Trang bị kỹ năng giải quyết thách thức về tài nguyên nước

Đăng ngày: 16-04-2019 | Lượt xem: 1042
(TN&MT) - Dự án “Khí hậu Việt Nam - Hợp tác giáo dục nhằm đạt được sự thay đổi bền vững tại các vùng đồng bằng Việt Nam” nằm trong khuôn khổ Chương trình Tri thức Hà Lan (OKP) đã được Chính phủ Hà Lan đồng ý viện trợ với thời gian thực hiện 3 năm (2019 - 2021). Để hiểu thêm về dự án, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn PGS. TS Phạm Quý Nhân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội (Bộ TN&MT) - một trong những đơn vị được chọn để thực hiện dự án.

 

image1 (3)
PGS. TS Phạm Quý Nhân 
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội 

PV: Dự án đặt ra những mục tiêu và hoạt động gì, thưa ông?

PGS. TS Phạm Quý Nhân: Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực phát triển giáo dục bằng cấp ngành Quản lý tổng hợp Tài nguyên nước và các khóa học ngắn hạn cho các chuyên gia; tăng cường năng lực phát triển tổ chức; tăng cường năng lực để tham gia tốt hơn vào thị trường lao động.

Để dự án thành công, chúng tôi dự kiến sẽ triển khai các hoạt động như: Rà soát, nâng cấp chương trình đạo tạo cử nhân ngành Quản lý tổng hợp Tài nguyên nước tại trường Đại học TN&MT Hà Nội, trong đó, bao gồm các mục tiêu học tập tại mỗi mô đun môn học; tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về Quản lý tổng hợp Tài nguyên nước cũng như các vấn đề về quản trị và kinh tế tài nguyên nước cho các cán bộ chuyện trách ở địa phương thông qua Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT; đào tạo các giảng viên  Đại học Thủy lợi và Đại học TN&MT Hà Nội về các kế hoạch chiến lược, chính sách công nhận, kế hoạch quảng bá và tuyển dụng cũng như: Đào tạo các kỹ năng học thuật; thiết lập mạng lưới Cộng đồng các thành viên thực hiện; phân công nhiệm vụ của các thành viên trong Cộng đồng trong việc rà soát, hoàn thiện chương trình đào tạo, bao gồm Chương trình đào tạo Quản lý tổng hợp Tài nguyên nước và các khóa đào tạo ngắn hạn.

PV: Theo ông, tham gia vào dự án, giảng viên, sinh viên và các chuyên gia về tài nguyên nước sẽ được nâng cao trình độ ra sao?

PGS. TS Phạm Quý Nhân: Tại buổi lễ khởi động dự án tại Hà Nội ngày 10/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan Cora van Nieuwenhuizen cho rằng, không chỉ riêng Việt Nam, cả Hà Lan và một số nước phát triển, sinh viên quan tâm đến ngành nước, học về lĩnh vực tài nguyên nước còn rất hạn chế, đó là vấn đề rất đáng phải quan tâm. Tôi đồng tình với ý kiến của bà Cora van Nieuwenhuizen bởi những quốc gia chịu ảnh hưởng của nước như Hà Lan - được biết đến là đất nước nằm thấp nhất so với mực nước biển và Việt Nam với nhiều đồng bằng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhưng sinh viên lại không quan tâm đến tài nguyên nước. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong dự án này.

Khi tham gia dự án, giảng viên và sinh viên của Đại học Thủy lợi và Đại học TN&MT Hà Nội sẽ được trang bị tốt hơn kiến thức cũng như kỹ năng để giải quyết các thách thức quản lý nước ở Việt Nam. Ngoài việc đào tạo các sinh viên, các chuyên gia hiện tại trong lĩnh vực tài nguyên nước cũng được nâng cao trình độ. Dự án sẽ đóng góp và đảm bảo, việc giáo dục về nguồn nước sẽ phản ánh các nhu cầu của ngành nước ở Việt Nam.

Chương trình đào tạo quản lý tài nguyên nước tại Đại học TN&MT Hà Nội mới bắt đầu được 4 năm trở lại đây nên kiến thức và kinh nghiệm của sinh viên, giảng viên cũng như các chuyên gia về quản lý tài nguyên nước còn hạn chế. Trong khi đó, những kiến thức, trình độ của đối tác, chuyên gia người Hà Lan rất nhiều bởi đất nước họ đã trải qua nhiều năm “chiến đấu” với nước, do đó, khi tham gia vào dự án, chúng ta sẽ học được rất nhiều từ họ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: