Thủy điện thiếu nước ngay trong mùa mưa

Đăng ngày: 25-12-2019 | Lượt xem: 2584
Thường mọi năm, thời điểm này ở các tỉnh miền Trung đang vào mùa mưa. Thế nhưng năm nay, đã cuối mùa mưa nhưng miền Trung không xuất hiện những cơn mưa lớn. Đây là nguyên nhân chính khiến một số hồ thủy lợi, thủy điện trên thượng lưu hiện nay không tích đủ nước. Các sông lớn ở thượng nguồn bắt đầu khô hạn; ở hạ du dự kiến nhiễm mặn sẽ xuất hiện sớm hơn và lấn sâu vào nội địa. Dự báo năm 2020 khô hạn và xâm nhập mặn sẽ cao hơn năm nay. Để đối phó với tình trạng trên, ngay từ thời điểm này Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã có những giải pháp tích cực.

Dòng chảy ở hạ lưu thủy điện Sông Bung 4 hiện đang khô kiệt.

Nhiều thủy điện “khát nước”

Ngày 20-12, chúng tôi có mặt tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 nằm trên địa phận H. Nam Giang (Quảng Nam). Trái ngược với các năm trước, thời điểm này hai tổ máy phát điện của nhà máy thủy điện Sông Bung 4 đã dừng hoạt động. Trên bờ đập, mực nước còn cách cao trình gần 7 mét, đồng nghĩa với việc lượng nước còn thiếu trong hồ thủy điện này khoảng 80 triệu m3. “Đây là lần đầu tiên nhà máy rơi vào cảnh bị thiếu nước nhiều như vậy sau 5 năm hoạt động. Hiện mỗi ngày lượng nước chảy về hồ hơn 25m3/giây, ít hơn so với cùng kỳ các năm trước. Hai tổ máy hầu hết dừng hoạt động gần một tháng, chỉ phát điện cầm chừng. Việc thiếu nước đã đẩy nhà máy thủy điện Sông Bung 4 hụt thu sản lượng là điều chắc chắn. Trong năm 2019, nhà máy mới đạt được doanh thu 38% so với công suất thiết kế”, ông Lê Đình Bản - Giám đốc Cty thủy điện Sông Bung, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Bung 4 nói.

Nói thêm về thiếu hụt nguồn nước trong mùa mưa, ông Bản cho rằng các năm trước mùa mưa nước về đầy hồ. Thế nhưng năm nay, mưa xảy ra ở đồng bằng, còn miền núi ít dẫn đến nước chảy về hồ không có, ngoài ra, nước ngầm trên lưu vực đổ xuống cũng hạn chế.

Ngoài thủy điện Sông Bung 4, nhà máy thủy điện Sông Bung 2 ở địa phận xã Zuôih (H. Nam Giang) cũng nằm trên lưu vực sông Vu Gia có dung tích hồ chứa 74 triệu m3. Tuy nhiên, hiện hồ chứa này mới tích được 30% dung tích, thiếu hụt gấp nhiều lần so với hồ chứa Sông Bung 4. Việc các nhà máy thủy điện thiếu nước không chỉ xảy ra ở hai nhà máy nói trên mà nhiều nhà máy khác ở Quảng Nam cũng chung số phận. Trong đó, thủy điện A Vương ở H. Đông Giang nằm trên lưu vực sông Vu Gia thiếu nước nhiều nhất. Theo chủ đầu tư, cao trình mực nước tại hồ thủy điện này mới đạt 350 mét/ 375 mét. Lượng nước hồ chứa chỉ hơn 55 triệu m3, chiếm tỷ lệ 25% so với dung tích và đang thiếu gần 170 triệu m3.

Ông Ngô Xuân Thế - Phó Giám đốc Cty cổ phần thủy điện A Vương cho biết, thông thường các năm vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 đã bắt đầu có mưa lũ nên lượng nước về hồ rất lớn. Nhưng năm nay lượng mưa trên lưu vực rất ít nên nước về thấp, chỉ đạt 38% so với các năm trước. Do vậy nhà máy dừng hoạt động để ưu tiên tích nước, phục vụ việc điều tiết nước cho hạ du trong mùa khô năm 2020. Cũng theo ông Thế, sản lượng điện sản xuất năm 2019 của nhà máy chỉ được 315 triệu kwh, thấp nhất trong 11 năm vận hành.

Xây dựng kế hoạch sử dụng nước cho sản xuất vụ Đông Xuân

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc vận hành các hồ chứa thủy điện để phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2019 - 2020. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT và các cơ quan có liên quan căn cứ tình hình nguồn nước để xây dựng kế hoạch sử dụng nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020 bảo đảm tiết kiệm, khoa học và hiệu quả.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT căn cứ tình hình nguồn nước hiện có và dự báo trong thời gian tới để chủ động rà soát kế hoạch sản xuất và huy động điện từ các nhà máy thủy điện phù hợp lịch sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn điện cho sản xuất và cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong các tháng mùa khô, không để xảy ra tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn nước tại các hồ thủy điện ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân...

Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp các Bộ: Công Thương, TN&MT, các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10-1-2020.

Chủ động ứng phó

Nói về nguyên nhân trên, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, thời tiết năm 2019 rất khắc nghiệt cho Quảng Nam nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung. Qua đánh giá tình hình mưa năm nay thiếu hụt khoảng 20 đến 30%, dẫn đến việc thiếu hụt ở các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Dự báo đến hết năm nay, trên địa bàn sẽ không xuất hiện các trận mưa lớn nên sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân, đặc biệt là vụ Hè Thu. Do vậy, Sở đã ban hành các văn bản tham mưu cho UBND tỉnh có những chỉ đạo khắc phục tình trạng này.

Trước việc các hồ thủy điện “khát nước” khiến nguy cơ hạ du vùng sông Vu Gia - Thu Bồn thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp năm 2020, UBND tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu thủy điện Sông Bung 4 và A Vương dừng vận hành phát điện, tăng cường chứa nước để chủ động chống hạn, nhiễm mặn trong năm 2020. “Thực hiện chủ trương tích nước theo kiến nghị của 2 địa phương trên, chúng tôi hạn chế đến mức thấp nhất, gần như không phát điện, chỉ phát những giờ cao điểm để đảm bảo an ninh năng lượng”- ông Lê Đình Bản cho biết thêm.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc đề nghị thủy điện dừng phát điện đến ngày 30-12-2019 được thực hiện theo Quyết định số 1537 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Quyết định này quy định thủy điện thực hiện phát điện vào mùa cạn kiệt thì phải đảm bảo ưu tiên cho việc cấp nước cho hạ du để cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, còn việc phát điện ưu tiên sau.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thông tin thêm, trước nguy cơ khô hạn năm 2020 xảy ra, địa phương đã chỉ đạo cơ quan chức năng đắp các đập ngăn mặn sớm để không cho mặn xâm nhập sâu; đưa ra một số giải pháp tiết kiệm nước phải thực hiện triệt để; phối hợp với các thủy điện để điều hòa nước cho phù hợp và chuyển đổi cây trồng. “Chúng tôi đánh giá tình hình sản xuất ở vụ mùa sắp tới sẽ có những khó khăn, trước tiên là xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và sâu. Do đó, công tác chủ động ứng phó như đắp các đập ngăn mặn tạm được triển khai khẩn trương, làm sớm hơn mọi năm”- ông Thanh nhấn mạnh.

Theo cadn.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: