Lượng mưa ít, nắng kéo dài khiến nhiều hồ đập tại Huế gần bằng mức chết, trong ảnh là hồ Thọ Sơn…
Hồ đập thiếu nước
Tại Huế, vào tháng 10 đầu tháng 11 hằng năm thường xuất hiện các đợt mưa lũ. Tuy nhiên, đến nay địa phương này vẫn chưa xuất hiện đợt mưa lũ nào, điều này khác hẳn so với mọi năm mà gần nhất là năm ngoái khi khoảng thời gian này đã lũ rất lớn...
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin từ tháng 8 đến tháng 10 vừa qua, dù là các tháng mùa mưa lũ nhưng lượng mưa tại địa phương rất thấp. Trong đó, lượng mưa tại huyện Nam Đông chỉ đạt 25%, huyện A Lưới và khu vực đồng bằng chỉ đạt 45% so với lượng mưa trung bình nhiều năm. Mực nước và dòng chảy các sông ở hạ lưu đều thấp hơn nhiều năm, còn các sông ở vùng núi chỉ đạt 30%-38%.
Được biết, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 56 hồ chứa thủy lợi và 6 hồ thủy điện đã đi vào vận hành khai thác, hiện tại các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đều khô cạn nước, một số hồ như Truồi, Hòa Mỹ, Khe Ngang, Thọ Sơn, Phú Bài… dung tích hữu ích còn lại từ 20-50%. Các hồ lớn cũng không phải là ngoại lệ.
Hồ Khe Ngang vừa xuống cấp lại cũng “khát” nước
Cụ thể theo ghi nhận của PV đến đầu tháng 11, hồ Tả Trạch mực nước hiện tại là 24m (cao hơn mực nước chết 1m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 21m), thấp hơn cùng thời kỳ năm 2017 khoảng 2,5m, hiện nay hồ vẫn đang duy trì lưu lượng trung bình ngày qua tuabin khoảng 15m3/s. Dung tích hữu ích của hồ còn lại khoảng 2,4%. Để hồ đạt được mực nước dâng bình thường 45m thì từ nay cho đến khi kết thúc mùa mưa 15/12/2018 cần có tổng lượng mưa khoảng 1300mm.
Hồ thủy điện Bình Điền mực nước hiện 55m (cao hơn mực nước chết 2m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 30m), thấp hơn cùng thời kỳ năm 2017 khoảng 14m, hiện nay hồ vẫn đang duy trì lưu lượng trung bình ngày qua tuabin khoảng 15m3/s. Dung tích hữu ích của hồ còn lại khoảng 3,4%.
Lượng mưa đo được đến thời điểm này chỉ đạt 30% so với lượng mưa trung bình nhiều năm, nước về hồ rất ít chỉ đạt 7m3/giây. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và vận hành của các nhà máy, không đảm bảo kế hoạch sản lượng điện bán ra.
Hồ thủy điện Bình Điền đang thiếu nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp cũng như sản xuất kinh doanh ngành điện
Ông Nguyễn Quang Hải- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Bình Điền cho biết, thời điểm này đang là chính giữa mùa mưa lũ nhưng nước không có nên nhà máy chỉ phát điện cầm chừng, 1 ngày chỉ chạy vài tiếng để đảm bảo cho dòng chảy môi trường theo đúng quy định.
“Hiện tại, công ty mới đạt được 50% so với kế hoạch đặt ra nên gặp rất nhiều khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài thì mùa khô của năm 2019 sắp đến sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến công tác sản xuất nông nghiệp cũng như sản xuất kinh doanh ngành điện…”- ông Hải chia sẻ.
Trong khi đó, hồ thủy điện Hương Điền mực nước hiện 47,8m (cao hơn mực nước chết 1,8m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 10,2m), mực nước hồ đang tương đương với cùng kỳ năm 2017, hiện nay hồ vẫn đang duy trì lưu lượng trung bình ngày qua tuabin khoảng 30m3/s. Dung tích hữu ích của hồ còn lại khoảng 13,9%. Để hồ đạt được mực nước dâng bình thường 58m thì từ nay cho đến khi kết thúc mùa mưa 15/12/2018 cần có tổng lượng mưa khoảng 2000mm.
Mực nước thủy điện Hương Điền đang ở mức rất thấp
Còn tại hồ thủy điện A Lưới, hiện mực nước lòng hồ trên mực nước chết khoảng 20cm và hơn 1 tháng nay trên địa bàn không có mưa nên không có lượng nước nào bổ sung về hồ. Theo tính toán, năm 2018 nhà máy thủy điện A Lưới sẽ thiếu khoảng 60-70% sản lượng, hiện chỉ đạt khoảng 30% sản lượng đề ra.
Đảm bảo dòng chảy
Ông Đặng Văn Hòa- Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, hiện nay đã qua tháng 11/2018 nhưng lượng mưa trên địa bàn tỉnh vẫn thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Các khu vực thượng lưu đập, vùng núi Nam Đông và Tây Bạch Mã, lượng mưa không lớn nên lượng dòng chảy trên các sông ở Thừa Thiên Huế vẫn còn thiếu hụt.
“Do vậy Ban Chỉ huy sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để tham mưu cho UBND tỉnh ứng phó với các đợt mưa lũ trong các tháng 11 và 12/2018; đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất vận hành, tích nước các hồ chứa hợp lý nhằm đảm bảo nguồn nước cung cấp cho dân sinh, sản xuất, các ngành kinh tế và dòng chảy môi trường; chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống cháy rừng trong mùa khô 2019…”- ông Hòa thông tin.
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế đi kiểm tra các hồ đập trên địa bàn
Ông Nguyễn Văn Phương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đã yêu cầu các chủ hồ chứa tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình diễn biến thời tiết để vận hành hồ chứa tuân thủ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương tại Quyết định 2482 trong mùa mưa lũ…
Nhận định trước diễn biến thời tiết diễn ra khó lường, dòng chảy hạn chế và lượng mưa ít, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Văn Phương đề nghị Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ thời tiết và sản xuất của người dân, đề nghị các hồ đập, hồ chứa phải sẵn sàng ứng phó với tình trạng nắng hạn kéo dài. Nghiêm túc thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa cũng như theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có phương án ứng phó, tích nước hợp lí để vừa phát điện vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo môi trường vùng hạ du.
“Tỉnh đang hướng đến xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo mưa bão từ tỉnh đến cán bộ cấp thôn, bản nhằm thông tin kịp thời các diễn biến bất thường của thời tiết. Sắp tới, tỉnh sẽ cân đối ngân sách, yêu cầu các chủ đập tiến hành kiểm định chất lượng các công trình hồ đập, lên kế hoạch kiểm tra, trang bị thêm các thiết bị dự phòng cho các hồ thủy lợi...”- ông Phương nói.
Theo kết quả đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế, 22 hồ trên địa bàn đang có hiện tượng trượt mái hạ lưu, đập chính có thấm nhẹ cục bộ, mái đập thượng lưu xuống cấp do chưa được gia cố, cống lấy nước bị rò rỉ, nhà trạm quản lý xuống cấp. Trong đó, các hồ Khe Ngang, Khe Bội, A Lá, Khe Nước, Cây Mang, Truồi... có nhiều dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. |
Nguồn: Báo TN&MT