Lực lượng đoàn viên, thanh niên TP. Cần Thơ tham gia thu gom túi chất thải nhựa, nilon gần khu vực chợ nổi Cái Răng
Nhiều giải pháp giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon
Cũng như các tỉnh, thành khác, hiện nay trên địa bàn TP. Cần Thơ, chất thải nhựa và túi nilon có mặt ở khắp nơi, từ trong mỗi gia đình, sông, rạch, biển cho đến bãi rác. Túi nilon không thể tự phân hủy được, nếu vứt bỏ ra sông, rạch sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường đất, nước. Trường hợp túi nilon được mang đi đốt sẽ tạo ra khi carbonic, dioxin cực độc. Bên cạnh đó, khi sử dụng loại nilon tái chế ở nhiệt độ cao sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, một số chất độc trong túi nilon ngấm vào thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước từ chất thải nhựa, túi nilon, trong thời gian qua, thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ TN&MT, UBND TP. Cần Thơ về việc triển khai các giải pháp giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon, Sở TN&MT TP. Cần Thơ cùng các Sở, ban, ngành, đoàn thể và 09 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp giảm dần sử dụng chất thải nhựa và túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời tăng cường các vật dụng thay thế tiến tới loại bỏ túi nilon không phân hủy.
Bà Cao Thị Minh Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở TN&MT đã chủ trì phối hợp với các các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức lễ mít ting, trưng bày các gian hàng đổi rác thải tái chế lấy quà, treo băng rôn, pano, áp phích tuyên truyền với chủ đề "giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, nhằm nhắc nhở các tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường, sức khỏe cộng đồng cũng như thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Cũng theo bà Cao Thị Minh Thảo, Sở TN&MT TP. Cần Thơ còn phối hợp tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố cắt giảm sử dụng nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nilon, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, sử dụng.
Ngoài ra, TP. Cần Thơ cũng tăng cường các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên, đặc biệt áp dụng các giải pháp nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định về quản lý chất thải và phế liệu. Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều công ty, doanh nghiệp, hệ thống siêu thị đã xây dựng lộ trình thay thế bao bì, túi nilon trong bao gói sản phẩm.
Hiện nay, tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ đã sử dụng túi bao bì tự hủy, túi môi trường canvas và túi xanh môi trường để bao gói hàng hóa cho khách hàng. Đại diện Siêu thị Co.opmart Cần Thơ cho rằng, túi môi trường canvas và túi xanh môi trường có khả năng tái sử dụng nhiều lần, việc sử dụng các túi này sẽ góp phần giảm phát thải bao bì nhựa vào môi trường. Siêu thị Co.opmart cũng yêu cầu các đối tác cung cấp hàng hóa giảm thiểu tối đa sử dụng bao bì nhựa trong đóng gói sản phẩm.
Trong phát triển du lịch, TP. Cần Thơ cũng rất quan tâm đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, du khách về việc hạn chế sử dụng túi nilon tại các điểm du lịch như: chợ nổi Cái Răng, khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh, Cồn Sơn,... Tại khu vực Cồn Sơn (quận Bình Thủy) trong thời gian qua, nhiều hộ dân đã tham gia triển khai thực hiện mô hình hạn chế sử dụng túi nilon.
Bà Lê Thị Bé Bảy, ở khu vực Cồn Sơn (quận Bình Thủy) cho biết, trước khi thực hiện mô hình này, có đến 68% hoạt động của khách du lịch sử dụng túi nilon đựng trái cây các loại và 51% dùng đựng bánh kẹo. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai mô mình này đã đạt nhiều kết quả khi chỉ còn 52% hoạt động của khách du lịch sử dụng túi nilon đựng trái cây và 36% dùng đựng bánh kẹo.
Các hộ dân làm du lịch ký cam kết đồng hành hưởng ứng “Xây dựng mô hình người dân Cồn Sơn hạn chế sử dụng túi nilon”
Tiếp tục tuyên truyền thay đổi nhận thức, thói quen
Ths. Kỷ Quang Vinh - Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TP. Cần Thơ cho biết, trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, nhựa được sử dụng cho nhiều mục đích như làm bầu cây ăn trái, màng phủ nông nghiệp, che sáng, giàn leo, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thược vật... Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt sẽ có nhiều tác hại đối với đất, tích nhiệt lượng trong đất, là nơi tồn trú của côn trùng, nấm bệnh, cản trở rễ cây phát triển,... Đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật gây độc nguồn nước, tiêu diệt các sinh vật tự nhiên, thủy sản.
“Nhằm hạn chế tác hại từ nhựa đối với môi trường đất, nước, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để nông dân giảm dần sử dụng chất thải nhựa không phân hủy; cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định về hạn chế sử dụng nhựa trong bao bì nông nghiệp; thay thế các đồ nhựa bằng các vật dụng sinh học hay tái sử dụng được như rổ tre, lưới, bao bố, bầu cây bằng là chuối, dùng rơm rạ, lá sả để phủ đất, sậy, tre làm dàn trồng cây; quy định công ty sản xuất công cụ, bao bì nhựa có trách nhiệm thu hồi tái sử dụng rác nhựa" - Ths. Kỷ Quang Vinh đề xuất.
TS. Nguyễn Xuân Hoàng - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ cho hay, rác thải nhựa và nilon đang gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Do vậy, để hạn chế được loại chất thải này cần phải có cơ chế chính sách quản lý nhà nước; đồng thời đầy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng nhựa và túi nilon. Ngoài ra, tăng cường giải pháp tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu chất thải nhựa, túi nilon phát tán ra môi trường.
Theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, để giảm thiểu rác thải nhựa, túi nilon phát sinh trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác truyền rộng rãi tác hại của việc sử dụng chất thải nhựa, túi nilon đối với môi trường đất, nước tiến tới giảm dần rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy.
Cùng với đó, tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, tổ chức các lớp học giáo dục môi trường, triển khai thực hiện các hoạt động thu gom, tái chế chất thải nhựa, túi nilon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, triển khai nhân rộng các mô hình hạn chế sử dụng túi nilon tại các khu, tuyến dân cư,... trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Nguồn: Báo TN&MT