Việc làm này giúp môi trường sống tại Huế xanh, sạch, đẹp hơn…
Ngày nay, túi ni lông đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Với ưu điểm rẻ, tiện lợi, túi ni lông được sử dụng rất phổ biến. Tuy nhiên, ảnh hưởng của túi ni lông tới môi trường và sức khỏe con người là rất lớn, tác động lâu dài nhưng hầu như không được cộng đồng quan tâm, chú ý. Mặc dù đã có nhiều biện pháp để hạn chế, nhưng thói quen sử dụng túi ni lông đối với các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư vẫn chưa được chuyển biến rõ rệt.
Vì thế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện hưởng ứng phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng 01 lần”.
Theo đó, mỗi năm, tỉnh sẽ lựa chọn một địa phương tổ chức sự kiện chính vào tuần thứ 3 tháng 9.
Tỉnh sẽ tổ chức các nhóm tình nguyện tham gia tuyên truyền trên đường phố. Tập huấn cho cán bộ truyền thông và người dân về tác hại của túi ni lông, biện pháp thu gom và sử dụng túi đựng hàng thay thế thân thiện với môi trường. Xây dựng các tiêu chí để tôn vinh các đơn vị công sở, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, Trường học, Trạm Y tế,… đạt danh hiệu “Thân thiện với môi trường”, có logo biểu trưng. Nghiên cứu giải thưởng vì “Môi trường xanh” đối với các cơ sở, đơn vị thực hiện tốt nhất các sáng kiến, giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó có tiêu chí không sử dụng túi ni lông.
Đồng thời, thực hiện việc không sử dụng túy ni lông sử dụng 01 lần phục vụ các Hội nghị tại địa phương, trong hoạt động hàng ngày của các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể. Xây dựng các điển hình tiên tiến của phong trào “không sử dụng túi ni lông”, trước hết tập trung cho các cơ quan nhà nước, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ (khách sạn, siêu thị,...). Phát triển các loại túi đựng hàng thay thế túi ni lông (túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi dệt từ sợi ni lông sử dụng nhiều lần, túi ni lông tự huỷ,…). Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư cho loại hình sản xuất này.
Việc làm này giúp môi trường sống tại Huế xanh, sạch, đẹp hơn…
Ngoài ra, tỉnh sẽ phát triển, triển khai sử dụng mô hình 3R (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế) nhằm giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái sử dụng và tái chế túi ni lông trong các hoạt động. Kêu gọi ý thức của các doanh nghiệp hạn chế sản xuất túi ni lông và tiến tới chế tài đối với các doanh nghiệp này trong việc thực hiện chủ trương không sử dụng túi ni lông.
Tổ chức thực hiện phong trào “Kế hoạch nhỏ” cho các em học sinh tại các trường học theo hình thức: thu gom túi ni long, pin qua sử dụng tại gia đình để tập trung tại 01 địa điểm của nhà trường trước khi chuyển xử lý; thu gom giấy in, giấy báo loại làm túi đựng thay thế túi ni lông cung cấp cho các quầy thuốc, nhà thuốc, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có khó khăn về kinh tế…
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các Sở, ban ngành phối hợp thực hiện một cách có hiệu quả. Trong đó Sở TN&MT là đơn vị đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thị xã và TP. Huế tổ chức thực hiện kế hoạch.
Sở TN&MT phối hợp với Sở Công thương đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích việc kinh doanh, sử dụng các loại túi, phương tiện đựng hàng thân thiện môi trường thay thế túi ni lông đồng thời kiến nghị các hình thức xử lý đối với các nhà phân phối, đơn vị bán lẻ không có kế hoạch hoặc không thực hiện các giải pháp hạn chế sử dụng túi ni lông. Xây dựng các tiêu chí để tôn vinh danh hiệu “Thân thiện môi trường”, lôgô để phong tặng cho các tổ chức, đơn vị không sử dụng túi ni lông. Phối hợp với các Sở ngành liên quan để xây dựng bộ tiêu chí “thân thiện với môi trường” của từng loại hình sản xuất kinh doanh. Phối hợp Quỹ Bảo vệ môi trường Thừa Thiên Huế cho vay vốn ưu đãi theo quy định đối với hoạt động thu gom và tái chế túi ni lông đã qua sử dụng, hoạt động sản xuất các loại túi đựng hàng thân thiện môi trường thay thế túi ni lông trên địa bàn tỉnh…
Nguồn: Báo TN&MT