Tìm lời giải cho bài toán rác thải nhựa nơi đảo xa: Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ

Đăng ngày: 16-04-2019 | Lượt xem: 1114
(TN&MT) - Không cần “đao to búa lớn”, những việc nhỏ “nói không với túi ni lông” hay dọn rác của những người con đất đảo trước hết để bảo vệ chính mình và người thân của họ, đồng thời, góp phần thay đổi thói quen của cộng đồng dân cư nơi đây.
kh ch du l ch tham gia d n r c l m s ch bi n trong ch ng tr nh v l s n kh ng r c th i nh a
Dọn rác trên đảo Lý Sơn

Làm du lịch xanh theo tư duy người trẻ

Giữa không gian xanh hoang dã cù lao Bờ Bãi, còn gọi là đảo Bé (Lý Sơn), nổi bật ngôi nhà sàn homestay xinh xắn, thơ mộng của Bùi Minh. Ngôi nhà sàn giữa thiên nhiên hoang dã của Minh thu hút nhiều khách check-in và lưu trú. Bùi Minh chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở đất đảo Lý Sơn, tuổi thơ của Minh là những chiều cùng bạn lội biển nô đùa. Yêu biển, muốn quay về đảo để lập nghiệp là ước mơ từ thuở bé. Tốt nghiệp Cao đẳng du lịch Đà Nẵng, chàng trai 33 tuổi quyết định trở về quê hương làm du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên nơi đất đảo.

Trở về Lý Sơn làm du lịch với tư duy mới mẻ, không giẫm chân lên “nghiệp” của bà con, Bùi Minh quyết định đi theo con đường du lịch xanh. Minh kể, trong trí nhớ của anh, đảo Bé ngày xưa biển sạch, bước chân xuống nước là thấy cá thấy tôm, còn bây giờ, túi ni lông, chai nhựa dọc bờ biển, nhìn thấy xót lắm. Chính vì vậy, anh luôn trăn trở giảm thiểu được túi ni lông để bảo vệ ngôi nhà của sinh vật biển.

Trong homestay của mình, Bùi Minh chỉ sử dụng các túi thân thiện với môi trường được chính quyền cấp phát, hỗ trợ với giá 2.000 đồng/1 cái. Tất cả du khách khi đến với homestay của Minh đều được hướng dẫn sử dụng những chiếc túi tự hủy thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông. Để rồi những chiếc túi ấy theo chân du khách, về đất liền, mang theo đó là cả nhận thức đáng trân trọng “Đảo Bé nói không với túi ni lông”. “Đầu tiên mình phải sử dụng du khách khách mới tin tưởng. Cả homestay dùng túi thân thiện với môi trường mà ai đó cầm túi ni lông là thấy kỳ lắm” - Minh chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, trong tour du lịch của mình, Minh cũng lồng ghép các hoạt động thu gom, dọn rác bờ biển và được du khách hưởng ứng tích cực. Ban đầu, chỉ một vài đoàn khách tham gia, dần dà bất kỳ ai đến với homestay của Minh đều hào hứng làm sạch biển. 

“Biển sạch, con cá có rạn sang hô làm chỗ núp bóng núp thân, người dân thì làm du lịch, đời sống hàng trăm hộ dân Lý Sơn đều kiếm được chén cơm manh áo nhờ đó. Nếu chúng ta không bảo vệ những tài nguyên quý giá, thiên nhiên cạn kiệt, du khách quay lưng với đảo Bé” - Bùi Minh cho hay.

IMG 0484


Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Với chàng trai gốc Hà Nội - Trần Văn Quỳnh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã du lịch Lý Sơn xanh), tình yêu biển đảo khiến anh luôn trăn trở phải hành động để bảo vệ biển Lý Sơn. Đến với Lý Sơn trong một kỳ nghỉ cách đây 3 năm, vẻ đẹp mê hoặc của hòn đảo này khiến chàng trai Hà Nội quyết tâm theo đuổi giấc mơ làm du lịch ở xứ đảo.

Anh Quỳnh kể, mỗi lần ra Lý Sơn lặn biển thấy ni lông vướng vào san hô, thảm cỏ biển, anh suy nghĩ, nếu không thay đổi, thế hệ sau sẽ phải ăn hải sản nhiễm độc từ những thứ do chính chúng ta vứt xuống biển hôm nay. Cuối cùng, anh cùng 2 người bạn đứng ra thành lập nhóm “Lặn vớt rác thải nhựa - Vì Lý Sơn không còn rác thải nhựa” và công tác đầu tiên là vớt rác quanh đảo Lý Sơn với hi vọng ý thức bảo vệ môi trường sẽ giúp các loài thủy sinh phát triển tốt Lý Sơn. Bất ngờ, chương trình lan tỏa và tạo hiệu ứng rất tốt, nhiều khách du lịch, thanh niên trên đảo tham gia lặn vớt rác biển ven biển. Chỉ sau một ngày, bờ biển nhếch nhác do rác thải tràn ngập ở chùa Hang, cổng Tò vò đã được thay bằng một bãi biển sạch đẹp.

“Đức Phật có câu nói “Một con bướm đập cánh trong không trung cũng làm ảnh hưởng đến vũ trụ”. Mình cũng chỉ nghĩ đơn giản “hiệu ứng cánh bướm” như vậy, mỗi người một hành động nhỏ nhặt túi ni lông dưới chân mình, một triệu người thực hiện, sẽ bớt được một triệu túi ni lông” - Anh Trần Văn Quỳnh chia sẻ.

Loại rác mà nhóm hướng đến là các loại rác thải nhựa, bao ni lông, khó phân hủy,… đang nằm dưới nước biển gần bờ, gây nguy hại cho các loài sinh vật biển. Các tình nguyện viên phải lặn xuống, khiêng lên chất trên bờ, nhiều rác thải là ngư lưới cụ của ngư dân không dùng đến. 

Anh Quỳnh cho biết, trong kế hoạch dài hơi, nhóm sẽ tăng cường kết nối nhiều nguồn để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, du khách trong việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần, bao ni long, các loại rác vải… Đồng thời, nhóm đang hướng đến việc thành lập đội thanh tra môi trường để thường xuyên nhắc nhở người dân và du khách nên bỏ rác đúng nơi quy định.

Làm du lịch với những ý tưởng độc đáo, sự lựa chọn của người trẻ Lý Sơn còn gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn lợi từ biển cả. Các hình thái kinh doanh được người trẻ đất đảo lựa chọn khởi nghiệp là du lịch xanh, bảo tồn san hô, trầm tích thiên nhiên, nâng giá trị sản vật biển Lý Sơn.

“Nguồn lợi từ biển rất lớn. Mình làm du lịch, phải bảo vệ đa dạng sinh thái biển, giữ các loài cá, thảm thực vật, rạn san hô. Mình giữ biển khỏi ô nhiễm rác thải thì mới khai thác, đưa du khách tham quan, lặn ngắm. Nhóm em liên kết với chính quyền địa phương, chia sẻ với người dân để cùng nhau bảo tồn, khai thác biển phát triển du lịch” - Lê Văn Thành, Giám đốc Trung tâm lặn ngắm san hô Lý Sơn khẳng định.

Trong không gian văn hóa nhiều tiềm năng, những người con của đất đảo hùng binh Hoàng Sa đang ngày ngày phát triển và bảo vệ môi trường ở Lý Sơn bằng kiến thức và tư duy mới của mình. Họ đang góp phần nâng hình ảnh đất đảo hùng binh lên một tầm cao mới - một Lý Sơn thân thiện và phát triển bền vững.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: