỳ lạ là trong bối cảnh phù sa không về thì các dòng sông thuộc các tỉnh ĐBSCL lại bị ngăn lại theo từng tiểu vùng một để giữ phù sa, khiến phù sa không ra được biển, chất bồi tích, sỏi cát không ra được biển, rất nguy hiểm.

Thap thom Mekong can nuoc: Viet Nam ung pho the nao?
ĐBSCL với thách thức xâm nhập mặn do nguồn nước Mekong về ít.

Song song với việc trên, thì Việt Nam cũng phải chủ động đưa ra được chiến lược chủ động phòng ngừa, giảm thiểu và ứng phó với những tác động tiêu cực cũng như những thiệt hại từ hiện tượng trên.

Vậy phòng ngừa là gì? Phòng ngừa là phải xem xét khi dòng nước từ sông Mekong chảy về sẽ chảy qua những tỉnh nào, sông nào trên cơ sở đó, phải khai thông để nước chảy thoát được ra biển.

Cần chấm dứt ngay tình trạng ngăn nước, chặn dòng, bắt nước phải chảy lòng vòng khiến nguồn cát bị thất thoát, không còn nữa.

Đây là điều quan trọng nhất cần phải làm trước tiên sau đó mới tính tới phương án tiếp theo.

Ở phương án tiếp theo cần phải đưa ra những nghiên cứu khoa học, có thể học theo cách làm của Hà Lan là tạo ra một không gian để đất bồi, vì nếu không có không gian chứa đất bồi thì dần dần khi nước biển dâng, Việt Nam sẽ bị mất hết đất. Điều này đã được giới khoa học cảnh báo rất nhiều, nhưng Nhà nước Việt Nam lại coi đây là việc của tự nhiên, chưa quan tâm lắm, vẫn để mặc các tỉnh tự phát triển lúa, tự phát triển cây trồng, tự đắp đập ngăn dòng chảy lại.

Đến lúc này nếu còn không lên tiếng và thay đổi tư duy sẽ là quá muộn và hậu quả nhìn thấy có thể vô cùng nặng nề.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo baodatviet.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: